Theo TechSpot, trong nỗ lực cuối cùng để lôi kéo người dùng từ bỏ Windows 10 trước ngày ‘khai tử’, Microsoft đã tung ra một tuyên bố gây sốc rằng Windows 11 nhanh hơn tới 2,3 lần. Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng này là một phương pháp thử nghiệm sai sót nghiêm trọng, một chiêu trò so sánh mà nhiều người dùng có thể gọi là gian lận.
Microsoft bị phát hiện thổi phồng khả năng Windows 11
Thời hạn ngừng hỗ trợ Windows 10 (ngày 14.10 năm nay) đến gần và Microsoft đang làm mọi cách để thuyết phục người dùng nâng cấp. Trong một bài đăng blog mới nhất, gã khổng lồ công nghệ tự hào công bố kết quả benchmark cho thấy hiệu năng vượt trội của Windows 11. Nhưng khi ‘soi’ kỹ vào chi tiết, người ta mới phát hiện ra một sự thật đáng kinh ngạc.

Chiêu trò tâng bốc hiệu năng Windows 11 của Microsoft bị lật tẩy
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH TECHSPOT
Theo đó, Microsoft khẳng định con số 2,3 lần dựa trên điểm benchmark Geekbench 6 Multi-Core. Tuy nhiên, trong phần chú thích bị ‘giấu’ kỹ lưỡng, công ty đã thừa nhận phương pháp thử nghiệm của mình rằng đã chạy Windows 11 trên các máy tính hiện đại, sử dụng CPU Intel Core thế hệ thứ 12 và 13 (sản xuất từ 2022 – 2024). Trong khi đó, Windows 10 lại bị đem ra thử nghiệm trên những chiếc PC ‘cổ lỗ sĩ’, sử dụng CPU Intel Core thế hệ thứ 6, 8 và 10, tức là những cỗ máy có tuổi đời từ 7 – 9 năm.
Nói một cách đơn giản, Microsoft đã dùng những chiếc PC mới và mạnh nhất để chạy Windows 11, rồi so sánh nó với những chiếc laptop cũ kỹ, yếu ớt chạy Windows 10. Đây là một phép so sánh hoàn toàn vô nghĩa, giống như việc cho một chiếc xe đua đời mới thi đấu với một chiếc xe phổ thông được sản xuất từ một thập kỷ trước, rồi kết luận rằng xe đời mới nhanh hơn.
Để thấy rõ sự chênh lệch, thiết bị yếu nhất chạy Windows 10 trong thử nghiệm là CPU Core i3-6100U (2 nhân, 4 luồng, tiến trình 14nm). Trong khi đó, một CPU tương đương của thế hệ mới như Core i3-1315U (dùng để chạy Windows 11) có tới 6 nhân, 8 luồng và hiệu năng trên mỗi nhân cao hơn gấp 3 lần.
Sự thật bị che đậy
Thực tế phũ phàng là nếu thử nghiệm cả hai hệ điều hành trên cùng cấu hình phần cứng, thì điểm số hiệu năng sẽ gần như giống hệt nhau. Dù có đưa ra một dòng tuyên bố miễn trừ trách nhiệm nhỏ rằng “hiệu suất sẽ thay đổi tùy theo thiết bị”, nhưng hành động công bố một con số gây hiểu lầm ngay trong tiêu đề và nội dung chính của Microsoft rõ ràng là một hành vi marketing thiếu trung thực.
Mặc dù có những lý do chính đáng để nâng cấp lên Windows 11 (bảo mật, giao diện, tối ưu game…), việc sử dụng những chiêu trò so sánh khập khiễng như thế này chỉ làm tổn hại đến uy tín của Microsoft và khiến người dùng cảm thấy bị lừa dối.