
Sử dụng chế độ ẩn danh không giúp che giấu các hành vi trên Internet như người dùng vẫn nghĩ – Ảnh minh họa AI
Chế độ ẩn danh thường được xem là cách đơn giản để che giấu lịch sử truy cập khi lướt web. Tuy nhiên, dù không lưu lại dấu vết trên thiết bị, người dùng vẫn có thể bị theo dõi bởi nhà mạng, trang web truy cập hoặc tổ chức quản lý hệ thống mạng. Sự riêng tư chỉ là tương đối nếu bạn không hiểu rõ công cụ mình đang dùng.
Chế độ ẩn danh có thật sự ẩn?
Hầu hết các trình duyệt phổ biến hiện nay đều cung cấp chế độ ẩn danh với nhiều tên gọi khác nhau như Ẩn danh, Riêng tư hoặc Duyệt web riêng tư. Khi bật chế độ này, trình duyệt sẽ không lưu lại lịch sử truy cập, dữ liệu biểu mẫu, cookie hoặc thông tin đăng nhập sau khi phiên làm việc kết thúc.
Tuy nhiên, nhiều người hiểu lầm rằng chế độ ẩn danh có thể che giấu toàn bộ hoạt động trên Internet. Thực tế, mọi nội dung bạn tải xuống vẫn nằm trong thư mục thiết bị. Các trang bạn đánh dấu vẫn được lưu lại. Đặc biệt, địa chỉ IP của bạn vẫn được hiển thị, cho phép các hệ thống khác xác định danh tính và vị trí truy cập.
Ngay cả Google, đơn vị phát triển trình duyệt Chrome, cũng đã ghi rõ rằng chế độ ẩn danh không giúp bạn ẩn mình hoàn toàn trước các trang web, nhà cung cấp mạng hoặc cơ quan quản lý hạ tầng mạng mà bạn đang kết nối.
Những lầm tưởng và sự thật về duyệt web riêng tư
Rất nhiều người chọn bật chế độ riêng tư khi tra cứu thông tin cá nhân, truy cập tài khoản phụ hoặc tìm kiếm sản phẩm tế nhị. Họ xem đây là cách đơn giản để tránh bị theo dõi mà không cần thêm biện pháp nào.
Cách hiểu này khiến không ít người chủ quan khi sử dụng. Thực tế, chế độ này chỉ ngăn không lưu lịch sử truy cập và cookie trên thiết bị, chứ không khiến bạn vô hình trước các hệ thống theo dõi bên ngoài.
Một số người kỳ vọng tính năng này sẽ giúp họ tránh quảng cáo đeo bám. Nhưng nếu bạn vẫn đăng nhập vào Google, Facebook hoặc các dịch vụ tương tự, mọi thao tác trong cửa sổ riêng tư vẫn có thể bị ghi nhận. Các nền tảng lớn hoàn toàn có khả năng kết nối hành vi đó với hồ sơ người dùng có sẵn và tiếp tục cá nhân hóa nội dung hiển thị.
Ngay cả khi không lưu cookie, người dùng vẫn không thoát khỏi các hình thức theo dõi tinh vi hơn. Nhiều nền tảng sử dụng kỹ thuật như nhận dạng thiết bị, phân tích cách rê chuột, cuộn trang hoặc nhịp gõ phím để xây dựng hồ sơ hành vi. Những kỹ thuật này vẫn hoạt động ngay cả khi không đăng nhập vào tài khoản nào.
Bên cạnh đó, nơi bạn kết nối Internet cũng ảnh hưởng lớn đến quyền riêng tư. Ở văn phòng, trường học hoặc quán cà phê, lưu lượng truy cập có thể bị giám sát qua các hệ thống mạng nội bộ. Những phần mềm này không quan tâm bạn có dùng chế độ riêng tư hay không, vì thông tin vẫn đi qua hạ tầng của họ.
Vấn đề không nằm ở tính năng của trình duyệt, mà ở việc người dùng chưa hiểu rõ giới hạn của nó. Tên gọi ẩn danh và biểu tượng kính đen quen thuộc dễ tạo cảm giác an toàn. Chính sự hiểu lầm này khiến nhiều người chủ quan, trong khi dữ liệu cá nhân vẫn âm thầm bị ghi nhận ở những nơi họ không ngờ tới.
Muốn riêng tư thật sự, cần làm gì?
Chế độ ẩn danh thông thường không đủ nếu bạn muốn bảo vệ quyền riêng tư một cách nghiêm túc. Người dùng cần kết hợp nhiều công cụ và thói quen để giảm thiểu rò rỉ dữ liệu cá nhân.
Trước hết, hãy sử dụng mạng riêng ảo (VPN) đáng tin cậy để có thể che giấu địa chỉ IP và vị trí thật. Bên cạnh đó, các trình duyệt như Brave hoặc Tor có thể giúp chặn theo dõi và tự động xóa dữ liệu sau mỗi phiên truy cập.
Ngoài ra, cần tránh đăng nhập tài khoản Google, Facebook hoặc bất kỳ dịch vụ nào có thể nhận diện bạn. Việc đăng nhập sẽ khiến mọi hành vi bị liên kết lại với danh tính thật, dù bạn đang dùng trình duyệt riêng tư.
Thói quen xóa cookie và dữ liệu duyệt web cũng giúp hạn chế việc bị theo dõi liên tục. Tuy nhiên, không có công cụ nào đảm bảo ẩn danh hoàn toàn trong mọi trường hợp. Một số hệ thống vẫn có thể thu thập thông tin kết nối ở cấp độ hạ tầng nếu người dùng không có biện pháp bảo vệ đầy đủ.
Nhiều chuyên gia bảo mật từ các tổ chức như Mozilla hoặc Electronic Frontier Foundation khuyến nghị nên hiểu rõ giới hạn của từng công cụ. Thay vì dựa hoàn toàn vào một giải pháp, hãy kết hợp nhiều lớp bảo vệ và luôn chủ động kiểm soát thông tin cá nhân của mình khi truy cập Internet.