Chính vì vậy, luật mới và các nghị định hướng dẫn đã trao cho cấp xã một “gói quyền” lớn hơn trước rất nhiều, đặc biệt về thẩm quyền quyết định ngân sách, đầu tư công, đất đai, quản lý dân cư, hộ tịch, quốc phòng – an ninh, giải quyết khiếu nại, tranh chấp tại địa phương. Đây cũng là điểm nổi bật để bảo đảm bộ máy sau sáp nhập không chỉ gọn mà còn thực quyền, đủ năng lực tổ chức quản trị, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Người dân nhận sổ đỏ tại Trung tâm dịch vụ hành chính công P.Hà Huy Tập, Hà Tĩnh
ẢNH: PHẠM ĐỨC
HĐND cấp xã quyết định nhiều vấn đề ngân sách, đầu tư công
Một trong những quyền lớn của HĐND cấp xã theo luật mới là quyết định toàn bộ các vấn đề ngân sách và đầu tư công trên địa bàn xã mình quản lý. Cụ thể, HĐND cấp xã sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua dự toán thu – chi ngân sách hằng năm, phân bổ nguồn vốn cho từng dự án, công trình, phê chuẩn quyết toán ngân sách sau khi UBND thực hiện xong. Đây là điểm rất quan trọng vì trước đây, nhiều nội dung tài chính vẫn phải thông qua cấp huyện.
Bên cạnh đó, HĐND cấp xã còn được quyền quyết định danh mục các dự án đầu tư công, ưu tiên xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông, công trình văn hóa, điện chiếu sáng… Điều này thể hiện sự rõ nét hơn, bởi chính quyền xã nắm rõ nhu cầu thực tế của dân và quyết định chi tiêu phù hợp.
Không chỉ vậy, luật mới cũng mở ra khả năng để HĐND cấp xã quyết định mức huy động đóng góp tự nguyện của người dân nhằm thực hiện các công trình phúc lợi ở địa phương, bảo đảm theo nguyên tắc dân chủ, công khai và đúng luật.
Chủ tịch UBND xã có quyền hành chính rất rộng
Chủ tịch UBND xã được xem như “nhạc trưởng” của bộ máy hành chính tại xã, trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn diện mọi hoạt động quản lý nhà nước. Chủ tịch UBND xã có quyền ký các văn bản hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, quản lý dân cư, trật tự xã hội…
Cụ thể, Chủ tịch UBND xã được quyết định xác nhận hiện trạng đất đai, tham gia xét duyệt hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc thẩm quyền.
Trong quản lý trật tự đô thị, nông thôn, Chủ tịch UBND xã có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè, vi phạm vệ sinh môi trường, vi phạm xây dựng không có giấy phép, trái phép ở mức độ nhất định.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND xã còn tổ chức công tác quốc phòng, quân sự địa phương, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ, bảo đảm sẵn sàng xử lý các tình huống về an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Trong lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, Chủ tịch UBND xã ký quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, giải quyết tranh chấp nhỏ tại cơ sở; ký giấy khai sinh, khai tử, kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân cho người dân trên địa bàn.
Mở rộng quyền trong quản lý đất đai
Theo quy định, UBND cấp xã sau sáp nhập sẽ giữ vai trò rõ nét trong quản lý đất đai tại địa phương. Cụ thể, UBND xã chịu trách nhiệm xác nhận nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất để làm căn cứ cấp sổ đỏ, chuyển mục đích, thừa kế, tặng cho… Chủ tịch UBND xã trực tiếp ký xác nhận các loại giấy tờ, hồ sơ địa chính liên quan.
Đặc biệt, khi có dự án đầu tư trên địa bàn, UBND xã sẽ tham gia phối hợp đo đạc, kiểm kê đất đai, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân. Trong trường hợp phát hiện lấn chiếm đất công, đất quy hoạch, chính quyền xã có quyền lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định cưỡng chế nếu đủ điều kiện pháp luật quy định.
Nhờ đó, UBND xã thực sự trở thành “người gác cổng” đầu tiên, gần dân nhất, kiểm soát các hoạt động sử dụng đất, phát hiện sớm sai phạm để kịp thời xử lý, bảo vệ tài nguyên đất đai vốn là nguồn lực quý giá của địa phương.
Trách nhiệm giải trình, tiếp dân công khai, minh bạch
Đi cùng với việc giao thêm quyền, luật cũng siết chặt hơn trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã. HĐND xã được giao quyền giám sát UBND, chất vấn Chủ tịch UBND xã về những vấn đề nóng tại địa bàn. Người dân cũng có quyền làm đơn yêu cầu HĐND họp bàn về vấn đề hệ trọng, nếu có trên 10% tổng số cử tri ký tên thì HĐND bắt buộc phải tổ chức kỳ họp chuyên đề.
UBND xã phải công khai dự toán, quyết toán ngân sách, công khai danh mục các dự án đầu tư công, các khoản huy động đóng góp của nhân dân để người dân biết, người dân kiểm tra. Chủ tịch UBND xã phải tổ chức tiếp công dân định kỳ, giải quyết khiếu nại tố cáo đúng luật, không đùn đẩy, né tránh. Nếu người đứng đầu xã vi phạm quy định, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, có thể bị xử lý kỷ luật, cách chức, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ.
Sau sáp nhập, chính quyền cấp xã không còn “bé nhỏ” như trước. Xã bây giờ quản lý dân số lớn hơn, phạm vi rộng hơn, ngân sách mạnh hơn và quyền lực hành chính cũng rõ ràng hơn.
Cấp xã quyết ngân sách, phê duyệt dự án, xác nhận đất đai, giải quyết tranh chấp, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn hương ước thôn xóm, thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số. Đổi lại, chính quyền xã phải chịu trách nhiệm giải trình trước dân, trước pháp luật…
Đây chính là bước phát triển mới, nhằm xây dựng bộ máy chính quyền thật sự “của dân, do dân, vì dân”, gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ thiết thực hơn và đồng thời cũng minh bạch hơn, không để quyền lực bị lạm dụng. Người dân không chỉ là đối tượng quản lý mà còn trở thành chủ thể giám sát, đồng hành cùng chính quyền cấp xã xây dựng địa phương văn minh, phát triển bền vững.