
Bệnh nhân BHYT khám theo yêu cầu chờ khám bệnh theo số thứ tự tại Bệnh viện quận 7, TP.HCM ngày 2-7-2025 – Ảnh: TỰ TRUNG
Làm thế nào để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của người dân, bác sĩ và chuyên gia.
* Bác sĩ HÀ NGỌC CƯỜNG (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ):
Khám khi còn đang khỏe

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thường tổ chức các đoàn đến các xã vùng cao khám miễn phí cho người dân.
Chúng tôi phát hiện có nơi rất đông người cao huyết áp, nguyên nhân ở vùng đó người dân ăn rất mặn.
Hay có một xã tỉ lệ ung thư rất cao, khi tìm hiểu mới biết họ đang sống trên vùng trước đây là nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu.
Việc khám sức khỏe định kỳ cho người dân sẽ sớm phòng tránh và phát hiện sớm bệnh tật là điều rất cần thiết.
Chủ trương khám sức khỏe miễn phí toàn dân đang được chuẩn bị triển khai là một bước tiến lớn trong tư duy y tế dự phòng.
Tuy nhiên để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, cần nhìn nhận rõ những điều kiện, thách thức cũng như bản chất của khám sức khỏe định kỳ.
Khám sức khỏe miễn phí không có nghĩa là làm tất cả các xét nghiệm, chụp chiếu tốn kém ngay từ đầu. Đó là khám sàng lọc, phát hiện sớm các bất thường ban đầu để từ đó có hướng theo dõi, can thiệp phù hợp.
Thực tế ở nhiều nơi từng triển khai các chương trình khám miễn phí, chỉ cần một bác sĩ có kinh nghiệm, vài thiết bị cơ bản như máy siêu âm, điện tim xách tay, tai nghe, đèn soi là đã có thể phát hiện được nhiều bệnh lý phổ biến về tim mạch, huyết áp, tiêu hóa…
Nếu bác sĩ giỏi, họ chỉ cần khám lâm sàng đã đủ định hướng để chỉ định xét nghiệm khi cần.
Quan trọng hơn cả là làm sao thuyết phục được người dân chịu đi khám. Đây mới là nút thắt lớn nhất. Nhiều địa phương tổ chức khám miễn phí nhưng người dân vẫn thờ ơ, bận việc, ngại chờ đợi hoặc không thấy giá trị của việc “khám khi đang còn khỏe”.
Nếu không tạo được thói quen chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người dân thì chương trình có thể không đem lại hiệu quả thực sự.
Người dân cần hiểu được khám sức khỏe định kỳ là trách nhiệm với chính bản thân mình. Khi người dân chịu đến khám, phần còn lại (từ bác sĩ, thiết bị đến ngân sách) sẽ tìm được cách phù hợp để vận hành.
Bên cạnh đó cần có hệ thống ghi nhận, lưu trữ hồ sơ sức khỏe qua từng năm để theo dõi bệnh lý mạn tính, phát hiện những thay đổi bất thường theo thời gian.
Nếu số hóa được hồ sơ khám chữa bệnh, người dân có thể dễ dàng kiểm tra, so sánh và chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình.
* Chị NGUYỄN THÚY NGÀ (nhân viên văn phòng tại Hà Nội):
Một chính sách thiết thực và nhân văn

Hiện tại tôi và gia đình cũng chỉ thỉnh thoảng đi khám sức khỏe chứ chưa hình thành được thói quen kiểm tra định kỳ hằng năm.
Một phần vì công việc bận rộn, phần khác vì chi phí khám tổng quát không hề nhỏ, nên chúng tôi thường nghĩ rằng cơ thể vẫn ổn, chỉ đến bệnh viện khi thấy mệt mỏi hay có dấu hiệu bất thường.
Nhiều người như chúng tôi vẫn còn thói quen “có bệnh mới chữa”, chưa thật sự quan tâm đến việc phòng bệnh từ sớm.
Chính vì vậy khi nghe thông tin sẽ triển khai chương trình khám sức khỏe định kỳ hoặc sàng lọc bệnh miễn phí cho toàn dân từ năm 2026, tôi cảm thấy rất vui mừng.
Đây thực sự là một chính sách mang ý nghĩa thiết thực và nhân văn, không chỉ giúp người dân có cơ hội được kiểm tra sức khỏe tổng quát mà còn góp phần phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.
Điều này càng quan trọng với những bệnh lý âm thầm như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch hay ung thư – vốn không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu.
Nếu không được phát hiện sớm thông qua khám định kỳ, bệnh tiến triển âm thầm, đến khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn, điều trị vừa tốn kém vừa ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cả tài chính của gia đình.
Việc khuyến khích kiểm tra sức khỏe định kỳ chính là cách chủ động để mỗi người tự bảo vệ chính mình và những người thân.
* Ông MATT JACKSON (trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam):
Cần có dữ liệu đầy đủ về dân cư

Mỗi quốc gia có hệ thống y tế khác nhau nhưng đích đến chung đều là đảm bảo mọi người dân với dịch vụ y tế thiết yếu, có chất lượng với chi phí hợp lý.
Chính sách khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc bệnh miễn phí cho toàn dân mà Việt Nam dự kiến triển khai từ năm 2026 thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc hướng đến mục tiêu phổ cập chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Nếu được thực hiện hiệu quả, chính sách khám sức khỏe định kỳ miễn phí sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế trong xã hội.
Để triển khai chính sách một cách bền vững và công bằng, cần xây dựng một hệ thống dữ liệu y tế và hồ sơ sức khỏe cá nhân đầy đủ, chính xác, có thể cập nhật và liên thông. Mọi người dân đều cần được đăng ký, ghi nhận trong hệ thống này.
Khi có dữ liệu đầy đủ, Chính phủ mới có thể hoạch định và phân bổ nguồn lực hiệu quả, đảm bảo chính sách đến đúng người, đúng nhu cầu.
Việc củng cố dữ liệu hành chính như ghi nhận đầy đủ các thông tin liên quan mỗi người là nền tảng đầu tiên. Chỉ khi chúng ta biết chính xác cả nước có bao nhiêu người, họ đang sống ở đâu, hoàn cảnh ra sao… mới có thể cung cấp dịch vụ y tế phù hợp, hiệu quả và nhân văn nhất.
Thời gian qua, Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã đồng hành cùng các cơ quan tại Việt Nam thực hiện nhiều cuộc khảo sát và điều tra dân số quy mô lớn – như điều tra dân số nhà ở, điều kiện sống của dân tộc thiểu số, cấu trúc hộ gia đình…
Những dữ liệu này không chỉ giúp xác định số lượng dân cư, nơi cư trú mà còn phản ánh bức tranh toàn diện về đời sống, từ thời điểm kết hôn, số con đến điều kiện nhà ở.
Tất cả đều là cơ sở quan trọng để Việt Nam xây dựng và triển khai những chính sách y tế phù hợp, hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.
* BS NGUYỄN MINH TIẾN (phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, TP.HCM):
Y tế cơ sở tiếp nhận ban đầu, tránh dồn lên tuyến trên

Thực tế người dân còn chưa có thói quen tái khám sức khỏe định kỳ, nhất là người nghèo và lao động tự do.
Chính sách này có hiệu lực thì sẽ giúp việc tiếp cận y tế của mọi người dân được công bằng hơn.
Việc khám sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm bệnh, từ đó giảm chi phí điều trị, gánh nặng bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, để làm được điều này cần nguồn lực rất lớn và có lộ trình, thí điểm.
Y tế cơ sở là nơi tiếp nhận khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho người dân.
Tùy tình trạng bệnh được phát hiện sau khám mà có chỉ định phù hợp, tránh dồn lên tuyến trên.
Có thể áp dụng gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu (WHO PEN). Gói này đã triển khai thí điểm tại các trạm y tế trên địa bàn TP.HCM và đã mang lại kết quả nhất định với chi phí hợp lý.
* Ông TRẦN TRƯỜNG SƠN (chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM):
Phát triển y tế cơ sở, triển khai rộng mô hình bác sĩ gia đình

Việc khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho người dân nên tổ chức tại tuyến cơ sở để giảm tải cho tuyến trên. Do đó tập trung tăng cường và phát triển y tế cơ sở là yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó cần triển khai rộng rãi mô hình bác sĩ gia đình và phát triển trạm y tế thành bệnh viện mini như định hướng của ngành y tế TP.HCM.
Khi trở thành bệnh viện mini, các trạm y tế sẽ có nhiều trang thiết bị, thuốc điều trị, tay nghề bác sĩ cao hơn so với chức năng của trạm y tế.
Điều này được xem là bước đi khả thi và đúng hướng để hỗ trợ việc khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho người dân.
Cần có một kế hoạch tổng thể, đầu tư mạnh vào y tế cơ sở, hiện đại hóa hệ thống, cải cách thủ tục hành chính.
Mục tiêu là xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe miễn phí ngay từ tuyến cơ sở, giảm gánh nặng cho tuyến trên và tối ưu hóa nguồn lực.