
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết bộ này đang hoàn thiện dự thảo nghị định triển khai luật nhà giáo, trong đó có các quy định đặc biệt được trông đợi như chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo và sẽ tham mưu Chính phủ xếp lại lương của một số chức danh nhà giáo…
Chính sách lớn mang tính đột phá dành cho giáo dục còn thể hiện qua những nghị quyết lớn mà Quốc hội vừa thông qua như miễn học phí cho học sinh (HS) mầm non đến phổ thông; phổ cập giáo dục mầm non từ 3 – 5 tuổi; việc hỗ trợ bữa ăn bán trú cho HS… Những điều này đang chứng minh giáo dục thật sự là quốc sách hàng đầu. Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và dành những điều tốt đẹp nhất để phát triển giáo dục.
Những tin vui nối tiếp tin vui khiến đội ngũ nhà giáo trên cả nước những ngày qua thực sự có cảm giác đã “chạm” vào ước mơ lương nhà giáo cao nhất vốn đã được chờ đợi từ bao lâu nay. Một nhà giáo có gần 20 năm công tác chia sẻ: “Khi luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua, chúng tôi đã rất vui nhưng cũng xác định sẽ phải tiếp tục đợi chờ các văn bản hướng dẫn thực thi trong một khoảng thời gian có thể là dài nữa như các luật khác. Thế nhưng khi nghe lãnh đạo Bộ GD-ĐT phát biểu như vậy khiến chúng tôi hiểu ngày ấy sẽ không xa nữa”.
Bản thân nhà giáo cũng như các chuyên gia giáo dục, chính sách cũng cho rằng việc lập thang bảng lương mới của nhà giáo là vô cùng bức thiết và cần chú trọng việc tăng mạnh mức lương khởi điểm và gắn với năng lực thực sự của GV; tái cấu trúc tất cả những ưu đãi dành cho nhà giáo. Việc xếp cao nhất về hệ số lương cũng cần xem xét kỹ, xóa bỏ những điều chồng chéo trong các văn bản pháp luật. Nếu trả lương cao nhất thì đi kèm với đó cũng nên có cơ chế kiểm soát, đánh giá kết quả đầu ra, biết được chất lượng người học…
Đi kèm với việc xây dựng thang bảng lương mới, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần chú trọng cải tổ hệ thống đào tạo sư phạm; phải đổi mới, nâng cao chất lượng GV. Nếu không, chỉ vì mức lương cao, sức hút vào trường sư phạm tăng, chất lượng đầu vào tăng nhưng chất lượng đào tạo không có những cải tiến đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện ở giáo dục phổ thông thì cũng chưa thể đáp ứng được sự kỳ vọng của cả hệ thống chính trị và người dân.
“Tư duy hệ thống là muốn được trả lương cao thì phải có giá trị cao. Muốn vậy, phải làm chặt từ tuyển đầu vào, đào tạo cho đến bồi dưỡng, tự bồi dưỡng và GV phải thể hiện mình không phải qua bằng cấp mà là giá trị chuyên nghiệp đối với người học và xã hội”, một chuyên gia giáo dục chia sẻ.
Khi lương cao nhất dành cho nhà giáo sắp đi vào cuộc sống, cũng không thể không nhắc tới kỳ vọng rất lớn của người dân, đó là HS sẽ “thoát” cảnh bị ép buộc phải học thêm bởi lương nhà giáo đã đủ sống, bởi chất lượng GV không còn chênh lệch giữa các nhà trường, giữa các vùng miền.
Việc Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định thi hành luật Nhà giáo cho thấy sự nhanh nhạy, đầy trách nhiệm trong việc đưa văn bản luật vào cuộc sống, khiến người dân có thêm hy vọng các bộ, ngành khác cũng nhanh chóng triển khai đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống để hiện thực hóa các chủ trương quan trọng góp phần phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.