Ukraine thường phải điều F-16 đánh chặn UAV tự sát Nga, dù chiến thuật này được đánh giá là lãng phí máy bay và đe dọa tính mạng phi công.
Oleh Zakharchuk, phó lãnh đạo Bộ tư lệnh miền tây thuộc không quân Ukraine, ngày 3/7, nói rằng cái chết của các phi công F-16 dày dạn kinh nghiệm cho thấy chiến thuật phòng thủ mạo hiểm mà Kiev phải áp dụng khi rơi vào tình trạng thiếu hụt vũ khí phòng không then chốt.
“Nếu không bị đánh chặn, UAV Nga sẽ lao xuống mục tiêu và gây thương vong. Chúng tôi phải lựa chọn thế nào?. Tất nhiên, chúng tôi sẽ hạ mục tiêu trên không dù điều này khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông nói.
Tiêm kích F-16 Ukraine bắn nổ UAV Geran-2 của Nga trong video công bố hồi tháng 6. Video: X/BigBreakingWire
Phát biểu được đưa ra vài ngày sau vụ tiêm kích F-16 Ukraine rơi trong lúc đối phó đợt tập kích tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga, khiến phi công cấp một Maxim Ustimenko thiệt mạng.
3 trong 4 tiêm kích F-16 Ukraine rơi sau khi đánh chặn hàng loạt UAV, tên lửa hành trình Nga và đang bám đuổi mục tiêu kế tiếp, còn một máy bay bị Nga bắn hạ ngày 12/4, theo không quân Ukraine.
Các sự việc đã khiến Ukraine mất 3 phi công, trong đó có trung tá Oleksiy Mes, người được coi là “ngôi sao” đã góp công lớn trong nỗ lực vận động phương Tây cung cấp F-16 cho Kiev, cũng là một trong 6 phi công Ukraine đầu tiên có khả năng tác chiến với mẫu tiêm kích này.
David Axe, cây bút quân sự từng làm việc cho Forbes, nhận định Ukraine “đang phung phí F-16” khi triển khai những tiêm kích trị giá hàng triệu USD cho nhiệm vụ đối phó UAV Nga. “Điều đáng phẫn nộ nhất là họ lãng phí cả phi công. F-16 rất kém hiệu quả trong nhiệm vụ đánh chặn UAV. Hoạt động này cực kỳ nguy hiểm, ngay cả với phi công được đào tạo bài bản”, Axe nói.
Các phi công tiêm kích Ukraine từng thừa nhận UAV Geran-2 là mục tiêu rất khó đối phó, vì tốc độ chậm có thể khiến radar không thể phân biệt chúng với nhiễu địa vật bên dưới. Trong nhiều trường hợp, radar bị mất dấu UAV bay trên các mái nhà hoặc nhầm chúng với xe tải di chuyển trên đường.
Điều này buộc chiến đấu cơ Ukraine tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách gần để bảo đảm khả năng bám bắt và bắn hạ mục tiêu. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa tiêm kích bị hư hại bởi mảnh văng từ UAV phát nổ, hoặc thậm chí là bị phòng không mặt đất bắn nhầm.
Ít nhất một chiếc MiG-29 Ukraine từng rơi trong nỗ lực đánh chặn UAV Nga hồi cuối năm 2022, do trúng mảnh vỡ tên lửa và UAV vừa bị đánh chặn.

Tiêm kích F-16 Ukraine bay tại địa điểm không được tiết lộ trong buổi lễ hồi tháng 8/2024. Ảnh: Reuters
Wojciech Koziol, nhà phân tích của trang quân sự Ba Lan Defence24, nhận định tình huống tương tự đã xảy ra với 3 máy bay F-16 Ukraine.
“Tiêm kích F-16 có thể mang tối đa 6 tên lửa đối không. Trong trường hợp của Ustimenko, giới chức Ukraine nói rằng phi công đã sử dụng toàn bộ vũ khí trên chiếc F-16 và hạ được 7 UAV, trước khi máy bay mất độ cao trong lúc tìm cách hạ mục tiêu cuối cùng. Đó là dấu hiệu cho thấy Ustimenko phải áp sát và sử dụng pháo 20 mm”, ông nói.
Các phi công Ukraine trước đây thường để UAV tự sát bay tiếp và trông chờ phòng không mặt đất bắn hạ chúng, nhưng giờ đây không thể làm như vậy. Quân đội Nga ngày càng triển khai nhiều UAV, với mức cao nhất là 539 chiếc trong cuộc tập kích ngày 4/7, trong khi lưới phòng không Ukraine đang bộc lộ nhiều lỗ hổng do nguồn viện trợ giới hạn và tốc độ tiêu hao quá nhanh.
Tình trạng khan hiếm tên lửa càng nghiêm trọng khi Nhà Trắng hôm 1/7 thông báo đình chỉ chuyển giao cho Ukraine một số vũ khí quan trọng vốn được cam kết trước đó, do các báo cáo từ Lầu Năm Góc cho thấy kho dự trữ của quân đội Mỹ đã suy giảm quá sâu.
Các nguồn tin am hiểu tình hình tiết lộ những khí tài bị ngừng viện trợ có đạn PAC-3 MSE hiện đại nhất của tổ hợp Patriot và tên lửa đối không cho tiêm kích F-16.
Theo Axe, một trong những biện pháp phòng thủ hiệu quả trước đòn tập kích bằng UAV tự sát của Nga là triển khai các tổ hợp tác chiến điện tử để gây nhiễu, khiến phi cơ lạc đường hoặc tự lao xuống đất. “F-16 không phải lựa chọn phù hợp để thay thế thiết bị gây nhiễu khi đối phó UAV”, cây bút này nêu quan điểm.
Tuy nhiên, lực lượng Nga cũng liên tục nâng cấp thiết bị định vị vệ tinh cho UAV tự sát và bom lượn, nhằm tăng khả năng kháng nhiễu và duy trì độ chính xác trong các đòn tập kích.

UAV Geran-2 chuẩn bị lao vào mục tiêu tại Kiev, Ukraine trong trận tập kích ngày 17/6. Ảnh: AP
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẽ thay đổi chiến thuật phòng không trong những trận tập kích hiệp đồng quy mô lớn của Nga.
Đại tá Yuri Ignat, thư ký báo chí Bộ tư lệnh không quân Ukraine, cho rằng nên coi F-16 rơi trong chiến đấu là “chuyện bình thường trong xung đột”. “Thiệt hại là điều tất yếu với các trận giao tranh cường độ cao, F-16 cũng không phải ngoại lệ”, ông nói.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, AFP, AP)