Vào đầu tháng 4, khi tham gia giải chạy ở TP Huế với cự ly 5km, người phụ nữ 53 tuổi bất ngờ đổ gục và sau đó không qua khỏi, dù đã được sơ cứu và chuyển đến bệnh viện ngay lập tức. Nguyên nhân tử vong được xác định là do vỡ phình mạch não.
Cái chết của vận động viên 53 tuổi ở giải đấu tại Huế không phải là trường hợp đầu tiên, và chắc chắn không nên là điều bình thường trong một hoạt động vốn được xem là lành mạnh.
Vài năm trở lại đây, đã có không ít vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại các giải chạy trong nước. Và điều khiến giới chuyên môn lo ngại hơn cả, phần lớn các nạn nhân không phải vận động viên chuyên nghiệp.

Phong trào chạy bộ phát triển, các giải chạy bộ thu hút hàng chục nghìn người tham gia hàng năm (Ảnh: Hồng Anh).
Ngày 24/3/2024, tại giải Vietnam Ultra Marathon 2024, một vận động viên cự ly 50km đã ngất xỉu trên đường chạy, sau đó qua đời tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.
Ngày 14/4/2024, tại giải chạy Tây Hồ Half Marathon (Hà Nội), một nam vận động viên 34 tuổi ở cự ly 21 km bất ngờ ngã quỵ khi cách đích chỉ 100m. Anh được cấp cứu tại chỗ, chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, nhưng qua đời sau đó ba ngày. Nguyên nhân tử vong được cho là do ngưng tim đột ngột.
Trước đó, năm 2022, một vận động viên nam tử vong khi đang hoàn tất cự ly bán marathon ở Bình Định…
Những cái chết ấy không khiến hàng nghìn người thôi yêu chạy bộ. Nhưng nó đặt ra câu hỏi: Chúng ta đang chạy vì điều gì? Có thực sự vì sức khỏe?
Những năm gần đây, chạy bộ, đặc biệt là marathon, đang lan tỏa lối sống tích cực, giúp đẩy lùi các loại bệnh tật không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư…, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng y tế lên xã hội.
Thế nhưng các giải chạy đặc biệt ở những cự ly dài như 21km hay 42km, cao hơn nữa là các hoạt động chạy dài ultra marathon lên tới hàng trăm km không phải là thứ có thể “thử một lần cho biết”.
Những hoạt động yêu cầu sức bền kéo dài thời gian như chạy 21km hay 42km đòi hỏi quá trình tập luyện dài hạn, nền tảng thể lực ổn định và hiểu biết y khoa cơ bản. Vậy nhưng không ít người hiện nay bị cuốn theo phong trào, đăng ký giải chỉ sau vài tháng tập, hoặc thậm chí vài buổi chạy.
Trả lời phỏng vấn của Dân trí, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, phân tích: “Nhiều người không hề biết mình có túi phình mạch máu não, mạch vành bị hẹp hay dị dạng tim bẩm sinh. Khi vận động mạnh, đặc biệt là buổi sáng sớm, lúc cơ thể chưa sẵn sàng, các yếu tố tiềm ẩn này có thể được kích hoạt, gây tử vong nhanh chóng”.
Một vấn đề khác là khung giờ tổ chức các giải chạy hiện nay. Do áp lực gây ra với đô thị từ việc tụ tập đông người nên nhiều giải yêu cầu vận động viên xuất phát từ 4-5h sáng, thậm chí nửa đêm. Chuyên gia cho rằng theo nhịp sinh học, đây lại là lúc huyết áp và thân nhiệt ở mức thấp nhất, máu đặc hơn, tim đập chậm, không phù hợp để vận động mạnh, đặc biệt với người trung niên hoặc có bệnh nền.
Không thể phủ nhận sự bùng nổ tích cực mà phong trào chạy bộ mang lại. Nhưng cùng với đó là sự gia tăng nguy cơ khi tâm lý sính thành tích, “check-in”, chụp ảnh đăng mạng trở nên phổ biến.
Không ít người chạy vì chiếc huy chương, tấm áo finisher (hoàn thành cự ly), vì áp lực nhóm chạy, vì muốn chứng minh mình không thua kém ai, bất chấp mệt mỏi hay cảnh báo từ cơ thể. Trong các giải chạy gần đây, không khó để thấy những khuôn mặt tím tái, nhợt nhạt vẫn cố về đích, như thể bỏ cuộc là một sự xấu hổ.
Tổ chức Y học Thể thao Quốc tế (FIMS) khuyến cáo các vận động viên lớn tuổi nên thực hiện các bài kiểm tra gắng sức trước khi tham gia các sự kiện marathon, nhằm phát hiện sớm các nguy cơ về tim mạch tiềm ẩn. Nhiều giải đấu lớn, chẳng hạn như Boston Marathon (Mỹ), có làm siêu âm tim đối với các vận động viên không chuyên trước và sau khi tham gia.
Hầu hết ở các giải đấu (kể cả ở Việt Nam), vận động viên phải ký giấy miễn trừ trách nhiệm và khai báo tiền sử bệnh lý trước khi thi đấu. Tuy nhiên nhiều vận động viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc này, việc khai báo tình trạng sức khỏe vẫn chỉ mang tính hình thức.
Chạy bộ là một phần của đời sống hiện đại. Nhưng khoa học thể thao không phải là chuyện cảm tính. Cơ thể không giống điện thoại: cạn pin có thể sạc. Khi trái tim ngừng đập giữa đường chạy, không một thành tích, đam mê nào có thể cứu lại.
Chúng ta nên ý thức, hiểu đúng cơ thể mình và tôn trọng sự sống. Trước mỗi giải, vận động viên (đặc biệt người trên 35 tuổi) cần tự đánh giá tổng quát sức khỏe bản thân qua việc thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm tim mạch, siêu âm mạch máu nếu có điều kiện.
Ban tổ chức các giải chạy cũng cần tăng cường đào tạo tình nguyện viên sơ cấp cứu, phụ trách y tế cần bố trí máy sốc tim tự động (AED – Automated External Defibrillator) dọc đường chạy và kiểm tra tiền sử y tế thí sinh, đúng – đủ với quy mô của giải.
Cuối cùng, cơ quan quản lý thể thao cũng cần ban hành quy chuẩn y tế bắt buộc cho các giải phong trào, tương tự những quy định về an toàn lao động để đảm bảo tính mạng người dân.
Tác giả: Nhà báo Bảo Trung là Trưởng ban Khoa học Công nghệ báo Dân trí. Anh là vận động viên chạy bộ nghiệp dư từ 2017, đã hoàn thành các giải chạy địa hình siêu việt dã Vietnam Mountain Marathon, Vietnam Ultra Marathon, cự ly 70km.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!