Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với túi nilon, ống hút, cốc nhựa dùng một lần để tăng trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân.
Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội về dự Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi ngày 9/5, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy nói mỗi ngày, các bà nội trợ đi chợ ít nhất mang về 10 túi nilon. Với công nghệ xử lý rác thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp, bà tính toán 100 năm mới phân hủy hết rác thải nhựa này.
Khi đối mặt với vấn nạn xử lý chất thải rắn, trong đó có bao bì nhựa, các địa phương phải cấp bù ngân sách cho việc xử lý. Điều này ngược với quan điểm xây dựng pháp luật bảo vệ môi trường, đó là người gây ô nhiễm phải trả tiền.
“Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bao bì nhựa tiết kiệm ngân sách, điều chỉnh hành vi tiêu dùng và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”, bà nêu quan điểm.

Một cơ sở thu gom, tái chế chai nhựa tại Bình Dương. Ảnh: Thanh Tùng
Theo lộ trình giảm nhựa của Việt Nam, tại Nghị định 08/2022, UBND cấp tỉnh phải quy định và triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa, đảm bảo không lưu hành và sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch sau năm 2025. Việt Nam đặt mục tiêu dừng sản xuất, nhập khẩu đồ nhựa một lần sau năm 2030.
Việc dùng túi nilon thời gian qua còn phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe người dân. Do đó, Phó đoàn Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị bổ sung túi nilon, đồ nhựa dùng một lần vào diện chịu thuế.
“Nếu không có chế tài đủ mạnh, chúng ta sẽ khó thực hiện các cam kết về môi trường”, bà nói, thêm rằng việc này để thay đổi thói quen sử dụng của người dân, góp phần giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó đoàn Hải Dương nói Việt Nam đang đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng do . Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm thân thiện môi trường, thay đổi hành vi tiêu dùng và phù hợp với xu hướng quốc tế.
Tuy nhiên, bà đề nghị xây dựng lộ trình hợp lý để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi và người dân thích ứng thay đổi hành vi sử dụng.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu để rà soát. Song, thực tế các loại sản phẩm nhựa dùng một lần đều đang thuộc danh mục bị đánh thuế ở mức cao nhất là 40.000 một 1 kg.
Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua dự luật này vào ngày 13/6.
Sơn Hà