
Mục sư Martin Luther King Jr – Ảnh: UPI
60 năm chờ đợi
Mục sư Martin Luther King Jr. bị ám sát vào tháng 4-1968 tại Memphis, bang Tennessee. James Earl Ray đã bị kết án là hung thủ và qua đời trong tù năm 1998, song các con của ông King vẫn nghi ngờ về việc này.
“Người Mỹ đã chờ gần 60 năm để thấy toàn cảnh cuộc điều tra của chính phủ liên bang về vụ ám sát tiến sĩ King. Chúng tôi đang đảm bảo rằng sẽ không để sót bất kỳ chi tiết nào trong sứ mệnh mang lại sự minh bạch toàn diện về sự kiện quan trọng và bi thảm này trong lịch sử quốc gia”, Hãng tin AFP dẫn lời Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Tulsi Gabbard ngày 21-7.
Bà Gabbard cho biết hơn 230.000 trang tài liệu đã được công bố với “ít phần bị biên tập vì lý do riêng tư”.
Trong tuyên bố chung ngày 21-7, ông Martin Luther King III và bà Bernice King – hai người con của mục sư King – nhấn mạnh ủng hộ sự minh bạch và trách nhiệm lịch sử.
Dù vậy, họ lo ngại việc công bố hồ sơ có thể bị lợi dụng để “tấn công di sản” của người cha quá cố.
Họ cũng cho biết khi còn sống, ông King từng là mục tiêu của một chiến dịch thông tin sai lệch, xâm phạm, săn đuổi và vô cùng đáng lo ngại do Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khi đó là J. Edgar Hoover chỉ đạo.
Những người con của tiến sĩ King cho rằng chiến dịch của FBI nhằm mục đích “làm mất uy tín, phá hoại và hủy diệt danh tiếng” của ông cũng như Phong trào Dân quyền Mỹ.
“Những hành động này không chỉ là sự xâm phạm quyền riêng tư, mà còn là đòn tấn công cố ý vào sự thật. Chúng tôi kêu gọi những người tham gia vào việc công bố các hồ sơ này hãy làm như vậy với sự đồng cảm, kiềm chế và tôn trọng nỗi đau buồn dai dẳng của gia đình chúng tôi”, tuyên bố nêu.
Mỹ công bố loạt hồ sơ về các vụ ám sát thập niên 60
Sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp giải mật các hồ sơ về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, em trai ông là Robert F. Kennedy và mục sư King vào những năm 1960.
Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ đã công bố hồ sơ và tài liệu về vụ ám sát ông John F. Kennedy và Robert F. Kennedy, lần lượt vào tháng 3 và 4.
Ủy ban Warren từng điều tra vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy kết luận rằng hung thủ là Lee Harvey Oswald – một xạ thủ từng phục vụ trong thủy quân lục chiến, và tên này đã hành động một mình.
Tuy nhiên, kết luận chính thức này chưa bao giờ dập tắt các nghi ngờ về khả năng tồn tại một âm mưu lớn hơn. Việc công bố chậm trễ các hồ sơ cũng làm dấy lên nhiều thuyết âm mưu khác.
Em trai của Tổng thống Kennedy, ông Robert F. Kenneday – cựu bộ trưởng tư pháp – cũng bị ám sát khi đang tranh cử tổng thống. Sirhan Sirhan, một người Jordan gốc Palestine, bị kết án là thủ phạm và đang thụ án chung thân tại California.