
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, nhóm tội phạm này thường giả danh công an, cán bộ UBND xã, phường mới thành lập để gọi điện thoại yêu cầu người dân “cập nhật thông tin quê quán, nơi ở”, “chuyển đổi dữ liệu”, “đồng bộ hóa giấy tờ” nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của người dân.
Cụ thể là ngày 3-7, chị V.T.T., ở xã Thành Long, tỉnh Thanh Hóa, bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người lạ tự xưng là “cán bộ công an xã“.
Người này thông báo xã Thành Long được sáp nhập theo chủ trương của Nhà nước, thông tin cá nhân của chị T. trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “không trùng khớp”, cần được điều chỉnh ngay.
Để tạo sự tin tưởng và đẩy nhanh việc “hỗ trợ công dân”, người lạ này yêu cầu chị T. kết bạn Zalo và quét mã QR để đăng ký số thứ tự đến trụ sở công an xã giải quyết công việc.
Do nghi ngờ cuộc điện thoại lạ và có tính cảnh giác, chị T. liền điện thoại trực tiếp cho cán bộ Công an xã Thành Long để xác minh thông tin.
Qua kiểm tra, cán bộ Công an xã Thành Long khẳng định đây là hành vi lừa đảo có chủ đích.
Các nghi phạm lợi dụng tâm lý của người dân trong thời điểm sáp nhập, chuyển đổi địa giới hành chính để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nên khuyến cáo người dân không truy cập, không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho người lạ.
Để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo: Việc sáp nhập xã, phường, điều chỉnh địa giới hành chính không yêu cầu người dân phải cung cấp lại thông tin cá nhân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cơ quan chức năng tự động cập nhật, đảm bảo đầy đủ, chính xác.
Người dân cần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số căn cước, mã định danh, tài khoản ngân hàng, mã OTP, ảnh chụp giấy tờ cá nhân qua điện thoại, mạng xã hội cho bất kỳ ai chưa xác minh được danh tính rõ ràng. Không truy cập đường link lạ, không quét mã QR từ người không quen biết gửi đến.
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, người dân cần báo ngay cho công an xã, phường nơi cư trú để được hỗ trợ, hướng dẫn xử lý kịp thời.