Chính trị Mỹ trước thách thức từ tỉ phú Elon Musk

Chính trị Mỹ trước thách thức từ tỉ phú Elon Musk

bởi

trong

Viết trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ rằng tỉ phú Elon Musk đã “đi chệch hướng” khi thông báo thành lập đảng chính trị mới tại nước này.

Thế khó cho “đảng thứ ba”

Không những vậy, ông Trump còn “nhắc nhở” tỉ phú Musk rằng: “Ông ta (Musk – NV) thậm chí còn muốn thành lập đảng chính trị thứ 3, mặc dù thực tế là điều này chưa bao giờ thành công ở Mỹ – một hệ thống không được thiết kế cho điều đó. Một điều mà các đảng thứ 3 giỏi nhất có thể tạo ra chỉ là sự gián đoạn và hỗn loạn”. Tổng thống Trump cho rằng tỉ phú Musk, chủ hãng xe Tesla, hành động như vậy là vì động cơ cá nhân sau khi bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế khiến các ưu đãi cho xe điện bị hạn chế.

Chính trị Mỹ trước thách thức từ tỉ phú Elon Musk

Mâu thuẫn dâng cao với Tổng thống Trump (phải), tỉ phú Elon Musk hướng đến thành lập đảng riêng

Ảnh: Reuters

Đúng như Tổng thống Trump nói, trong khoảng 160 năm qua, chưa có đảng phái chính trị nào ngoài Dân chủ hay Cộng hòa có thể ghi dấu trên chính trường Mỹ. Lần gần nhất, một tổng thống Mỹ không thuộc 2 đảng truyền thống làm chủ Nhà Trắng là Tổng thống Andrew Johnson – thuộc đảng Liên hiệp quốc gia – đắc cử vào năm 1865. Tất nhiên, ông Elon Musk cũng không thể làm tổng thống Mỹ theo tiêu chí trong hiến pháp là phải sinh ra tại nước này.

Suốt nhiều năm qua, không đảng phái thứ 3 nào có thể thành công trên chính trường Mỹ. Điển hình, được thành lập vào năm 1971, đảng Tự do là đảng lớn thứ ba ở Mỹ. Vận động cho thị trường tự do, chính phủ nhỏ và tự do cá nhân, đảng Tự do có thành tích tốt nhất chỉ là trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016 khi có ứng cử viên Gary Johnson giành được 3,27% số phiếu bầu trên toàn quốc. Hay đảng Xanh là một đảng lâu năm khác tại Mỹ đã có đại diện tranh cử các ứng cử viên trong các cuộc đua tiểu bang và liên bang, nhưng chưa bao giờ có ghế trong chính phủ.

Tất cả bắt nguồn từ hệ thống chính trị Mỹ trong các kỳ bầu cử là nguyên tắc “bên chiến thắng lấy tất cả” với hệ thống phiếu đại cử tri, nên khiến cho các đảng phái chính trị nhỏ khó có thể giành vị thế nào trên chính trường.

Thêm vào đó, các chính trị gia cũng lo ngại nếu “thoát ly” khỏi các đảng phái chính trị truyền thống như Cộng hòa hay Dân chủ thì khó có thể đủ nguồn lực để tiếp tục duy trì vị thế chính trị.

Từ phân hóa đến phân mảnh

Hơn 1 tháng trước, khi bất ổn với Tổng thống Trump dâng cao, tỉ phú Musk đã đề cập việc thành lập một đảng phái chính trị cho những công dân Mỹ “ở giữa”. Cụm từ “ở giữa” không đồng nhất với khái niệm tầng lớp trung lưu, nhưng cũng có thể hiểu là những người trí thức, trung lưu – nhất là những người nhập cư và có thành công nhất định trên đất Mỹ với bối cảnh tương tự tỉ phú Elon Musk.

Thực tế, ngay cả khi còn “tình thương mến thương” với Tổng thống Trump, thì tỉ phú Musk từng phản đối việc siết chặt visa với những người nhập cư thuộc nhóm “cấp trung”, đặc biệt là các trí thức, giới chuyên gia trong các lĩnh vực nhất định tại Mỹ.

Thêm vào đó, trong bối cảnh đảng Cộng hòa trỗi dậy và đảng Dân chủ chưa thể hiện được sự cạnh tranh đáng gờm thì nhiều người ủng hộ đảng Dân chủ lẫn các thành viên đảng Cộng hòa bất mãn với chính sách của Tổng thống Trump đang muốn tìm kiếm một xu hướng mới. Điển hình như đạo luật “to đẹp” của Tổng thống Trump vẫn đối mặt các phiếu chống từ đảng Cộng hòa. Đây chính là cơ hội cho đảng phái chính trị của tỉ phú Elon Musk.

Hiện nay, sự phân hóa của chính trị Mỹ là khá lớn, nên sự thu hút từ đảng phái chính trị của tỉ phú Musk có thể khiến sự phân hóa lớn hơn nữa, dẫn đến phân mảnh sâu sắc trong chính trị Mỹ.

Thêm vào đó, vị tỉ phú cũng chỉ đề ra mục tiêu “khiêm tốn” là nhắm đến đợt bầu cử giữa kỳ năm sau, với mục tiêu có khoảng 2 – 3 ghế tại thượng viện và 8 – 10 ghế tại Hạ viện là thành viên đảng Mỹ, qua đó nắm lá phiếu quyết định đối với các dự luật quan trọng. Một vấn đề đặt ra là tỉ phú Musk nắm ưu thế về truyền thông khi ông là người kiểm soát mạng xã hội X đầy ảnh hưởng, nên có thể tạo ra ảnh hưởng trên chính trường Mỹ. Vì thế mà mục tiêu tỉ phú Musk đặt ra chẳng phải là không khả thi.

Nếu điều đó xảy ra thì sự phân mảnh của chính trường Mỹ càng trở nên lớn hơn, nhất là trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm 2026. Chính vì vậy, động thái của tỉ phú Elon Musk trở thành thách thức không nhỏ cho cấu trúc chính trị truyền thống của nước Mỹ.