Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được giao phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị tổ chức lễ diễu binh, duyệt binh kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Chính phủ nêu yêu cầu trên với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, ban hành ngày 8/5.
Ngày 19/8/1945, các tầng lớp nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội và nhiều địa phương. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Lực lượng diễu binh trên đường Tôn Đức Thắng – Bến Bạch Đằng, TP HCM sáng 30/4. Ảnh: Thành Nguyễn
Hiện chưa có quy định về diễu binh và duyệt binh. Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, diễu binh là lực lượng vũ trang lần lượt diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường phố, hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất, để biểu dương sức mạnh.
Diễu hành là đoàn người đi thành hàng ngũ diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh. Duyệt binh là kiểm tra một cách tượng trưng đội ngũ của lực lượng vũ trang tập hợp lại để biểu dương sức mạnh về quân sự trong buổi lễ long trọng.
Trong lịch sử, Việt Nam đã ba lần tổ chức duyệt binh. Lần đầu vào năm 1955 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Lần hai vào ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn, mừng chiến thắng thống nhất đất nước. Lần ba được tổ chức vào năm 1985, dịp kỷ niệm 40 năm Quốc khánh.
Tại TP HCM vừa qua, lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia được tổ chức để kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện có sự tham gia của hơn 13.000 người thuộc các lực lượng diễu binh, diễu hành và 6.000 khách mời. Hàng trăm nghìn người dân đứng theo dõi trên các tuyến đường.
Vũ Tuân