Houthi sở hữu lực lượng phòng không có tính cơ động cao và tận dụng cảm biến hồng ngoại, đủ sức đe dọa tiêm kích F-35 Mỹ, theo chuyên gia.
Nhiều quan chức quốc phòng Mỹ ngày 12/5 cho biết nhóm vũ trang Houthi ở Yemen suýt bắn trúng loạt tiêm kích F-16 và một chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Washington trong 30 ngày đầu phát động chiến dịch Rough Rider. Một quan chức khác sau đó tiết lộ chiếc F-35 bị tên lửa Houthi áp sát tới mức phi công phải cơ động ngoặt gấp để tránh đạn.
Chưa rõ lực lượng Houthi dùng tên lửa gì để tấn công tiêm kích F-35 và F-16 của Mỹ. Dù vậy, năng lực phòng không của Houthi được cho là một trong các lý do khiến Mỹ phải tăng cường sử dụng F-35 cùng các loại vũ khí tầm xa đắt tiền trong chiến dịch Rough Rider, cũng như buộc Washington nhanh chóng đạt thỏa thuận ngừng bắn với nhóm vũ trang Yemen chỉ sau chưa đầy hai tháng.
“Lưới phòng không của Houthi tương đối thô sơ, nhưng chính điều này khiến họ trở thành thách thức riêng biệt và cực kỳ khó chịu đối với tiêm kích Mỹ”, biên tập viên Joseph Trevithick và Tyler Rogoway của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định.
Video do camera hồng ngoại quay cảnh UAV nghi là MQ-9 của Mỹ bị tên lửa Houthi bắn rơi ngày 20/4. Video: Al Masirah
Phần lớn hệ thống phòng không của Houthi đặt trên các bệ phóng di động, thay vì trận địa cố định. “Điều này cho phép họ tùy cơ ứng biến khi triển khai lực lượng và xuất hiện ở những vị trí bất ngờ nhất, phá vỡ kế hoạch tác chiến mà Mỹ xây dựng cẩn thận”, Rogoway nói.
Một trong những lợi thế lớn của F-35 là năng lực nhận thức tình huống, với kế hoạch nhiệm vụ được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu chi tiết về lưới phòng không đối phương và các thông tin tình báo mới nhất. Những yếu tố này giúp thiết lập “tuyến xanh”, thuật ngữ chỉ đường bay đảm bảo khả năng sống sót và thành công cao nhất của nhiệm vụ.
“Các bệ phòng không di động có thể giúp Houthi thiết lập trận địa phục kích và đón lõng mục tiêu, giảm đáng kể hiệu quả của tuyến xanh”, Trevithick giải thích.
Theo các chuyên gia, tiêm kích F-35 sở hữu tính năng tàng hình hiện đại, nhưng không có nghĩa là chúng không thể lộ mặt trước các hệ thống radar cảnh giới.
Để bảo đảm tính tàng hình cao nhất, F-35 chỉ được dùng khoang vũ khí giấu trong thân, với sức chứa tối đa hai tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM và hai bom dẫn đường JDAM nặng 900 kg. Nếu muốn mang nhiều vũ khí hơn, F-35 sẽ phải lắp các giá treo dưới cánh, khiến diện tích phản xạ radar tăng lên đáng kể và suy giảm khả năng tàng hình.
Ngay cả trong trường hợp giấu bom và tên lửa trong thân, những chiếc F-35 vẫn có nguy cơ lộ diện khi mở khoang vũ khí để khai hỏa. Nhược điểm này từng giúp kíp tên lửa phòng không S-125 lạc hậu của Nam Tư phát hiện và bắn rơi máy bay tàng hình F-117A Mỹ hồi năm 1999.
“Trọng tâm kho vũ khí phòng không Houthi, dường như được chế tạo trong khoảng một thập kỷ qua, là các hệ thống cảm biến hồng ngoại chuyên phát hiện, theo dõi và chỉ thị mục tiêu, cùng tên lửa trang bị đầu dò tầm nhiệt hoán cải từ vũ khí không đối không”, Trevithick nêu quan điểm.
Cảm biến và đầu dò hồng ngoại vận hành theo nguyên lý thụ động, chuyên bám bắt nguồn nhiệt từ động cơ và vỏ máy bay, không phát tín hiệu đánh động mục tiêu như radar. Điều này khiến hệ thống tác chiến điện tử AN/ASQ-239 Barracuda và các thiết bị cảnh báo chiếu xạ trên F-35 không thể phát hiện đối phương đang theo dõi và nhắm mục tiêu.
“Đây là thách thức với tất cả phi cơ thông thường lẫn tàng hình”, hai chuyên gia Mỹ nêu quan điểm.

Tiêm kích F-35C cất cánh từ tàu sân bay USS Carl Vinson ngày 9/5. Ảnh: US Navy
Nhóm vũ trang tại Yemen từng cải tiến tên lửa không đối không R-27T và R-73, vốn dùng cho tiêm kích, thành vũ khí phòng không lợi hại. Houthi chiếm được số tên lửa này từ kho vũ khí của không quân Yemen khi nổ ra cuộc chính biến hồi năm 2015.
Tên lửa R-27T và R-73 có tầm bắn 30-40 km khi phóng từ máy bay. Con số này thường suy giảm nếu khai hỏa từ mặt đất, nhưng vẫn đủ sức uy hiếp phần lớn máy bay Mỹ và đồng minh. Các quả đạn thường được lắp lên bệ phóng trên xe tải, cho phép tăng khả năng cơ động, hạn chế khả năng bị phát hiện và đánh trả.
Houthi từng chứng tỏ năng lực của dòng R-27T, R-73 hoán cải khi công bố video bắn rơi hoặc làm hư hại hàng loạt chiến đấu cơ hiện đại của liên quân do Arab Saudi dẫn đầu, trong đó có tiêm kích F-15, F-16 và cường kích Tornado. Lực lượng này cũng hạ 22 máy bay MQ-9 Reaper của Mỹ kể từ tháng 10/2023, trong đó 7 chiếc bị bắn rơi trong chiến dịch Rough Rider.
Phi công F-35 có thể phát hiện tên lửa đang bay tới nhờ cụm 6 camera phân bổ khẩu độ (DAS) AN/AAQ-37 lắp quanh thân máy bay. Hệ thống này được ví như “mắt thần” vì khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm, giúp phi công quan sát mọi hướng mà không bị khuất tầm nhìn, đồng thời cảnh báo các mối đe dọa như tên lửa đối phương.
Tuy nhiên, phi công Mỹ chỉ có khoảng thời gian rất ngắn để tránh đạn sau khi nhận cảnh báo từ AN/AAQ-37, nhất là khi họ không có hoặc có rất ít cảnh báo từ trước.
“Iran và Houthi ưu tiên đầu tư cảm biến quang – điện tử vì cơ chế vận hành hoàn toàn thụ động. Rất khó để phát hiện những vũ khí dùng cảm biến này, vì chúng không phát ra dấu hiệu nào trước khi phóng. Phi công chỉ biết đạn đang lao tới nhờ luồng nhiệt từ động cơ tên lửa”, Michael Knights, chuyên gia tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông ở Mỹ, cho biết.
Lực lượng Houthi cũng thường xuyên công bố video từ camera hồng ngoại, cho thấy cảnh tấn công UAV và chiến đấu cơ đối phương. Điều này cho thấy cảm biến hồng ngoại của Houthi có thể dùng để đồng bộ dữ liệu và chỉ thị mục tiêu cho nhiều loại tên lửa, không chỉ giới hạn trong các loại tầm nhiệt.
Nhóm vũ trang Yemen đang biên chế nhiều tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung dẫn đường bằng radar như Barq-1, Barq-2, Sayyad-1 và Sayyad-2C, với tầm bắn 50-75 km.

Tên lửa phòng không Barq của Houthi trong lễ duyệt binh tại Saana, Yemen, tháng 9/2023. Ảnh: AFP
“Sự kết hợp giữa cảm biến hồng ngoại và tên lửa dẫn đường bằng radar sẽ cho phép các khẩu đội này ẩn mình, chỉ lộ diện ngay trước khi khóa mục tiêu và phóng đạn, trong khi máy bay đối phương có ít thời gian phản ứng hơn. Các tổ hợp hồng ngoại cũng có thể hỗ trợ radar hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đến những mục tiêu tàng hình như F-35”, các chuyên gia Mỹ nhận xét.
Theo các chuyên gia, không chiến đấu cơ nào là bất khả xâm phạm và nguy cơ F-35 bị trúng tên lửa sẽ ngày càng gia tăng nếu chúng tiếp tục hoạt động trên bầu trời Yemen.
“Tiêm kích F-35 bị bắn rơi, hay thậm chí chỉ bị hư hại trong chiến đấu, đều sẽ trở thành chiến thắng lớn trên mặt trận truyền thông cho Houthi và nỗi xấu hổ với quân đội Mỹ. Nếu phi công thiệt mạng hoặc bị bắt, mọi chuyện sẽ càng trở nên tồi tệ hơn”, Rogoway nêu quan điểm.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AFP, AP)