Cho trẻ về với thiên nhiên để trải nghiệm muỗi đốt, nhà vệ sinh bẩn?

Cho trẻ về với thiên nhiên để trải nghiệm muỗi đốt, nhà vệ sinh bẩn?

bởi

trong

Vài tháng trước, các con tôi theo lớp học địa lý văn hoá đến thăm thôn Lũng Slàng ở Tràng Định, Lạng Sơn. Thôn được mệnh danh là ốc đảo trên non cao, nằm lọt thỏm trong một thung lũng kín, cách quốc lộ 4A, đoạn đèo Lũng Phầy, 2km đường rừng.

Để vào được thôn, các con – hầu hết là những đứa trẻ 9 đến 12 tuổi – phải xuống xe đi bộ. Con đường mòn men theo vách đá, có những đoạn dốc dựng đứng, không dễ dàng nếu chưa từng đi bộ đường dài. 

Thôn Lũng Slàng chỉ có chừng 30 hộ dân, tất cả đều là người Dao đỏ. Tối hôm đó, chúng tôi ở nhà bác trưởng thôn. Vì quá đông, đoàn phải tách hai nơi. Một nhóm ở nhà cấp 4 xây theo kiểu người Kinh, một nhóm ở nhà sàn truyền thống của người Dao. Nhà cấp 4 có khu phụ khép kín, nhà tắm có nóng lạnh. Nhà sàn thì khu phụ tách ra, nhà tắm không có nóng lạnh. Vào cuối đông, nhiệt độ chỉ chừng 10-11 độ, chủ nhà bắc một nồi nước lớn lên bếp củi giữa nhà sàn, chờ nước sôi thì múc nước vào chiếc xô đỏ và xách vào nhà tắm để pha cho đám trẻ tắm táp sau một ngày đi bộ mệt nhoài.

Đêm hôm đó, tại nhà sàn, bên bếp lửa, lũ trẻ nghe chủ nhà kể lại ký ức của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 diễn ra ngay tại thôn này. Rồi chúng đi ngủ trong những chiếc chăn con công đã cũ nhưng sạch sẽ, thơm tho.

Cô giáo của bọn trẻ không dẫn chúng đến đây để trải nghiệm cái nghèo mà trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của người Dao đỏ. Cuộc sống ấy đang diễn ra chân thật từ bao đời nay, chứ không phải được sân khấu hóa trong một không gian giả lập với những người đóng vai.

Cho trẻ về với thiên nhiên để trải nghiệm muỗi đốt, nhà vệ sinh bẩn?

Bài đăng tố nơi tổ chức trại hè của một phụ huynh ở Hà Nội (Ảnh: Chụp màn hình).

Thế nên, khi phải tắm ở nhà vệ sinh cũ kỹ, phải đun nước nóng bằng bếp củi, phải đắp chăn bông cũ và nặng trịch, bọn trẻ không kêu ca, phụ huynh không kêu ca. Tất cả đều hiểu rằng, chủ nhà đang tiếp đãi cả đoàn bằng những gì tốt nhất trong điều kiện của họ. Sự gọn gàng, thơm tho, sạch sẽ của sàn nhà, của chăn bông cũ, của nồi nước nóng nhả khói bên bếp lửa thể hiện lòng mến khách thân thương ấy.

Đó là một trong rất nhiều những trải nghiệm mới lạ, thú vị và ấm áp về một cuộc sống khác, một nền văn hoá khác mà các con tôi may mắn có được cùng các bạn trong lớp địa lý của chúng.

Đôi khi, chúng được trải nghiệm điều đó cả trong những chuyến du lịch gia đình. Tôi nhớ lần dẫn bọn trẻ lang thang từ Huế vào Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi cũ, nay hợp nhất với tỉnh Kon Tum thành tỉnh Quảng Ngãi), tìm đến làng Gò Cỏ ở Sa Huỳnh. Xưa đó là làng của người Chăm Pa, nên vẫn còn bia ký, mộ cổ, giếng cổ và những lối bậc thang đá cổ dẫn từ biển vào làng. Ngôi làng chỉ vài chục hộ dân nằm nép mình bên bờ biển xanh rời rợi, cách biệt với thế giới bên ngoài bằng một con đường độc đạo. 

Từ năm 2018, dân làng được hướng dẫn làm du lịch cộng đồng. Họ được vay vốn để sửa sang nhà cửa, làm homestay đón khách. Chúng tôi thuê một căn phòng ở chung với chủ nhà, giá đâu đó chừng 80.000 đồng/ngày. Phòng chỉ rộng 7-8m2, có trang bị điều hòa. Nhà tắm ở ngoài trời và không có nóng lạnh, đi tắm phải mang theo phích nước. Nhưng sự sạch sẽ và xinh xắn khiến chúng tôi rất hài lòng. Mỗi cánh cửa phòng tắm, nhà vệ sinh đều được sơn màu xanh da trời và vẽ những bông hoa, con cá sặc sỡ. Nhà nằm bên bờ ruộng, lối vào trồng hoa cánh bướm và hoa bất tử, nở rực rỡ dưới nắng hè.

Hai hôm sau, vì muốn ở sát biển hơn, chúng tôi chuyển sang một căn homestay khác, giá 120.000 đồng/ngày. Đó là căn nhà tre, mái lá, giường cũng bằng tre và không có điều hòa. Vì báo trước một ngày, nên trước khi chúng tôi chuyển tới, chủ nhà đã dọn dẹp và nằm ngủ trong phòng một đêm. Người dân ở đây quan niệm rằng, phòng ốc cần có hơi người mới nên cho trẻ con vào ở. Sự chu đáo của họ khiến tôi vô cùng cảm kích.

Cũng giống như căn nhà trước, mọi thứ đều sạch sẽ. Nhà vệ sinh ốp gạch trắng và cánh cửa sơn màu xanh da trời. Sự sạch sẽ đầy tôn trọng trong bối cảnh tiện nghi ở mức tối thiểu nhất. Chúng tôi đã ở đó 4 ngày và không có gì để phàn nàn. Tôi không dẫn các con đi trải nghiệm sự thiếu thốn. Tôi dẫn chúng đi trải nghiệm sự đủ đầy theo một cách khác.

Và do đó, sạch sẽ – vệ sinh – an toàn luôn là những yếu tố hàng đầu.

Chúng tôi đã đi cùng nhau tới nhiều miền quê, trên rừng dưới biển, ăn ở sinh hoạt cùng người bản địa. Nhà ông bà nội của bọn trẻ cũng ở một ngôi làng thuần chất đồng bằng Bắc Bộ, mỗi kỳ nghỉ hè đều đón các cháu về chơi dài ngày. Trải nghiệm nông thôn của các con tôi hoàn toàn tự nhiên, chân thật. 

Nông thôn ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Số gia đình trang bị điều hoà, máy giặt không còn hiếm, ngay cả ở những bản làng xa xôi. Điều kiện sống tốt hơn cũng đẩy nhu cầu vệ sinh lên cao hơn. Các gia đình càng ngày càng chú trọng khu phụ như khu chính trong nhà. Nhà vệ sinh ốp gạch sáng màu, lắp bình nóng lạnh, quạt thông gió, cửa ra vào kín đáo, vừa tránh gió mưa, vừa an toàn. 

Thêm vào đó, không thể không nhắc đến điều xưa cũ muôn thủa, ấy là nếp nhà. Gia đình nào giữ nếp ăn ở sạch sẽ thì không có tiền bạc vẫn ngăn nắp, tươm tất. Từ cái chổi rơm dựng ngược ở góc hiên, cái thớt gỗ treo cao tránh ẩm mốc, cái nong cái nia gác lên bếp lửa chống mối mọt, bát đũa rửa xong úp rổ phơi nắng khô mới xếp vào trong chạn, đũa ăn bỏ vào ống tre phải xếp đầu đũa lên trên, thau chậu dùng xong úp ngược xuống cho khô ráo, áo quần giặt xong lộn trái mới đem phơi, sân nhà ngày quét 2 cữ sáng chiều, nhà tắm, nhà vệ sinh xây nền cao để thoát nước. 

Những thói tục ngăn nắp ấy là văn hóa, được rèn giũa cho con cháu từ đời này sang đời khác trong nhiều gia đình ở nông thôn. Và đó mới là thứ xứng đáng được trải nghiệm, chứ không phải cái nghèo khó, thiếu thốn vệ sinh và tiện nghi đi kèm với tùy tiện, bừa bãi.

Không ít lần, tôi chứng kiến những người lớn lên ở thành thị mang định kiến về nông thôn, rằng cứ quê là bẩn. Đó là một định kiến đến từ những trải nghiệm không tốt, và thường là không đủ nhiều. 

Những ngày qua, câu chuyện liên quan tới một dịch vụ trại hè khiến tôi nghĩ hoài về định kiến ấy. Nhìn bức ảnh chụp nhà vệ sinh, tôi không hiểu người ta muốn cho trẻ trải nghiệm điều gì.

Mái lá, cửa tre, tường trát vữa không ốp, nền gạch còn lộ nguyên mạch vữa lem nhem của bàn tay một người thợ hồ cẩu thả, phần hiên chờ là những viên gạch xếp lại với nhau và mốc xanh lên do không thoát được nước. Những vệt mốc lan cả lên chân tường.

Đó không phải một nhà vệ sinh điển hình ở nông thôn, cả xưa và nay. Đó cũng không thể là một nhà vệ sinh tiêu chuẩn trong một hệ sinh thái giáo dục trải nghiệm. Bởi anh dạy gì cho con trẻ qua một nhà vệ sinh được xây dựng tuềnh toàng và cẩu thả, đến nguyên tắc thoát nước tối thiểu còn không có? 

Ngay cả một người Dao đỏ ở một thung lũng xa xôi miền núi phía Bắc còn giặt chăn thật thơm để đón khách phương xa, một làng chài nghèo nàn bị lãng quên nhiều năm trong biển Sa Huỳnh còn sơn cánh cửa gỗ nhà vệ sinh màu xanh da trời và vẽ hoa cỏ lên đó với gạch ốp bên trong đều màu trắng, thì tại sao một khu trại hè trải nghiệm thu phí cao lại cố làm cái nhà vệ sinh cho thật sơ sài, giản tiện ở mức tối thiểu nhất? 

Khi sân khấu hóa cuộc sống nông thôn và đặt nó vào một không gian giả lập, người làm dịch vụ cần biết lọc bỏ các yếu tố không tích cực và chọn lựa những yếu tố tích cực trong đời sống thật, thay vì làm ngược lại. Đó mới là giáo dục. Vì mục tiêu cuối cùng là giúp trẻ cảm thấy yêu mến cuộc sống ấy, muốn trở lại và thưởng thức cuộc sống ấy, chứ đâu phải để thấy nghèo mà sợ, thấy nghèo mà biết ơn sự đủ đầy khi ở bên mẹ cha.

Nếu muốn trẻ gần gũi với thiên nhiên, hãy cho chúng thấy cuộc sống bên thiên nhiên tuyệt vời thế nào. Nếu muốn trẻ yêu mến những thôn quê, hãy cho chúng thấy cuộc sống ở thôn quê thú vị ra sao. Đừng để kí ức về nhà vệ sinh bẩn và muỗi đốt xóa đi muôn vàn trải nghiệm quý báu khác, đồng thời tạo ra một định kiến sai lạc về thiên nhiên và đồng quê, đồng nhất sự dân dã với cẩu thả và tuềnh toàng.

Ở khía cạnh giáo dục, tôi luôn tin rằng con trẻ yêu thích một vùng đất, một không gian, một nền văn hoá bằng những trải nghiệm dễ chịu chứ không phải bằng sự nỗ lực thích nghi với hoàn cảnh. Nếu chúng phải cố gắng chịu đựng sự thiếu thốn tiện nghi, sự thiếu vệ sinh hay đơn giản hơn là cố gắng vượt qua cái nắng, cái nóng thì chắc chắn đó là một trải nghiệm chẳng lấy gì làm vui vẻ. Mà khi đã không vui vẻ, lẽ nào chúng có thể muốn trải nghiệm thêm một lần nữa?

Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!