Chạy đua chụp kỷ yếu, ‘lễ trưởng thành’ cho học sinh lớp 5

Chạy đua chụp kỷ yếu, ‘lễ trưởng thành’ cho học sinh lớp 5

bởi

trong
Chạy đua chụp kỷ yếu, ‘lễ trưởng thành’ cho học sinh lớp 5

Tôi thấy nhiều lớp còn đầu tư thuê studio, trang phục cầu kỳ, thuê xe ra ngoại thành để ‘sản ảnh đẹp’.

Mỗi dịp cuối năm học, tôi lại thấy rộn ràng với những hình ảnh học sinh lớp 5 mặc áo dài, vest, váy công chúa, tạo dáng trước ống kính trong các buổi chụp ảnh kỷ yếu không kém học sinh cuối cấp 12. Nhiều trường còn tổ chức “lễ trưởng thành” hoành tráng cho học sinh tiểu học. Việc này nên được khuyến khích hay cần nhìn nhận lại?

Không thể phủ nhận, việc tổ chức một buổi lễ chia tay cuối cấp cho học sinh lớp 5 có thể mang lại nhiều cảm xúc tích cực. Đối với các em, đây là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự chuyển tiếp từ cấp tiểu học lên cấp trung học – một thay đổi đáng kể trong hành trình học tập.

Các hoạt động như lễ trưởng thành, ký tên vào áo, tặng nhau lưu bút, chụp ảnh cùng thầy cô, bạn bè có thể giúp học sinh lưu giữ những kỷ niệm đẹp, gắn kết tình cảm bạn bè và tạo ra ấn tượng tốt với mái trường đầu đời.

Phía phụ huynh, không ít người cũng mong muốn con mình có một bộ ảnh đẹp, một lễ trưởng thành trang trọng như cách ghi nhận công sức học tập của con suốt 5 năm. Tuy nhiên, mặt trái của trào lưu này đang khiến nhiều người lo lắng. Những bộ ảnh kỷ yếu lớp 5 ngày càng “lên đời” về mức độ đầu tư: thuê studio, ekip chụp ảnh chuyên nghiệp, trang phục cầu kỳ, thuê xe đưa đón ra ngoại thành để “săn ảnh đẹp”. Mức chi phí dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng mỗi học sinh.

Hệ lụy dễ thấy là sự so sánh, áp lực cho phụ huynh và con trẻ. Những em không có điều kiện tham gia trọn vẹn có thể cảm thấy tủi thân, mặc cảm. Còn phụ huynh thì buộc phải “chạy theo phong trào”, dù đôi khi việc chi trả là gánh nặng với thu nhập hàng tháng.

Đáng lo hơn là việc gán cho học sinh lớp 5 cụm từ “trưởng thành” một cách vội vã. Các em mới chỉ 11 tuổi, vẫn cần được vui chơi, khám phá, phát triển tâm hồn. Khi bị cuốn vào một buổi lễ mang tính trình diễn, kiểu cách và có phần người lớn hóa, có thể làm lệch lạc nhận thức về việc “trưởng thành” thực sự là gì.

Là một viên chức công tác trong ngành Giáo dục, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của những kỷ niệm học đường. Nhưng kỷ niệm không nhất thiết phải đến từ váy áo lộng lẫy hay concept ảnh “chuẩn Hàn Quốc”. Một buổi sinh hoạt lớp ấm cúng, cùng nhau trồng cây, viết thư gửi “mình của tương lai” hay đơn giản là cùng ôn lại 5 năm tiểu học – đó cũng là những trải nghiệm trưởng thành rất ý nghĩa.

Theo tôi, chúng ta nên giúp các em lưu giữ kỷ niệm bằng việc làm giản dị nhưng ý nghĩa. Thay vì tổ chức những buổi chụp ảnh kỷ yếu tốn kém hay các sự kiện mang tính hình thức, Nhà trường có thể lựa chọn một hướng đi nhẹ nhàng hơn nhưng đậm chất giáo dục.

Các em học sinh lớp 5 được tham gia hoạt động “Lá thư gửi chính mình trong tương lai”. Mỗi em viết một bức thư tay, bày tỏ ước mơ, dự định, lời nhắn gửi cho chính bản thân khi học lớp 9 – thời điểm sẽ mở lại lá thư. Những lá thư được niêm phong, đóng dấu, ghi ngày gửi và cẩn thận cất giữ tại trường trong một chiếc hộp mang tên “Hòm ký ức tuổi thơ”.

Bốn năm sau, khi các em đã trở thành học sinh chuẩn bị tốt nghiệp bậc THCS, Nhà trường sẽ gửi thư lại như một món quà bất ngờ. Một hoạt động khác có thể khiến nhiều phụ huynh cảm động là buổi “Tri ân thầy cô và mái trường” như một số trường ở Hà Nội đã từng tổ chức.

Không hoành tráng, chỉ là một buổi lễ nhỏ, ấm cúng ngay tại lớp học. Các em tự tay viết thiệp cảm ơn, cắm hoa, hát tặng cô giáo chủ nhiệm, ôm nhau khóc vì xúc động. Có học sinh viết trong thiệp: “Con ước được ở lại lớp 5 một năm nữa, chỉ để nghe cô giảng bài thêm một lần”.

Dạy các em trưởng thành bằng hành động tử tế. Các trường có thể tổ chức chương trình “Trao đi yêu thương”. Mỗi học sinh mang một món đồ cũ còn dùng được như truyện tranh, bút, balo, quần áo… để tặng lại cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong trường và các điểm trường vùng cao mà trường kết nghĩa. Từ chính tay sắp xếp từng món quà nhỏ, các em học sinh lớp 5 đã học được bài học về lòng trắc ẩn, sự sẻ chia – điều mà không một bài giảng nào có thể truyền tải hiệu quả hơn hành động thực tế.

Chia tay không chỉ là nước mắt, mà còn là những hạt giống được gieo vào lòng. Việc làm của Nhà trường không chỉ giúp học sinh có một mùa chia tay đầy cảm xúc, mà còn khơi gợi trong các em những giá trị nhân văn sâu sắc. Đây là điều quý giá, nhất là trong thời đại mà nhiều lễ chia tay bị biến tướng thành cuộc chạy đua hình ảnh, tiêu tốn hàng triệu đồng cho những bộ ảnh kỷ yếu không phù hợp lứa tuổi. Chúng ta nên giúp trẻ hiểu rằng “trưởng thành” không phải là mặc đồ đẹp hay chụp ảnh lung linh, mà là học cách tự chịu trách nhiệm, biết chia sẻ với bạn bè, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi. Đó mới là bài học cuối cấp giá trị nhất.

Lễ chia tay hay kỷ yếu cho học sinh lớp 5 không sai. Nhưng cần đặt trong giới hạn phù hợp với lứa tuổi, điều kiện gia đình và không tạo ra gánh nặng hoặc chạy theo hình thức.

Nhà trường nên chủ động định hướng cách tổ chức các hoạt động cuối năm: tiết kiệm, nhân văn, mang tính giáo dục thay vì khuyến khích sự phô trương. Phụ huynh cũng cần tỉnh táo để không biến “kỷ niệm đầu đời” của con thành một cuộc chạy đua hình ảnh. Trẻ em có cả một hành trình dài phía trước để trưởng thành từ nhận thức, đạo đức đến hành vi. Đừng vội vàng khoác lên các em chiếc áo “trưởng thành” quá rộng, quá sớm.

Vũ Thị Minh Huyền