Trường Harvard Kennedy (HKS), nơi ông Joseph Nye từng làm giáo sư danh dự, đã đưa ra thông báo trên vào ngày 7.5.

“Cha đẻ” học thuyết quyền lực mềm Joseph Nye
ẢNH: AFP
Trưởng khoa HKS Jeremy M. Weinstein tuyên bố: “Ông Joseph Nye là một học giả đặc biệt, một trưởng khoa có tầm nhìn xa và một người cố vấn tận tụy. Ngay cả ở một nơi thấm đẫm lịch sử như HKS, ông Joseph vẫn nổi bật như một nhân vật tạo sự biến đổi. Ông đã giúp xây dựng tổ chức này như ngày nay, đồng thời tạo biến chuyển lĩnh vực quan hệ quốc tế. Tất cả những ai có vinh dự được làm việc và học tập ở đây đều được hưởng lợi từ sự lãnh đạo có tầm nhìn xa của ông”.
“Không thể tóm tắt những đóng góp trí tuệ của ông Joseph trong một đoạn văn hay một trang giấy. Trong một thế kỷ có sự thay đổi chưa từng có trong chính trị toàn cầu, ông là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu định hình sự hiểu biết của chúng ta về quan hệ quốc tế đương đại”, theo ông Jeremy M. Weinstein.
Ông Joseph Nye lần đầu tiên gia nhập Harvard vào năm 1964 sau khi nhận bằng tiến sĩ từ chính phủ Mỹ. Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng HKS từ năm 1995 – 2004.

Ông Joseph Nye tại văn phòng làm việc
ẢNH: Trường Harvard Kennedy
Là tác giả của 14 cuốn sách và hơn 200 bài báo, ông Nye đã nghiên cứu nhiều chủ đề đa dạng như kiểm soát vũ khí và chủ nghĩa toàn châu Phi. Ông đã phát triển các khái niệm về quyền lực mềm, quyền lực thông minh và chủ nghĩa tân tự do trong 6 thập niên công tác tại HKS.
Theo bài viết trên HKS, lý thuyết “quyền lực mềm” – được viết hồi cuối những năm 1980 – là đóng góp học thuật quan trọng nhất của ông Nye. Ông Joseph Nye đã viết trong một cuốn sách xuất bản năm 2004 về chủ đề này rằng: “Quyền lực mềm – khiến người khác mong muốn đạt được kết quả mà bạn mong muốn – sẽ thu hút mọi người thay vì ép buộc họ”.
Ông Nye cũng từng giữ các vai trò liên quan an ninh quốc gia quan trọng trong chính quyền cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Ông từng là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Theo The Straits Times, phần lớn thời gian của ông Nye trong chính phủ tập trung vào chính sách hạt nhân. “Ông ấy tự hào nhất vì đã đóng góp cả về mặt trí tuệ… và thực tế (trong chính quyền Tổng thống Mỹ Carter và Clinton) vào việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân”, học giả Graham Allison của Harvard chia sẻ với AFP.
Sự kết hợp giữa tính nghiêm ngặt trong học thuật và tính thực tế trong công tác chính phủ đã cung cấp thông tin và làm phong phú thêm cho nghiên cứu và giảng dạy của ông.