Chống buôn lậu, hàng giả 23-5: Việt Nam sẽ quản lý thực phẩm chức năng như các nước châu Âu?

Chống buôn lậu, hàng giả 23-5: Việt Nam sẽ quản lý thực phẩm chức năng như các nước châu Âu?

bởi

trong
Chống buôn lậu, hàng giả 23-5: Việt Nam sẽ quản lý thực phẩm chức năng như các nước châu Âu?

Bộ Y tế khuyến cáo thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh – Ảnh: CỤC ATTP

Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm, với hàng loạt thay đổi đáng chú ý nhằm bịt lỗ hổng trong quản lý, hậu kiểm và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe – lĩnh vực đang bộc lộ nhiều bất cập sau hàng loạt vụ việc thực phẩm kém chất lượng thời gian qua.

Học hỏi mô hình từ Mỹ, Nhật

Trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Chu Quốc Thịnh, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết sau hàng loạt vụ việc như thực phẩm chức năng giả, sữa kém chất lượng, sản phẩm bổ sung “lách luật” quảng cáo sai sự thật…, Bộ Y tế đã nhận thấy nhiều bất cập trong nghị định 15 hiện hành cần phải nhanh chóng sửa đổi.

Theo ông Thịnh, một trong những kẽ hở lớn là cơ chế tự công bố sản phẩm. Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ đơn giản là có thể đưa sản phẩm ra thị trường. 

Nhiều đơn vị lợi dụng kẽ hở này để đăng ký dưới danh nghĩa “thương nhân”, không có liên kết thực sự với nhà sản xuất. Thậm chí một số hồ sơ chỉ kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn, chưa đủ cơ sở đánh giá chất lượng thực tế hay công dụng của sản phẩm.

Chống buôn lậu, hàng giả 23-5: Việt Nam sẽ quản lý thực phẩm chức năng như các nước châu Âu? - Ảnh 2.

Ông Chu Quốc Thịnh, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Dự thảo sửa đổi nghị định 15 sẽ thay đổi triệt để cách thức hậu kiểm. 

Theo đó, sau khi doanh nghiệp công bố sản phẩm, cơ quan chức năng sẽ phải chủ động rà soát hồ sơ, lấy mẫu thị trường để kiểm tra chất lượng thực tế, đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

“Hiện tại, chúng tôi đang học hỏi mô hình quản lý từ các quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản để đưa vào nghị định. Các nước này đều kiểm soát chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, phát triển, đăng ký, sản xuất đến khi sản phẩm lưu thông thị trường”, ông Thịnh cho hay.

Ông Thịnh cho biết dự thảo sửa đổi nghị định 15 đã được thông qua tại Bộ Tư pháp và đang xin ý kiến Chính phủ. Dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6 sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất.

TP.HCM phạt nhiều cơ sở y tế vì người hành nghề không đăng ký

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ban hành loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

Cụ thể ông H.T.L., địa chỉ số 22 đường Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10, bị xử phạt 80 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động và thực hiện quảng cáo trái phép.

Cơ sở này bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng và cơ sở chỉ được hoạt động khi có giấy phép khám, chữa bệnh và người hành nghề có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định.

Chống buôn lậu, hàng giả 23-5: Việt Nam sẽ quản lý thực phẩm chức năng như các nước châu Âu? - Ảnh 3.

Phòng y tế quận 10 (TP.HCM) kiểm tra cơ sở khám chữa, bệnh trên địa bàn – Ảnh: THU HIẾN

Ông T.P.H. của cơ sở này cũng bị xử phạt 35 triệu đồng vì khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Hộ kinh doanh OSHUN BEAUTY, địa chỉ 104 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1, bị xử phạt 60 triệu đồng vì vi phạm do sử dụng các thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người và quảng cáo trái phép.

Bà L.T.Y.L., nhân viên của cơ sở này, bị xử phạt 35 triệu đồng vì khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Cơ sở bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn 4,5 tháng và buộc phải tháo gỡ, xóa quảng cáo.

Công ty TNHH thẩm mỹ NEWKUMHO, địa chỉ 402 An Dương Vương, phường 4, quận 5, bị xử phạt 68 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong 2 tháng.

Cơ sở này vi phạm hàng loạt lỗi do sử dụng người hành nghề không đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật. Không thực hiện đầy đủ biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước cấp xác nhận nội dung.

Hộ kinh doanh phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Thái Sơn, địa chỉ 22 Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10, do ông T.H.H. làm chủ, bị xử phạt 26,5 triệu đồng với các lỗi vì lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ và không niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh, không niêm yết dịch vụ khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, ông P.D.H. làm việc ở cơ sở này cũng bị xử phạt 2 triệu đồng, đồng thời bị tước chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong 2 tháng do vi phạm quy định về lập hồ sơ bệnh án.

Đà Nẵng xử lý 8 vụ việc liên quan hàng giả, xử phạt 280 triệu đồng trong 1 tuần

Ngày 23-5, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã có thông tin ban đầu về hoạt động triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND thành phố Đà Nẵng đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó ngay trong tuần đầu đơn vị đang mở đợt cao điểm (từ ngày 15-5 đến 22-5), lực lượng quản lý thị trường Đà Nẵng đã kiểm tra 14 vụ, xử lý 8 vụ việc vi phạm. Thu xử phạt vi phạm hành chính 279,5 triệu đồng.

Buộc tiêu hủy một số lượng lớn áo thun, kính mắt, túi xách, đồng hồ… với tổng giá trị hơn 248,33 triệu đồng. Ngoài ra tạm giữ 348 đơn vị sản phẩm khác thuộc ngành hàng thời trang như ví cầm tay, túi xách, dép, áo sơ mi… có gắn dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Giá trị tang vật tạm giữ ước 179,62 triệu đồng.

Chống buôn lậu, hàng giả 23-5: Việt Nam sẽ quản lý thực phẩm chức năng như các nước châu Âu? - Ảnh 4.

Lực lượng quản lý thị trường Đà Nẵng thực hiện kiểm tra một cơ sở kinh doanh – Ảnh: N. SƠN