Arab Saudi có thể không được mua tiêm kích F-35 dù ký thỏa thuận kỷ lục gần 142 tỷ USD với Mỹ, do thỏa thuận giữa Washington và Tel Aviv.
Mỹ và Arab Saudi ngày 13/5 ký thỏa thuận vũ khí trị giá gần 142 tỷ USD. Nhà Trắng mô tả đây là “thỏa thuận mua bán quốc phòng lớn nhất trong lịch sử”, sẽ cung cấp cho Arab Saudi các loại thiết bị chiến đấu tối tân và dịch vụ từ hơn 10 công ty quốc phòng Mỹ.
Reuters sau đó dẫn lời các nguồn tin giấu tên am hiểu tình hình cho biết hai bên đã thảo luận về khả năng Arab Saudi mua tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Chưa rõ các cuộc thảo luận đang ở mức độ nào và có thể tiến triển tới giai đoạn tiếp theo hay không.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự ngày 26/5 cho rằng động thái bán F-35 cho Arab Saudi có thể vi phạm cam kết của Mỹ đối với Israel thông qua thỏa thuận bảo đảm Lợi thế Quân sự Định tính (QME), vốn hạn chế Washington chuyển giao một số vũ khí tiên tiến cho các quốc gia Trung Đông.
“Xuất khẩu F-35 cho các quốc gia Trung Đông sẽ tạo ra thay đổi đáng kể đối với QME. Nước nào sở hữu F-35 cũng sẽ nắm giữ khả năng tàng hình, hợp nhất dữ liệu và năng lực tấn công vượt trội so với những loại máy bay quân sự trong khu vực”, Zain Hussain, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, nhận định.

Tiêm kích F-35 Mỹ huấn luyện tại bang Ohio tháng 6/2024. Ảnh: USAF
Arab Saudi từ lâu đã muốn trở thành quốc gia thứ hai ở Trung Đông, sau Israel, sở hữu tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo. Nước này từng bày tỏ quan tâm tới F-35 sau khi ký thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ USD với Mỹ năm 2017.
Tuy nhiên, thỏa thuận này được triển khai dưới hình thức cam kết, không phải các hợp đồng thực tế, cũng không rõ liệu Arab Saudi thực sự mua bao nhiêu vũ khí trong số 110 tỷ USD này. Riyadh những năm qua đã tiếp nhận rất nhiều vũ khí và đạn dược từ Washington, nhưng không có tiêm kích F-35 nào.
Bất chấp nhu cầu tại thị trường Trung Đông, Mỹ vẫn từ chối bán tiêm kích F-35 cho Arab Saudi và các quốc gia trong khu vực nhằm duy trì QME. Hiện nay, Israel là quốc gia duy nhất sở hữu F-35 tại khu vực, với phi đội 45 chiếc và một số đang chờ bàn giao.
Dù vậy, ngay cả khi có thêm quốc gia Trung Đông được mua F-35, Israel vẫn là quốc gia có giàu kinh nghiệm vận hành dòng máy bay nhất ở khu vực.
Israel đang vận hành phiên bản F-35I Adir, được phát triển riêng cho nước này dựa trên nền tảng dòng F-35A của không quân Mỹ và tích hợp nhiều công nghệ nội địa. Israel cũng là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ được can thiệp và chỉnh sửa các hệ thống trên tiêm kích F-35, do liên tục trong tình trạng xung đột quân sự và cần bảo đảm ưu thế vượt trội về công nghệ.
Không quân Israel tiếp nhận hai tiêm kích F-35I đầu tiên vào tháng 12/2016. Đúng một năm sau, Tel Aviv tuyên bố chúng đã đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu và bắt đầu triển khai mẫu máy bay này làm nhiệm vụ không kích sau đó vài tháng, trở thành quốc gia đầu tiên công khai sử dụng tiêm kích F-35 cho hoạt động tác chiến thực tế.
Cam kết của Mỹ về duy trì lợi thế quân sự cho Israel đã xuất hiện từ những năm 1960. Nguyên tắc này xuất phát từ việc Mỹ đánh giá đồng minh Israel luôn bị bao vây bởi các quốc gia thù địch. Với bất lợi về vị trí địa lý và dân số, Israel không thể dựa vào quy mô nhân lực khi bùng phát xung đột, mà phụ thuộc hoàn toàn vào ưu thế công nghệ và chiến thuật.
Đến năm 2008, giới chức Mỹ luật hóa cam kết này, trong đó yêu cầu chính phủ xem xét quan điểm và vị thế quân sự của Israel trước khi bán bất cứ loại vũ khí nào cho các quốc gia khác ở Trung Đông.
Trong nhiều thập kỷ, những hợp đồng bán vũ khí của Mỹ cho các quốc gia Arab đã nhiều lần vấp phải thách thức do QME. Một số thương vụ chỉ thành công nhờ Mỹ cam kết duy trì QME hoặc đồng ý chuyển giao thêm khí tài cho quân đội Israel.

Tiêm kích F-35A Mỹ bay biểu diễn tại bang Oregon ngày 17/5. Ảnh: USAF
Israel từng phản đối dữ dội khi Mỹ định bán máy bay cảnh báo sớm và gói nâng cấp tiêm kích hạng nặng F-15 cho Arab Saudi vào năm 1981. Hợp đồng được quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu ủng hộ sít sao, chính quyền tổng thống Ronald Reagan sau đó phải cam kết bổ sung 600 triệu USD viện trợ quân sự và chuyển thêm 15 tiêm kích F-15 mới cho Israel để trấn an đồng minh.
Năm 2020, Mỹ duyệt bán 50 tiêm kích F-35 cho Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sau khi nước này bình thường hóa quan hệ với Israel, dù quan chức các bên khẳng định hai sự việc không liên quan đến nhau.
Israel ban đầu bày tỏ lo ngại, nhưng sau đó tuyên bố không phản đối khi Washington đồng ý ký thỏa thuận nhằm tái khẳng định cam kết duy trì lợi thế quân sự khu vực cho Tel Aviv.
Dù vậy, hợp đồng này cũng không trở thành hiện thực. Giới chức UAE năm 2021 đình chỉ đàm phán thương vụ F-35 với chính quyền cựu tổng thống Joe Biden vì nhiều bất đồng, trong đó có mức giá của tiêm kích. Các quan chức UAE năm 2024 khẳng định không có kế hoạch hồi sinh hợp đồng dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Nguyễn Tiến (Theo Times of Israel, AFP, AP)