Cháy do chập điện: Chủ quan coi chừng mang họa lớn

Cháy do chập điện: Chủ quan coi chừng mang họa lớn

bởi

trong
Cháy do chập điện: Chủ quan coi chừng mang họa lớn

Hiện trường vụ cháy tại cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú cũ), nguyên nhân ban đầu xác định là do chập đường dây điện người dân tự đấu nối – Ảnh: NGỌC KHẢI

Theo tin tức báo chí, vụ cháy hai căn hộ tại cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM ngày 6-7 làm 8 người chết và nhiều tài sản bị hư hỏng.

Nguyên nhân bước đầu xác định là do đường dây dẫn điện cung cấp cho các thiết bị tiêu thụ điện trong căn hộ 0.20 tại tầng trệt của cư xá (do chủ căn hộ tự đấu nối) bị chạm chập điện gây cháy ở phía trước căn hộ này và căn hộ liền kề 0.19.

70% các vụ cháy nổ do chập điện

Theo các thông cáo báo chí của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, có hơn 70% vụ cháy nổ (đã xác định nguyên nhân) có liên quan chạm chập điện.

Có thể minh chứng cụ thể bằng số liệu trong thông cáo về tình hình cháy nổ năm 2024: trong số 2.503/4.112 vụ đã được điều tra làm rõ nguyên nhân, có 1.873 vụ (chiếm 74,83%) có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện.

Trong quý 1 và các tháng 4, 5-2025 nguyên nhân chủ yếu trên 70% vụ cháy vẫn là do chạm chập điện.

Chạm chập điện cũng là nguyên nhân gây ra những vụ cháy lớn gây bức xúc dư luận mà mọi người đều biết như vụ cháy ở chung cư mini Khương Hạ làm 56 người chết, 37 người bị thương; vụ cháy chợ Tân Thành (Đồng Nai) làm 50 ki ốt cháy rụi; cháy phòng trọ ở Gia Lai làm 3 người chết… và rất nhiều vụ cháy khác cùng nguyên nhân do chạm chập điện.

Những con số trên cho thấy thực tế nguy cơ cháy nổ từ việc đấu nối dây dẫn hoặc do dây dẫn cũ và quá tải rất cao.

Từ đó cho thấy nếu cẩn trọng trong việc lắp đặt, sử dụng hệ thống thiết bị điện thì có thể giảm phần nhiều số vụ cháy, trong đó có những vụ gây chết người rất thương tâm.

Mong muốn là vậy nhưng thực tế tình hình lắp đặt sử dụng thiết bị điện hiện nay vô cùng đáng ngại. Ở những ngôi nhà riêng hay chung cư xây cất đã lâu, hệ thống điện nếu không xuống cấp đã không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện hiện nay.

Bỏ quên nguyên tắc an toàn

Khi có nhu cầu mua sắm mới dụng cụ điện gia dụng, người ta thường nghĩ đến giá sản phẩm và túi tiền của mình mà ít lưu tâm đến sức tải của hệ thống điện đã cũ trong nhà có còn đảm bảo an toàn không. Không khó để thấy những căn phòng, những hành lang có dây điện chằng chịt.

Rất nhiều nhà mỗi khi mua sắm mới là kéo thêm dây từ nơi gần cầu dao hay ổ cắm đến nơi đặt đồ điện. Lâu ngày thành một mạng dây dẫn như mạng nhện, không nhớ được dây nào để xài cho cái nào.

Trước đây chúng ta sử dụng điện chủ yếu để thắp sáng, xem tivi, chạy quạt máy. Rồi thêm nồi cơm điện, tủ lạnh. Những dụng cụ điện đó công suất không lớn. Nhưng bây giờ thiết bị điện gia dụng đa chủng loại từ bếp điện, bếp từ, lò vi sóng, nồi chiên không dầu, ấm siêu tốc… đều là loại có công suất cao, muốn đưa vào sử dụng chúng cần phải đánh giá lại mạng điện trong nhà mình có đáp ứng nổi hay không.

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy lời khuyên của cơ quan chức năng về phòng cháy khi sử dụng điện như kiểm tra dây điện định kỳ, sử dụng aptomat, cầu chì đúng chuẩn, không đấu nối tạm bợ, giám sát thiết bị sạc (đặc biệt xe điện, pin), tách riêng thiết bị công suất lớn vào đường điện riêng, không sử dụng đồng thời các thiết bị có công suất lớn để tránh quá tải.

Cần làm đúng những hướng dẫn này để phòng nguy cơ cháy nổ.

Kiểm tra, bảo trì hệ thống điện trong nhà

Để tránh cháy nổ do chạm chập điện thì khi lắp đặt hệ thống đường dây thiết bị điện mới cần tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy.

Còn đối với hệ thống điện đang sử dụng phải thường xuyên kiểm tra, bảo trì. Khi mua sắm, lắp đặt, sử dụng thiết bị điện mới, nhất là thiết bị có công suất lớn, cần phải đánh giá xem xét vị trí đấu nối hoặc phải cải tạo lại đường dây nếu chưa phù hợp với thiết bị mới.

Nên để người có chuyên môn thực hiện việc lắp đặt, đấu nối hệ thống dây điện, thiết bị điện (cả lắp đặt mới và lắp đặt thêm).

chập điện - Ảnh 2.

Những kiểu nhà “chuồng cọp” đã vô tình nhốt chặt cư dân khi cần lối thoát nạn – Ảnh: T.T.D.

Tháo bỏ “chuồng cọp”: muộn còn hơn không!

Vụ hỏa hoạn mới đây tại TP.HCM khiến tám người tử vong nhắc lại nỗi lo không hề mới: “chuồng cọp” đã vô tình nhốt cư dân trong lúc tìm cách thoát nạn. Ngành chức năng đang tích cực động viên và hỗ trợ nhân vật lực để các chủ căn hộ cư xá, chung cư, tháo dỡ “vành đai” sắt chặn đường thoát hiểm trong lúc nguy cấp.

Sau vụ cháy gây hậu quả thương tâm tại Hà Nội cách đây hơn hai năm, chính quyền các địa phương yêu cầu phá bỏ phần bao bọc bằng khung kim loại, đi đôi với mở thêm lối thoát nạn khẩn cấp, tạo hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Nhiều chung cư mini, nhà cao tầng, quán karaoke chưa đáp ứng được điều kiện PCCC và cứu nạn cứu hộ phải tạm ngưng hoạt động để khắc phục. Dư luận luôn ủng hộ tối đa, bởi hậu quả do hỏa hoạn gần như không có cơ hội sửa sai.

Tuy nhiên khắp nơi vẫn tồn tại những lồng sắt vây quanh không gian sau nhà, trước ban công nhà riêng và chung cư cũ. Cách chống trộm này vô tình tạo nên “tử huyệt” khi bất ngờ ngọn lửa bùng lên.

Ngành chức năng đã và đang khuyến cáo người dân thực hiện “Nhà tôi 3 có”. Mặt nạ phòng độc đều trong tầm tay, thiết bị báo cháy cũng không quá khó với các gia đình có điều kiện.

Chỉ riêng chi tiết “lối thoát nạn thứ hai” dẫu có nguồn kinh phí cũng chưa chắc thực hiện được vì nó liên quan đến yếu tố không gian, vị trí.

Những ngôi nhà có ba mặt giáp tường của hàng xóm, gần như hình ống, sẽ rất khó mở lối thoát nạn thứ hai. Nên chăng chịu hy sinh một phần diện tích, mở lối thoát hiểm liên thông với láng giềng khi cần.

Biện pháp khả thi, tiết kiệm nhất và hài hòa giữa phòng trộm và phòng cháy chính là cải tạo “chuồng cọp” hiện tại thêm cánh cửa nhỏ, vừa đủ một người thoát ra ngoài, miễn sao khi xảy ra sự cố cháy nổ, các thành viên đều mở được và tự giải thoát. Nước xa không cứu được lửa gần. Tự cứu mình trước khi người khác cứu bao giờ cũng hiệu quả hơn.