Nam thanh niên 18 tuổi bị tai nạn giao thông vào viện cấp cứu, đang đợi kết quả kiểm tra thì người nhà xông vào phòng la to “tại sao lâu vậy, cấp cứu mà phải chờ”.
Sự việc xảy ra đầu tháng 3, người đàn ông đưa em trai đi cấp cứu tại một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội. Người này vừa va chạm với xe ôtô, ngã đập đầu xuống đất, chân tay xước xát, chảy nhiều máu nhưng vẫn tỉnh táo. Tại cửa phòng cấp cứu, nhân viên y tế lấy thông tin, làm thủ tục nhập viện, đo sinh hiệu, treo bảng phân loại, chuyển vào bên trong buồng bệnh.
Sau khi có chỉ định đi chụp chiếu, bệnh nhân tiếp tục nằm đợi ở phòng cấp cứu. Lúc này, người nhà gấp gáp trình bày tình trạng nguy cấp, yêu cầu bác sĩ đến kiểm tra vì “sợ bị chấn thương sọ não”. Người nhà thắc mắc: “Nhiều bệnh nhân đến sau nhưng được chăm sóc trước, sao em tôi phải chờ đến lượt”.
Cảnh tượng này không hiếm gặp ở các bệnh viện tuyến cuối. Tại Bệnh viện Gia Định (TP HCM), một người đàn ông xông vào phòng cấp cứu liên tục mắng chửi, hành hung các y bác sĩ vì đã để người nhà họ “chờ mấy tiếng không thăm khám”, yêu cầu phải cắt cử người trông coi, chăm sóc bệnh nhân 24/24. Trong khi đó, theo kíp trực hôm ấy, thời gian từ lúc bệnh nhân này vào viện đến khi hoàn thành việc cho thuốc, xét nghiệm máu, chụp phim, chuyển bó bột cố định vai và mời bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình khám, chỉ 24 phút.
Gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định xảy ra vụ người nhà xông đến , đấm vào mặt, gáy của nam điều dưỡng. Người này khai không thấy nhân viên y tế hỗ trợ bố đang trong tình trạng sức khỏe chuyển biến xấu nên mất bình tĩnh.
Trong y học, cứu người là mệnh lệnh tối thượng, cấp cứu người bệnh luôn được ưu tiên, kể cả khi họ không có người thân đi cùng hoặc danh tính thời điểm nhập viện chưa rõ, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh “cứu người là ưu tiên trên hết, không vì bất cứ lý do nào”. Tại khoa cấp cứu, mọi sự sống đều được cân nhắc cẩn trọng.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 của Bộ Y tế, cấp cứu là tình trạng sức khỏe hoặc hành vi xuất hiện đột ngột của một người mà nếu không được theo dõi, can thiệp kịp thời thì có thể dẫn đến suy giảm chức năng cơ thể, tổn thương nghiêm trọng và lâu dài đối với cơ quan, bộ phận cơ thể hoặc tử vong ở người đó hoặc đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng đối với người khác.
Tuy nhiên, “quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân cấp cứu được phân theo mức độ nặng nhẹ, không phải thời gian chờ, song nhiều người nhà vẫn cho rằng người thân mình bị bỏ rơi, lơ là”, TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nói, thêm rằng tâm lý người bệnh và người nhà mong muốn được phục vụ nhanh, kỹ lưỡng, trong khi nguồn lực y tế có hạn.
“Sự kỳ vọng vượt ngoài khả năng đáp ứng của bệnh viện là nguyên nhân sâu xa dẫn đến mâu thuẫn”, ông Đức nhìn nhận.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy chật kín giường bệnh, chiều 5/9/2022. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Hùng Vương, nhận định môi trường cấp cứu luôn cần đánh giá và ra quyết định nhanh với lượng thông tin hạn chế. Điều này là thách thức bởi mỗi chỉ định đều mang tính sống còn. Tuy nhiên, khoa cấp cứu vốn rất nhiều áp lực, như thời gian, không gian làm việc thường nằm ngay gần cổng bệnh viện, thường thông thương với bên ngoài, đông người qua lại nên dễ có lộn xộn, nhiều tiếng ồn và khó kiểm soát.
“Để không bỏ sót bệnh nhân, bác sĩ buộc phải phân loại, đưa ra quyết định nhanh và chính xác, nếu không thì ‘vỡ trận’”, ông nói.
TS. BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Hà Nội, cho biết hầu hết mọi người đi cấp cứu đều mặc định “sẽ được chữa trị ngay lập tức”. Do đó khi chứng kiến người thân phải chờ, sự lo lắng nhanh chóng chuyển thành tức giận, nghi ngờ, nhiều người oán trách, hành hung nhân viên y tế. Thực tế, cấp cứu không có nghĩa là “ai đến trước được khám trước”. Tại khoa cấp cứu, quy trình phân loại (triage) là nguyên tắc sống còn, dựa trên nguy cơ sinh tử, công bằng trong y tế.
“Phân loại cấp cứu không phải là bỏ qua ai, mà là để cứu được nhiều người nhất, đúng người nhất, vào đúng thời điểm”, bác sĩ nói.
Bệnh viện Lão khoa Trung ương là tuyến cuối điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, liên tục tiếp nhận ca bệnh nặng. Quy trình phân loại và xử trí cấp cứu chia thành 5 mức độ. Trong đó, mức đỏ là cấp cứu ngay lập tức trường hợp đe dọa đến tính mạng như ngừng tim, ngừng thở, hôn mê sâu, đang co giật, ngộ độc thuốc đường tĩnh mạch kèm rối loạn ý thức, rối loạn hành vi nguy hiểm như tự sát, gây thương tích người khác…
Mức vàng, cấp cứu trong 10 phút trường hợp nguy cơ đe dọa tính mạng hoặc điều trị khẩn cấp, đau nghiêm trọng. Cụ thể, bệnh nhân suy hô hấp, suy tuần hoàn, đột quỵ cấp, sốt kèm theo đờ đẫn, đa chấn thương mất máu nặng, đau ngực nghi do tim mạch, rối loạn tâm thần…
Ba mức còn lại lần lượt là cấp cứu trong vòng 30 phút trường hợp có khả năng đe dọa tính mạng hoặc diễn biến bất lợi trong vòng 30 phút; cấp cứu trong vòng 60 phút trường hợp có thể diễn biến bất lợi nếu không xử lý trong 60 phút hoặc đòi hỏi phải xét nghiệm, nhập viện điều trị. Mức cuối cùng là cấp cứu trong vòng 120 phút trường hợp bệnh nhẹ hay mạn tính, bệnh tái khám, xem lại vết thương cũ…
Bệnh viện Bạch Mai là nơi “đầu sóng ngọn gió”, riêng Trung tâm Hồi sức Cấp cứu là nơi sức ép “nóng bậc nhất cả nước”. Nơi này có hơn 160 y bác sĩ và điều dưỡng, chia nhau trực hai ca mỗi ngày. Trung bình, họ tiếp nhận hơn 300 ca cấp cứu một ngày, trong đó khoảng 70% là bệnh nhân nguy kịch. Khi có bệnh nhân, các bác sĩ dựa vào tình trạng để phân loại, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Cụ thể, bảng đỏ là ưu tiên số một, cần hồi sức ngay lập tức. Đây là những bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, rối loạn ý thức, ngừng tuần hoàn, có biểu hiện tâm thần gây nguy hiểm cho bản thân và người khác… Bảng màu da cam ở mức ưu tiên thứ hai, cấp cứu dưới 10 phút. Bảng vàng ưu tiên ba, cấp cứu trong vòng 30 phút và bảng màu xanh lá có thể theo dõi và điều trị trong một giờ.
Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, mỗi người bệnh thường có một đến hai người nhà đi cùng. Bệnh viện có khoảng 2.000 nhân viên y tế. Như vậy, mỗi ngày có chừng 10.000 người lưu lại quanh bệnh viện. Đơn vị xây dựng quy trình cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân nặng theo đúng quy chế của Bộ Y tế.
Tại các bệnh viện ở TP HCM, thời gian lưu lại khoa cấp cứu của bệnh nhân thường không quá 4-6 giờ, tuân theo “nguyên tắc 4 giờ” và “nguyên tắc 6 giờ” do Sở Y tế thành phố quy định. Do đó, khi xử trí ban đầu, nhân viên y tế buộc phải quyết định nên cho bệnh nhân chuyển viện, xuất viện hay chuyển vào các khoa nội trú phù hợp để tránh tình trạng nằm quá lâu tại khoa Cấp cứu. Việc ưu tiên can thiệp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng sức khỏe.
Các bệnh viện tăng cường giao tiếp với thân nhân người bệnh trong thời gian nằm điều trị tại khoa cấp cứu, giúp tạo sự an tâm, giảm lo lắng, bức xúc không cần thiết. Tình huống số bệnh nhân tăng đột ngột như ngộ độc hàng loạt, tai nạn thương tích…, bệnh viện sẽ điều phối tăng cường nhân viên hỗ trợ cấp cứu.
![[Caption]cccccc Bạch Mai](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/05/10/A-nh-ma-n-hi-nh-2025-05-09-lu-7307-1924-1746875875.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2DKkqW6wF936lmolGlT2zw)
Các bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Giang Huy
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, quyền của bệnh nhân là được cấp cứu và trách nhiệm của nhân viên y tế, bác sĩ là phải đảm bảo thực hiện quyền này. Tuy nhiên, bác sĩ cũng có quyền từ chối khám, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Chẳng hạn, tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình; việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp; người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi….
Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh vấn đề then chốt là xây dựng hệ thống cấp cứu hồi sức chất lượng. Các bệnh viện cần từng bước hoàn thiện quy trình phù hợp với điều kiện riêng, đồng thời đề nghị thiết lập cơ chế “bù lỗ” cho khoa cấp cứu hồi sức, để các đơn vị này không phải tự cân đối thu chi, giảm bớt áp lực tài chính và duy trì ưu tiên cứu chữa.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh môi trường cấp cứu cũng cần được bảo vệ khỏi các hành vi bạo lực. Quy trình thực hiện phải dựa trên tiêu chuẩn chung của Bộ Y tế nhưng linh hoạt điều chỉnh theo đặc thù từng tuyến, nhất là tại bệnh viện huyện.
“Chuyên nghiệp và minh bạch là mục tiêu ngành y tế hướng đến. Trước những hành vi vô lương tri, tập thể y bác sĩ sẵn sàng đoàn kết để bảo vệ lẽ phải”, bác sĩ nói.
Thùy An