Chi 71 tỷ đồng hối lộ để tuồn thuốc vào nhiều bệnh viện y học cổ truyền

Chi 71 tỷ đồng hối lộ để tuồn thuốc vào nhiều bệnh viện y học cổ truyền

bởi

trong

Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược phẩm Sơn Lâm Phạm Văn Cách bị cáo buộc đưa 71,1 tỷ đồng cho 18 lãnh đạo, cán bộ của 13 bệnh viện, trung tâm y tế trên cả nước.

Ông Phạm Văn Cách cùng Lê Văn Tình, cựu Phó giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Sơn Lâm, vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản Đưa hối lộ.

Trong 23 người của vụ án có 18 lãnh đạo, cán bộ của 13 bệnh viện y dược cổ truyền, trung tâm y tế bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Công ty Cổ phần dược phẩm Sơn Lâm chuyên kinh doanh bán thuốc đông y, thuốc nam trong các cửa hàng và sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, đã trúng thầu cung cấp thuốc cho nhiều bệnh viện trên cả nước.

Theo kết luận điều tra, để quá trình cung cấp thuốc được thuận lợi, ông Cách đã phải chi tiền cho một số cá nhân có thẩm quyền thuộc các bệnh viện, trung tâm y tế trước, trong hoặc sau khi thực hiện hợp đồng.





Chi 71 tỷ đồng hối lộ để tuồn thuốc vào nhiều bệnh viện y học cổ truyền

Cựu Chủ tịch Sơn Lâm Phạm Văn Cách. Ảnh: Công an cung cấp

Tại Viện y Dược học dân tộc TP HCM, từ 2017 đến 2023, Công ty Sơn Lâm đã trúng thầu 10 hợp đồng cung cấp dược liệu trị giá hơn 232 tỷ đồng. Viện trưởng Huỳnh Nguyễn Lộc có vai trò quyết định trong việc lựa chọn nhà thầu, thực hiện mua bán.

Nhà chức trách cáo buộc, ông Lộc đã yêu cầu ông Cách chi hoa hồng từ 20 đến 25% trên một hóa đơn mua bán, chưa tính VAT. Tiền đưa trực tiếp cho ông Lộc hoặc thông qua nhân viên Phạm Văn Chuân. Thời điểm đưa hối lộ thường sau mỗi đợt Viện thanh toán tiền mua dược liệu cho Công ty Sơn Lâm hoặc khi ông Lộc cần tiền gấp.

Để không bị vị viện trưởng gây khó khăn, ông Cách đồng ý. Tổng số tiền ông Lộc đã nhận là 47,1 tỷ đồng. Trong đó, ông Lộc một lần trực tiếp nhận 500 triệu đồng; 34 lần chỉ đạo Chuân nhận 26,8 tỷ đồng qua tài khoản ngân hàng, 12 lần giao Chuân 4,7 tỷ đồng tiền mặt…





Bị can Phạm Văn Chuân và Huỳnh Nguyễn Lộc. Ảnh: Bộ Công an

Bị can Phạm Văn Chuân và Huỳnh Nguyễn Lộc. Ảnh: Bộ Công an

Tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên, từ 2014 đến 2019, Công ty Sơn Lâm đã thực hiện 6 hợp đồng cung cấp vị thuốc cổ truyền phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tổng giá trị hợp đồng theo hóa đơn là 21,4 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện, bà Quách Thị Lịch, Trưởng phòng Tài chính kế toán bệnh viện, đã yêu cầu phải chi 10-15% trên mỗi hóa đơn mua bán (chưa tính VAT). Thời điểm đưa tiền diễn ra sau các đợt bệnh viện thanh toán tiền mua thuốc cho Sơn Lâm. Ông chỉ đạo con dâu 4 lần chuyển cho bà Lịch qua tài khoản, tổng 507 triệu đồng.

Tại Trung tâm y tế huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Sơn Lâm thực hiện 4 hợp đồng trị giá 4,2 tỷ đồng. Giám đốc Trung tâm Vũ Thị Ngát yêu cầu ông Cách phải cắt hoa hồng 12%. Ông chỉ đạo con dâu chuyển khoản 9 lần, tổng 476 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của cấp dưới bà Ngát.

Tại Trung tâm y tế huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, Cách cũng chỉ đạo con dâu chuyển 6 lần, tổng 287 triệu đồng cho Trưởng khoa dược Vũ Đức Thắng.

Tại Bệnh viện đa khoa Phố Nối và Trung tâm y tế huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, Công ty Sơn Lâm thực hiện 5 hợp đồng trị giá 5,4 tỷ đồng. Ông Cách chi 8 lần, tổng 626 triệu đồng cho Tạ Quang Nghi (cán bộ Khoa Dược, sau là Phó khoa dược Trung tâm y tế) theo yêu cầu.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, ông Cách chi tiền hoa hồng cho hai lãnh đạo bệnh viện, tổng hơn 1,2 tỷ đồng; chi 940 triệu đồng cho Võ Thị Kim Loan, Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, ông Cách chỉ đạo con dâu 24 lần chuyển khoản cho Trương Thị Thu Hương, giám đốc bệnh viện, tổng 10 tỷ đồng. Số tiền này tương ứng với 10-30% giá trị hợp đồng do bà Hương đưa ra.

Với Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Tây Ninh, từ năm 2017 đến 2020, Công ty Sơn Lâm ký 6 hợp đồng cung cấp dược liệu, vị thuốc cổ truyền, trị giá 16,8 tỷ đồng. Khi thực hiện, bà Đinh Thị Mộng Thanh, Phó giám đốc phụ trách bệnh viện, yêu cầu Sơn Lâm chi 20% hoa hồng cá nhân và chi 17% cho Trưởng phòng tài chính kế toán Nguyễn Thị Hiệu. Ông Cao Hữu Hạng, Phó giám đốc bệnh viện, cũng đề nghị doanh nghiệp chi 1-3%.

Nhằm không bị gây khó khăn, phía Sơn Lâm đã đồng ý chi tiền cho ba người này. Trong đó, bị can Thanh cầm 15 lần, tổng 2,3 tỷ đồng; Hiệu nhận 16 lần, tổng 2,6 tỷ đồng; Hạng nhận 9 lần, 188 triệu đồng.

Theo cơ quan điều tra, bà Thanh chuyển lại 868 triệu đồng nhờ bị can Tình đưa chi phí hoa hồng cho Sở Y tế tỉnh Tây Ninh song người này không đưa mà chiếm hưởng.





Một số bị can trong vụ án. Ảnh: Bộ Công an

Một số bị can trong vụ án. Ảnh: Bộ Công an

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Bình Định và Bệnh viện Y dược cổ truyền – phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum, phía Sơn Lâm đã chuyển cho 3 lãnh đạo, cán bộ bệnh viện, tổng 434 triệu đồng.

Ở Đà Nẵng, bị can Tình (Phó giám đốc Sơn Lâm) thống nhất chuyển cho ông Tống Viết Phải, cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dược thiết bị y tế Đà Nẵng, 22% giá trị hợp đồng để đi chi phí hoa hồng cho lãnh đạo Sở Y tế và 12 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn. Công ty Sơn Lâm đã chuyển 27 lần, tổng 7,8 tỷ đồng cho Phải.

Sau khi nhận tiền, ông Phải chỉ đạo cấp dưới dùng 4,2 tỷ đồng làm phong bì đưa chi phí cho Giám đốc, Trưởng khoa dược, Y học cổ truyền thuộc 12 bệnh viện, trung tâm y tế ở thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy các cá nhân của 12 đơn vị trên không thừa nhận đã nhận tiền.

Số còn lại là 3,6 tỷ đồng, ông Phải yêu cầu đưa lại cho Tình để đi “quan hệ” với lãnh đạo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, Tình không đưa cho ai mà giữ lại hưởng lợi cá nhân.

A09 kết luận ông Cách đã hối lộ tổng cộng 71,1 tỷ đồng; Tình đã thỏa thuận, đưa hối lộ 10,3 tỷ đồng và chiếm hưởng riêng cho cá nhân 4,1 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cho rằng còn có 110 cá nhân khác đã nhận tiền từ phía Công ty Sơn Lâm. Tuy nhiên việc đưa tiền này do doanh nghiệp chủ động, tự nguyện bồi dưỡng hoặc không có chứng cứ nào khác ngoài lời khai của các bị can, vì thế không xem xét.




Phạm Dự