Châu Âu quay cuồng dưới nắng nóng đầu mùa

Châu Âu quay cuồng dưới nắng nóng đầu mùa

bởi

trong

Nắng nóng dữ dội tấn công Nam Âu, với nhiệt độ vượt quá 46℃ ở Tây Ban Nha và nhiều nơi phải ban bố cảnh báo đỏ.

Các quốc gia ở miền nam châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Hy Lạp, Pháp, đang trải qua đợt nắng nóng cực đoan đầu tiên trong mùa hè năm nay.

“Nắng nóng cực đoan ở châu Âu không còn là hiện tượng lạ, mà đã trở thành bình thường mới”, Tổng thư ký LHQ Antonia Guterres cho biết ngày 30/6.

Tại Bồ Đào Nha, quê hương của ông, nhiệt độ cao nhất tháng 6 được ghi nhận ở Mora, cách Lisbon gần 100 km về phía đông, ở mức 46,6℃. Giới chức nước này đang xem xét liệu đây có phải mức nhiệt tháng 6 cao nhất lịch sử hay không. 18 khu vực ở nước này đã ban bố cảnh báo đỏ về nhiệt độ.





Châu Âu quay cuồng dưới nắng nóng đầu mùa

Người dân Tây Ban Nha vận chuyển quạt ở Barcelona. Ảnh: Reuters

Tại Italy, 21 trên 27 thành phố đã ban bố cảnh báo nhiệt độ cao nhất vào cuối tuần qua. Số lượng ca nhập viện ở những vùng nóng nhất đất nước như Tuscany tăng 20%. Người dân được khuyến cáo không nên rời nhà từ 11h đến 18h.

Tại Pháp, giới chức đã lần đầu tiên trong lịch sử nước này ban hành cảnh báo nhiệt độ trên gần như toàn bộ lãnh thổ đất liền. Cơ quan khí tượng Meteo France đặt 88% khu vực hành chính dưới cảnh báo nhiệt màu cam, cấp độ nắng nóng nghiêm trọng thứ hai.

“Đây là điều chưa từng có”, Bộ trưởng Sinh thái Agnes Pannier-Runacher nói. Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh giờ làm việc của người lao động. Hơn 200 công trường sẽ đóng cửa toàn bộ hoặc một phần đến hết hôm nay.

Tây Ban Nha, quốc gia được xem là có thời tiết khắc nghiệt nhất, ghi nhận nhiệt độ tháng 6 cao nhất mọi thời ở mức 46℃ tại El Granado, tỉnh Huelva vào cuối tuần. Nhiệt độ tháng 6 kỷ lục của nước này trước đó là 45,2℃, ghi nhận tại Seville năm 1965.

Ngày 29/6 cũng được xem là ngày nóng nhất lịch sử Tây Ban Nha, kể từ khi Aemet, cơ quan khí tượng nước này, bắt đầu ghi nhận dữ liệu năm 1950.

Tình trạng ban ngày nắng nóng, ban đêm oi bức sẽ diễn ra ở nhiều thành phố miền nam trong ba ngày tới. Giới chức y tế nước này cảnh báo cái nóng cả ngày có thể gây những căng thẳng “chết người” đối với cơ thể.





Người dân giải nhiệt trước quạt phun sương ở Rome, Italy. Ảnh: Reuters

Người dân giải nhiệt trước quạt phun sương ở Rome, Italy. Ảnh: Reuters

Nhiệt độ cao cũng khiến một số quốc gia phải tăng cường nhân sự chống cháy rừng. Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 50.000 người đã phải sơ tán do cháy rừng đầu mùa.

Các quốc gia xa hơn về phía bắc cũng đối mặt nguy hiểm từ nắng nóng. Cơ quan khí tượng Đức cho biết thời tiết nóng khô đang làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Chính phủ Đức khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc nguy cơ nắng nóng đối với nhân viên ở vùng thủ đô Berlin, duy trì mức nhiệt hợp lý trong nhà, tránh để người lao động phơi nắng quá mức.

Anh cũng dự kiến ghi nhận mức nhiệt 34℃ ở London và các vùng đông nam. “Người dân ở các khu đô thị như London đặc biệt dễ tổn thương do bê tông, nhựa đường hấp thụ và khuếch tán nhiệt độ, khiến tác động lên cơ thể càng nghiêm trọng”, Radhika Khosla, nhà khí hậu học đô thị tại Đại học Oxford, cảnh báo.





Nhiệt độ tại các nước Nam Âu ngày 30/6. Ảnh: SkyNews

Nhiệt độ tại các nước Nam Âu ngày 30/6. Ảnh: SkyNews

Các bác sĩ trên khắp lục địa cũng cảnh báo người dân thận trọng trước tình hình thời tiết, tránh xa nơi nóng bức, uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát và thường xuyên kiểm tra tình trạng hàng xóm.

Đợt sóng nhiệt đầu mùa đang hoành hành khắp châu Âu là hệ quả của hiện tượng “vòm nhiệt” (heat dome), trong đó một khối áp cao và không khí nóng bị giữ lại. Hiện tượng này cũng đang gây nắng nóng ở Mỹ.

“Vòm nhiệt không phải hiện tượng mới, nhưng mức nhiệt đi kèm thì có. Châu Âu đã ấm hơn 2℃ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Vòm nhiệt xảy ra sẽ gây các đợt nắng nóng cực đoan hơn”, Michael Byrne, chuyên gia khí hậu tại Đại học St Andrews, nói.

Đức Trung (Theo Guardian, Reuters, AFP)