
Phan Mạnh Quỳnh và Quốc Thiên tham gia Chiến sĩ quả cảm – Ảnh: BTC
“Rất xúc động và cảm phục các chiến sĩ cứu hỏa. Các chiến sĩ nhập vai chắc hẳn có nhiều trải nghiệm lần đầu trong đời. Chương trình rất hay và ý nghĩa”.
“Vừa xem xong tập tuần này trọn vẹn cảm xúc của tôi là buồn cười, sợ lo cho họ và tự hào nữa”, “Tự nhiên xem khóc, có những đoạn chiếu lại mấy anh chiến sĩ hy sinh” – những ý kiến viết lại khi xem Chiến sĩ quả cảm.
Chiến sĩ quả cảm “chơi lớn” từ tập đầu tiên
Chiến sĩ quả cảm được nhận xét là “chơi lớn” khi ngay từ những phút đầu tiên đã thử thách khá nguy hiểm cho nghệ sĩ.
Các nghệ sĩ được đưa vào căn phòng chung cư nhỏ, gọn gàng. Khi đang trò chuyện, ngọn lửa bùng cháy từ bếp gas. Khi lửa vừa được Phan Mạnh Quỳnh dập tắt bằng bình chữa cháy thì ngọn lửa khác lớn hơn bùng lên từ phía rèm cửa sổ khiến khói đen mù mịt.
Các nghệ sĩ gặp thử thách đầu tiên trong Chiến sĩ quả cảm – Video: Nguồn Chiến sĩ quả cảm
Trong lúc tìm cách dập lửa, Lê Dương Bảo Lâm chạy vào nhà vệ sinh múc nước vào xô xách ra, cuống quýt thế nào đến té ngã.
Sau đó anh tạt nước vào rèm cửa để dập lửa. Một số người khác lấy khăn nhúng nước bịt mặt tìm cách thoát khỏi làn khói bủa vây.

Các nghệ sĩ trước khi bước vào môi trường Chiến sĩ quả cảm – Ảnh: BTC
Những tình huống cháy nổ trong căn phòng này thật ra chỉ là tái hiện lại một trường hợp cháy trong cộng đồng có sự giám sát của lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp nhưng cũng khiến nghệ sĩ và khán giả một phen sợ hãi, như một ý kiến: “Coi tới khúc lửa bốc lên mà hú vía luôn đó”.
Trong tình huống này, các nghệ sĩ, đặc biệt là Lê Dương Bảo Lâm học được một kiến thức khá hay. “Tuyệt đối không dùng nước chữa cháy khi chưa cắt điện. Điều đó rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tình huống thiệt mạng không phải vì cháy mà là vì điện giật”, trung tá Lê Tấn Châu cảnh báo.
Một bước lao vào, ngàn trái tim xúc động
Trong tập 1, 12 chiến sĩ nhập vai có những buổi tập huấn cách sử dụng thiết bị.
Họ trải nghiệm cứu người trong tình huống giả định, mô phỏng cháy nổ sát thực tế như cháy bếp gas, cháy sofa, cháy lan lên trần nhà… với hiệu ứng khói, lửa, âm thanh và nhiệt độ có thể lên đến 200°C như đang trong một vụ cháy thật sự.

Các chiến sĩ trước giờ vào làm nhiệm vụ – Ảnh: BTC
Ca sĩ MONO lao vào khu vực có khói, lửa khi không đeo mặt nạ phòng độc và bình dưỡng khí bị chỉ huy phê bình, đánh giá không hoàn thành. Anh vi phạm vào điều cấm kỵ của chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Quốc Thiên sau khi trải nghiệm việc chữa lửa bảo: “Cảm giác rất dã man khi phải vừa chạy vừa đeo mặt nạ và bình dưỡng khí sau lưng. Tôi cảm nhận như mình sắp đứt hơi”.
Song Luân khi mang mặt nạ phòng độc và đeo bình dưỡng khí nặng 10kg bảo cảm giác nghẹt thở, anh thừa nhận: “Có một khoảnh khắc tôi không thở được. Tôi có len lỏi ý nghĩ sẽ bỏ cuộc”.

Hình ảnh chiến sĩ Ngô Kiến Huy – Ảnh: BTC
Chiến sĩ quả cảm có giây phút lắng đọng khi 12 nghệ sĩ đến viếng Nhà tưởng niệm liệt sĩ, được xây dựng năm 2008.
Những câu chuyện về chiến sĩ có tuổi đời còn trẻ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ được kể lại. Như liệt sĩ Phạm Trường Huy, hy sinh lúc mới tròn 22 tuổi khi chữa cháy ở quận 6 cũ, TP.HCM.
Trong vụ án của nghệ sĩ Thanh Nga thời mới giải phóng, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy có nhiệm vụ mò tìm tang vật dưới sông.
Quá trình tác nghiệp không may đụng phải đạn còn sót lại sau chiến tranh. Đạn nổ khiến 2 chiến sĩ hy sinh.
“Một bước lao vào, ngàn trái tim xúc động” – ý kiến khán giả viết lại khi xem. Tiến Luật khẳng định: “Mình phải dùng từ phi thường. Đó là công việc thầm lặng, mang nhiều sự hy sinh, mất mát”.
Năm 2024
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ công an các địa phương trên cả nước đã xuất 14.797 lượt phương tiện cùng 75.663 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy trong 3.319 vụ cháy nổ.
Hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người mắc kẹt và trực tiếp cứu sống 477 người cùng khối lượng tài sản ước tính khoảng 132,7 tỉ đồng ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trực tiếp tham gia 1.802 vụ cứu nạn cứu hộ, tổ chức cứu được 5.571 người, tìm và bàn giao 882 thi thể cho cơ quan chức năng xử lý.