Chìa khóa nào giải nhiệt cho các siêu đô thị?

Chìa khóa nào giải nhiệt cho các siêu đô thị?

bởi

trong

Nhân ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22.5, TS Jeremy Carew-Reid, Tổng giám đốc Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM), đã gửi đến Báo Thanh Niên bài viết về tầm quan trọng của đa dạng sinh học trong các đô thị. Bài viết đưa ra cái nhìn toàn diện về cách mà đô thị hóa ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sự phát triển bền vững; những thách thức và cơ hội mà sự đa dạng sinh học mang lại cho môi trường đô thị hiện đại.

Đa dạng sinh học là lối sống và sức khỏe cư dân

Khi các thành phố ở Đông Nam Á ngày càng mở rộng, dày đặc, đông đúc hơn và kết nối hơn, một sự biến đổi thầm lặng mà cốt yếu không kém đang diễn ra –  đó là sự biến đổi đa dạng sinh học trong đô thị. Để đô thị và cuộc sống cư dân phát triển bền vững, cần thiết phải đưa đa dạng sinh học trở thành trọng tâm của quy hoạch đô thị.

Chìa khóa nào giải nhiệt cho các siêu đô thị?

Để đô thị và cuộc sống cư dân phát triển bền vững, cần thiết phải đưa đa dạng sinh học trở thành trọng tâm của quy hoạch đô thị

ẢNH: TẤN ĐẠT

Chúng ta cần nhìn xa hơn những bê tông cốt thép và chú trọng tới sự sống đa dạng luôn sinh sôi nảy nở ngay trong thành phố chúng ta mà thường không ai để ý. Đa dạng sinh học – sự phong phú các loài động thực vật và vi sinh cùng chia sẻ không gian sống đô thị với chúng ta, không chỉ đơn thuần là lợi ích phụ của không gian xanh. Chúng là nền tảng cho sức khỏe, khả năng chống chịu và chất lượng cuộc sống đô thị.

Khắp châu Á – Thái Bình Dương, dân số đô thị đang bùng nổ. Chỉ riêng Đông Nam Á dự báo sẽ tăng thêm 100 triệu cư dân thành phố vào năm 2030. Thế nhưng, đô thị rộng ra thì sinh cảnh tự nhiên lại hẹp đi. Nghiên cứu của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN năm 2022 cho thấy, đô thị hóa trong khu vực này đã làm giảm 35% thảm thực vật ở các khu đô thị lớn trong hai thập kỷ qua. Sự mất mát này gây ra tác động tức thời đến chất lượng sống của các cộng đồng đô thị.

Phục hồi và tăng cường đa dạng sinh học phải trở thành chiến lược cốt lõi trong phát triển đô thị vì những lý do hết sức thực tiễn. Nó giúp thanh lọc không khí và nước, điều hòa nhiệt độ, giảm nguy cơ hạn hán và ngập lụt nhờ quản lý nước tốt hơn, tạo cơ hội giáo dục và giải trí, gia tăng du lịch, và giúp thụ phấn cho mùa màng đơm hoa kết trái để nuôi sống thành phố chúng ta.

Đa dạng sinh học là chìa khóa giải nhiệt đô thị

Lựa chọn và bố trí cây xanh một cách chiến lược trong các khu vực đô thị có thể làm giảm nhiệt độ cục bộ từ 2 đến 8°C – điều cực kỳ quan trọng ở Đông Nam Á, nơi nhiệt độ cực đoan trong đô thị đang trở thành trạng thái bình thường theo mùa. Và nghiên cứu ở các đô thị như Singapore cho thấy việc tiếp cận không gian xanh cải thiện sức khỏe tinh thần và thúc đẩy gắn kết xã hội, đặc biệt là ở các cộng đồng đô thị dễ bị tổn thương.

Chìa khóa nào giải nhiệt cho các siêu đô thị?- Ảnh 2.

Đa dạng sinh học là chìa khóa giải nhiệt cho các siêu đô thị và tạo ra nhiều giá trị vô hình khác

May mắn thay, Đông Nam Á có nhiều ví dụ truyền cảm hứng về những chiến lược hiệu quả – từ mái nhà xanh, vườn treo tới hành lang sinh thái và công tác phục hồi sinh cảnh do cộng đồng đi tiên phong. Hãy xem ví dụ tiêu biểu khi Bangkok (Thái Lan) đã tạo lập những “lá phổi xanh” như Bang Kachao, bằng chứng cho thấy đất ngập nước đô thị có thể làm mát thành phố, hấp thụ nước lũ, và tạo nơi trú ngụ cho 130 loài chim khác nhau.

Ở Phnom Penh (Campuchia), việc tái sinh các vườn thượng uyển ở Hoàng Cung và Wat Botum đã gia tăng đáng kể tính khả sinh đô thị. Khảo sát năm 2018 xác định đây là những không gian công cộng được yêu thích nhất thành phố, với 31% người được hỏi đều cho rằng bóng mát dễ chịu cùng các cơ hội nâng cao sức khỏe cộng đồng và hoạt động giải trí.

Tại Viên Chăn (Lào) đã ứng dụng các biện pháp thích ứng dựa trên hệ sinh thái bằng cách phục hồi đất ngập nước đô thị, đặc biệt là ở vùng đầm lầy Thạt Luông, và mở rộng không gian xanh, với kinh phí tài trợ của Quỹ Khí hậu xanh. Phương thức dựa vào tự nhiên này giúp quản lý nước mưa, giảm nguy cơ lũ cho gần 3 triệu cư dân, và tăng cường đa dạng sinh học và giải trí đô thị.

Đặc biệt, ở Hà Nội đã triển khai những hành lang đa dạng sinh học thí điểm ở một số khu vực, nhờ đó đã phục hồi kết nối sinh thái giữa những khoảng không gian xanh rải rác. Chương trình cây xanh đô thị và bảo tồn những công viên lớn của thành phố như Bách Thảo và Thủ Lệ đóng vai trò nền tảng quan trọng. Và những nỗ lực của cộng đồng – chẳng hạn như làm vườn đô thị, các dự án xanh hóa trường học, và các chiến dịch vệ sinh môi trường cộng đồng – đang thổi sinh khí vào những góc khuất bị lãng quên lâu nay của thành phố.

Những dự án như thế này không phải là điều xa xỉ – chúng chính là nguồn sống thiết yếu.

Bảo vệ đa dạng sinh học trong thành phố cũng còn nhiều thách thức. Mất sinh cảnh, ô nhiễm, và các loài xâm lấn tiếp tục gây áp lực lên các khu định cư đô thị. Nhưng với ý chí quyết tâm chính trị và ủng hộ của nhân dân, các thành phố có thể đảo ngược xu hướng này. Các sáng kiến như chương trình khoa học công dân, vườn xanh trường học, và du lịch thiên nhiên, tất cả đều cùng tạo dựng nhận thức và tính chủ động của địa phương. Đa dạng sinh học không phải chỉ là lĩnh vực riêng của các nhà khoa học và nhà quy hoạch nữa mà là của tất cả mọi người. Khi Đông Nam Á tiếp tục đô thị hóa, chúng ta phải đảm bảo các thành phố chúng ta xây dựng nên phải đầy sinh lực, cảnh quan đô thị có tính bao trùm và hài hòa với thiên nhiên.

Đa dạng sinh học không phải là rào cản đối với phát triển đô thị mà là yếu tố thiết yếu đảm bảo tính bền vững sinh thái, sự lành mạnh và hạnh phúc của cộng đồng. Nhân Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay, chúng ta hãy cùng tôn vinh các khu đô thị đang mở rộng nhanh chóng, coi đó là động lực để đưa thiên nhiên trở lại. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều đó.

Chìa khóa nào giải nhiệt cho các siêu đô thị?- Ảnh 3.TS Jeremy Carew-Reid là Tổng Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Quản lý môi trường (ICEM)