Đó là những trải nghiệm quý báu được BS Hoàng Tiến Đạt tích lũy suốt nhiều năm tâm huyết với lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.

Phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ là hành nghề bằng dao kéo mà còn cả nghệ thuật ngôn từ
BS Hoàng Tiến Đạt chia sẻ suy nghĩ: “Trong ngành này chúng tôi không chỉ hành nghề bằng dao kéo mà bằng cả ngôn từ và sự thấu hiểu. Tôi tin rằng một lời nói đúng lúc có thể cứu lấy một cuộc phẫu thuật không cần thiết. Tôi không muốn là người chiều lòng tất cả bệnh nhân – tôi muốn là người giúp họ hiểu mình đang thật sự cần những gì.
Vì đôi khi, cái họ cần không phải là cái mũi mới, mà là một ánh nhìn khác, một sự dịu dàng, một cái gật đầu công nhận rằng “bạn đẹp, bạn không cần trở thành ai cả”. Thẩm mỹ có thể biến đổi khuôn mặt. Nhưng chỉ có sự hiểu biết và sự chia sẻ mới có thể thay đổi cái cách người ta đối xử với chính mình.
BS Đạt không phủ nhận vai trò của ngoại hình. Nó quan trọng và rất quan trọng. Nhưng nếu thiếu đối thoại, thiếu hiểu biết, thiếu góc nhìn chung và thiếu sự đồng thuận, thì phẫu thuật sẽ không thể đạt đến kết quả viên mãn.
Có lẽ điều khó nhất trong nghề này không phải là những ca phẫu thuật phức tạp, mà là những khoảnh khắc phải nói “Không” với kỳ vọng của bệnh nhân, khi họ chưa sẵn sàng chấp nhận sự từ chối. Nhưng càng về sau, bác sĩ càng tin rằng, sự từ chối cũng là một dạng chữa lành. Nó giúp người ta dừng lại đúng lúc. Nó giúp bác sĩ giữ được đạo làm nghề. Và biết đâu, nó mở ra một cuộc trò chuyện chân thành.
Chính những lúc ấy, BS Đạt càng thấm thía một lời dặn dò khi mới vào nghề: Bệnh nhân sử dụng dịch vụ sẽ nuôi sống bạn, nhưng những bệnh nhân bạn từ chối mới là người xây dựng tên tuổi của bạn.

“Xung đột kỳ vọng” trong ngành thẩm mỹ
Làm nghề thẩm mỹ, bác sĩ Đạt ngày càng nhận ra rằng người ta không đến với bác sĩ chỉ để sửa một nét trên mặt, mà để trở thành phiên bản mà họ nghĩ người khác sẽ yêu thích. Họ mang theo không chỉ đôi môi cần làm đầy, hay chiếc mũi cần nâng, mà cả một giấc mơ chưa thành hình.
Có những bệnh nhân bước vào với ánh mắt sáng rực: “Bác sĩ, em muốn đẹp!” Nhưng khi hỏi “Đẹp thế nào?” thì họ bắt đầu nói về người khác: “Em muốn giống chị này”, “Giống hot girl kia”, “Giống ảnh em đã chỉnh sửa” – lúc ấy, tôi thầm nghĩ: “Nhưng quan trọng là có giống em nữa không?”.
Ngành thẩm mỹ là một cuộc gặp gỡ rất kỳ lạ giữa mơ và thực tế. Bệnh nhân mang đến một giấc mơ, còn bác sĩ thì mang theo giới hạn của giải phẫu, của y khoa. Nếu cả hai không gặp nhau đúng điểm, cuộc trò chuyện sẽ nhanh chóng biến thành một cuộc đàm phán… thất bại.

Bác sĩ Hoàng Tiến Đạt cũng từng nghĩ rằng, chỉ cần làm tốt chuyên môn là đủ. Nhưng không. Có những lúc đôi tay làm đúng từng milimet, nhưng kết quả vẫn là một ánh nhìn không hài lòng, một câu nói lạnh lùng: “Em thấy chưa giống như kỳ vọng”. Kỳ vọng của bệnh nhân thường cao hơn với kỳ vọng của bác sĩ. Vậy nên, để cả bác sĩ và bệnh nhân đều hài lòng với kết quả phẫu thuật, chúng tôi thường phải điều chỉnh kỳ vọng của bệnh nhân cho phù hợp với thực tế y khoa.
Và rồi BS Hoàng Tiến Đạt hiểu ra rằng, sai sót trong kỹ thuật có thể sửa bằng một ca mổ khác. Nhưng khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tại – nếu không được thu hẹp lại bằng sự giao tiếp chân thành – thì sẽ mãi là một vết rạn.
Thực ra, kỳ vọng không phải thứ đáng sợ. Ai cũng mong muốn tốt hơn, đẹp hơn, được yêu thương hơn. Nhưng đáng sợ là khi người ta kỳ vọng những điều phi thực tế và coi đó như thể nó là tiêu chuẩn cái đẹp, là thước đo. Khi đó, mỗi lời góp ý, mỗi giới hạn mà bác sĩ nhắc tới đều bị xem là sự bác bỏ.

Cũng không thể trách họ bởi xã hội ngày nay dạy người ta mơ nhiều hơn. Những “gương mặt lý tưởng” đang được tạo ra mỗi ngày, bằng app, bằng filter, bằng những lời tung hô quá đà. Giữa bối cảnh ấy, làm một bác sĩ tỉnh táo và làm cho bệnh nhân cũng tỉnh táo – là điều không dễ.
BS Đạt vẫn nhớ có lần một bệnh nhân trẻ đến, đưa tấm ảnh đã qua chỉnh sửa, kèm câu hỏi: “Em muốn giống như thế này, được không bác?”. Nhìn ảnh, rồi nhìn cô ấy và thấy không giống chút nào. Nhưng thay vì cười trừ hay từ chối ngay, BS Đạt ngồi lại, hỏi cô về điều cô không hài lòng trong gương mặt hiện tại. Cuộc tư vấn kéo dài hơn bình thường nhưng cuối cùng, cô chỉ làm một thủ thuật rất nhỏ, và ra về với nụ cười nhẹ tênh.
Chúng ta không thể thay đổi tất cả những gì người ta mong muốn. Nhưng chúng ta có thể giao tiếp sao cho họ thấy được rằng mình đang làm điều gì đó vì họ, chứ không phải để lấy lòng họ. Trong nghề tưởng chỉ làm đẹp cho ngoại hình, đôi khi một câu nói đúng cũng có thể làm đẹp cả tâm hồn.
Nhiều người nghĩ bác sĩ thẩm mỹ chỉ quan tâm đến gương mặt. Nhưng thật ra, thứ chúng tôi chạm tới – chính là một tâm hồn đang muốn chữa lành bằng hình thể. Và khi giao tiếp đúng cách, khi kỳ vọng được điều chỉnh thì mọi thứ đều có thể đẹp lên, ngay cả khi ta chưa kịp cầm dao.