Tháng Tư, nắng gắt bao trùm vùng núi rừng phía tây Nghệ An. Tại các cánh rừng thuộc xã Thông Thụ, Tiền Phong, Đồng Văn của huyện Quế Phong, cây lùng đang chết đồng loạt, trơ trọi.
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, nhiều khoảnh rừng lùng tại các xã vùng đệm như Tiền Phong, Thông Thụ, Đồng Văn đang có dấu hiệu ra hoa, chết hàng loạt, dẫn đến nguy cơ cháy.

Hàng trăm ha lùng tự nhiên đồng loạt ra hoa rồi chết trên diện rộng ở biên giới Nghệ An (Ảnh: Văn Sinh).
Hiện tượng cây lùng chết hàng loạt diễn ra tại nhiều tiểu khu thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, đặc biệt tập trung ở các tiểu khu 5, 9, 10, 11, 22, 41, 48 dọc tuyến biên giới Việt – Lào thuộc xã Thông Thụ. Đây là vùng sinh thái tự nhiên phát triển tập trung của cây lùng.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cho biết hiện tượng trên ở loài lùng là quy luật sinh trưởng tự nhiên của họ tre trúc. Tuy nhiên, khi xảy ra trên diện rộng sẽ dẫn đến nguy cơ cao cháy rừng, nhất là trong điều kiện nắng nóng kèm theo gió Lào vào tháng 4, 5 hàng năm.
Ông Sinh cho biết thêm, ở phía bên kia biên giới thuộc nước Lào, người dân bản địa bắt đầu vào mùa phát rẫy, nhiều khu rất gần với bờ biên, rất dễ cháy lan vào Việt Nam. Bên cạnh đó, rừng lùng chết để lại rất nhiều lá, thân và ngọn khô, dễ bắt lửa.

Cây lùng chết khuy diễn ra trên diện rộng tại nhiều tiểu khu thuộc Khu BTTN Pù Hoạt và dọc tuyến biên giới Việt – Lào (Ảnh: Văn Sinh).
Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã nhanh chóng khoanh vùng, xác định điểm cháy trọng điểm, tổ chức lực lượng canh trực phòng cháy chữa cháy rừng tại các thôn bản và cửa rừng.
Đồng thời, đơn vị này phối hợp với Đồn Biên phòng Thông Thụ tuyên truyền ngoại biên, lồng ghép tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng vào các cuộc thăm thân, trao đổi với người dân hai bên biên giới.
Hiện tại, các bản Mường Phú, Mường Piệt (xã Thông Thụ) đã cam kết bảo vệ rừng, kịp thời cung cấp thông tin nếu có cháy rẫy bên Lào, nguy cơ lan sang Việt Nam. Công tác kiểm đếm, thống kê, bố trí phương án ứng phó được triển khai quyết liệt.
“Không ai muốn mất rừng. Nhưng để giữ được rừng, đặc biệt trong mùa khô nắng gắt, cần rất nhiều công sức, cảnh giác và sự chung tay của cả cộng đồng”, ông Sinh nhấn mạnh.