Cho khách thuê chở quá số người quy định, chủ xe có bị phạt?

Cho khách thuê chở quá số người quy định, chủ xe có bị phạt?

bởi

trong

Trong những năm trở lại đây, dịch vụ cho thuê ô tô tự lái từ các mẫu xe 5 – 7 chỗ đến các mẫu xe 16 chỗ trở nên phổ biến. Nhiều gia đình, công ty muốn tổ chức những chuyến đi du lịch lựa chọn dịch vụ này để chủ động hơn trong hành trình. Tuy nhiên trên thực tế không ít trường hợp sau khi thuê xe đã sử dụng sai mục đích, chở quá số người quy định dẫn đến vi phạm luật giao thông. Điều này không chỉ tiềm ẩn rủi ro về an toàn mà còn khiến tài xế và chủ phương tiện bị xử phạt.

Cho khách thuê chở quá số người quy định, chủ xe có bị phạt?

Nhiều khách thuê xe tự lái chở quá số người quy định khiến chủ xe bị vạ lây

ẢNH: B.H

Chở quá số người quy định: không chỉ tài xế chịu trách nhiệm

Theo quy định tại khoản 2, điều 20, Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168), hành vi điều khiển ô tô chở vượt quá số người được phép sẽ bị xử phạt từ 400.000 – 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá, với mức phạt tối đa không quá 75 triệu đồng. 

Cũng theo điểm b, khoản 10, điều 20, Nghị định 168, trường hợp số người chở vượt vượt quá 50 – 100% số ghế ngồi cho phép, tài xế sẽ bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe (GPLX). Nếu vượt quá 100%, người điều khiển phương tiện sẽ bị trừ 10 điểm GPLX.

Cho khách thuê chở quá số người quy định, chủ xe có bị phạt? - Ảnh 2.

Tài xế chở quá số người quy định bị trừ 10 điểm GPLX

ẢNH: C08

Điều đáng chú ý là ngay cả chủ xe cũng bị xử phạt trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể, theo khoản 5, điều 32 của Nghị định 168, nếu chủ phương tiện là người giao xe hoặc để người thuê, người làm công, người đại diện điều khiển xe mà xảy ra hành vi chở quá số người quy định thì chủ xe sẽ bị xử lý hành chính tương ứng với mức độ vi phạm.

Với chủ xe là cá nhân, mức phạt sẽ từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá. Nếu là tổ chức, mức phạt nâng lên từ 1,6 – 2,4 triệu đồng trên mỗi người vượt, với tổng mức xử phạt tối đa lần lượt là 75 và 150 triệu đồng.

Chủ xe cho thuê cần làm gì để tránh rủi ro?

Với những quy định kể trên, người đứng tên phương tiện dù cho thuê xe tự lái vẫn có thể bị liên đới nếu khách thuê sử dụng sai mục đích. Chính vì vậy, để tránh bị xử phạt oan, chủ xe cần có biện pháp kiểm soát và ràng buộc chặt chẽ với người thuê.

Trước hết, hợp đồng thuê xe phải ghi rõ thông tin người thuê, mục đích sử dụng, số lượng người được phép chở và đặc biệt là trách nhiệm hoàn toàn thuộc về người thuê nếu để xảy ra vi phạm. 

Ngoài ra, chủ xe cũng có thể yêu cầu người thuê cung cấp căn cước công dân, bằng lái xe hợp lệ, cọc tiền hoặc giữ lại tài sản đảm bảo, cũng như có thể lựa chọn lắp thêm thiết bị giám sát hành trình, camera để theo dõi tình trạng sử dụng phương tiện. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi chủ xe mà còn là bằng chứng nếu xảy ra vi phạm, tranh chấp.

Không ít người cho rằng khi đã ký hợp đồng cho thuê xe tự lái thì trách nhiệm vi phạm chỉ thuộc về người thuê. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chủ xe vẫn có thể bị xử phạt nếu không kiểm soát tốt hoạt động cho thuê của mình. Để tránh những rắc rối không đáng có, người cho thuê cần chủ động thực hiện đầy đủ các bước pháp lý cần thiết, đồng thời trang bị kiến thức cơ bản để bảo vệ quyền lợi của chính mình.