Ngày 23/6, bức ảnh tại bảng địa phận Trà Vinh cũ (nay là Vĩnh Long) đã khép lại hành trình đặc biệt kéo dài 3 năm của Nguyễn Quyết Sơn (SN 2000) quê Long An cũ (nay là Tây Ninh), đang sống và làm việc tại TPHCM.
Trên chiếc xe máy thân thuộc, anh đã đi dọc đất nước, săn lùng và lưu giữ hình ảnh 63 bảng địa phận tỉnh thành cũ, trước khi các đơn vị hành chính chính thức thay đổi.
Trước đó, thông tin sáp nhập địa giới hành chính tại nhiều địa phương được triển khai trên cả nước khiến nhiều người quan tâm. Với Nguyễn Quyết Sơn, đó là động lực để anh hoàn tất bộ ảnh đầy đủ 63 bảng địa phận các tỉnh, thành của Việt Nam mang nhiều giá trị kỷ niệm.
“Đây không phải là một hành động hoài niệm hay tiếc nuối, bởi tôi ủng hộ chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Nhưng với cá nhân tôi, việc ghi lại hình ảnh các bảng tỉnh là một cách gìn giữ một phần lịch sử, như những trang lưu bút của tuổi trẻ”, Sơn chia sẻ.

Chàng trai sinh năm 2000 dành nhiều thời gian đi đến nơi có các bảng địa phận tỉnh thành (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chuyến du xuân đầu năm 2022 đến Tây Nguyên đã vô tình mở ra hành trình dài hàng chục ngàn ki-lô-mét. Khi chụp bảng địa phận Long An (cũ), nơi mình sinh ra, anh Sơn bất chợt nảy ra ý tưởng: “Tại sao không chụp đủ 63 tỉnh thành?”.
Ý tưởng ngẫu hứng ấy sau đó đã trở thành một dự án kéo dài suốt 3 năm, qua hàng trăm ngày rong ruổi và không ít lần quay lại cùng một địa phương chỉ để “săn” một tấm bảng rõ ràng, đẹp và có giá trị lưu giữ lâu dài.
Có những tỉnh thành, bảng địa phận đặt ở nơi hẻo lánh, khó tìm. Trong đó, Nam Định cũ (nay là Ninh Bình) là một trong những điểm khó nhất với Sơn, khi anh phải quay lại nhiều lần, hỏi thăm người dân, dò tìm từng đoạn quốc lộ.
Bảng Ninh Bình cũng khiến anh “vỡ kế hoạch” vì lần đầu đến thì gặp mưa lớn. Anh phải đợi lần sau quay lại khi trời quang và đường khô, mới ghi lại được khoảnh khắc như ý.
“Không phải bảng nào cũng rõ, đẹp, nhưng tôi luôn cố gắng chọn thời điểm có ánh sáng tốt, phông nền rõ ràng. Có bảng đặt giữa ruộng, có bảng ở chân cầu, thậm chí nằm khuất sau bụi cây”, Sơn kể.
Năm 2023, Sơn phát hiện mắc bệnh, phải điều trị suốt hơn một năm, hành trình xuyên Việt buộc phải tạm hoãn. Trong quãng thời gian ấy, những tấm ảnh trở thành nguồn cảm hứng và động lực lớn. Anh bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến xuyên Việt dài ngày ngay sau khi hồi phục.
Đến tháng 4/2024, anh Sơn khởi động hành trình 40 ngày bằng xe máy, đi qua 49 tỉnh thành với tổng quãng đường 10.467km và chi tiêu hết 17 triệu đồng để chạm đến mục tiêu đã nuôi dưỡng từ những ngày trên giường bệnh.

Nhiều ảnh về bảng địa phận có thể trở thành tư liệu quý (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ngoài bảng địa phận, Sơn còn tranh thủ check-in các cột mốc biên giới, khám phá các món ăn địa phương, tập tục vùng miền và gặp được những con người tử tế giữa đường xa…
Nhưng trong chuyến đi này, anh cũng chưa thể chụp đủ 63 tỉnh. Đến khi có thông tin sáp nhập, Sơn gấp rút thực hiện chuyến đi tiếp theo vào đầu tháng 6.
Trong chuyến đi này, anh lần lượt ghé qua các địa danh cũ như An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và kết thúc ở Trà Vinh cùng tấm bảng cuối cùng trong hành trình.

Trong các chuyến đi của mình, anh Sơn cũng chinh phục một số cột mốc biên giới đánh dấu chủ quyền Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Khi được hỏi về kế hoạch sắp tới, Sơn tiết lộ: “Tôi đang chờ các tỉnh, thành hoàn thiện bảng địa phận mới. Khi có, tôi sẽ lên đường đi tiếp. Bộ ảnh sắp tới sẽ là hành trình song song với sự đổi thay của đất nước”.
Với Sơn, bức ảnh tại bảng địa phận Long An (cũ) là đại diện trọn vẹn nhất cho cả hành trình khi đó là nơi bắt đầu, cũng là quê hương ruột thịt. Còn bức ảnh cuối cùng tại Trà Vinh (cũ) – khép lại bộ ảnh 63 bảng tỉnh thành cũ – là điểm dừng của một hành trình và cũng là điểm mở cho một hành trình mới.
“Tôi hy vọng những tấm ảnh này không chỉ là kỷ niệm cá nhân, mà còn là tư liệu cho thế hệ sau – để biết rằng từng có một Việt Nam với 63 tỉnh thành, mỗi tên gọi đều mang theo một lớp trầm tích văn hóa, lịch sử và tình cảm của người dân địa phương”, Sơn chia sẻ.