Chồng kiếm nhiều tiền nhưng nhà xe đều đứng tên tôi

Chồng kiếm nhiều tiền nhưng nhà xe đều đứng tên tôi

bởi

trong
Chồng kiếm nhiều tiền nhưng nhà xe đều đứng tên tôi

Mới nghe qua thì sẽ nghĩ tôi thực dụng hoặc nhà ngoại giàu, nhưng thực tế hoàn toàn khác.

Cách đây không lâu, một người bạn hỏi tôi tại sao thu nhập của vợ chồng tôi tương đương, thậm chí chồng tôi còn cao hơn, nhưng nhà và xe đều mang tên tôi.

Nghe qua thì tưởng tôi quá thực dụng hay may mắn được nhà ngoại hậu thuẫn, nhưng thực ra câu chuyện phía sau là cả một quá trình dài của sự chắt chiu, hoạch định, và trên hết là một lựa chọn sống khác biệt từ hai xuất phát điểm gia đình.

Chồng tôi không phải người lười biếng hay thiếu năng lực. Anh đi làm đúng giờ, có công việc tốt, mức thu nhập cao hơn tôi trong nhiều năm liền. Nhưng đến hiện tại, tài khoản tiết kiệm của anh hầu như trống rỗng.

Mỗi tháng, ngoài khoản tiền góp nuôi con theo thỏa thuận chung, phần còn lại trong ví anh thường rơi rớt hết. Trong khi đó, tôi, người từng nhận mức lương thấp hơn, lại đủ sức mua nhà, mua xe và xây dựng được một khoản dự phòng cho tương lai. Khác biệt nằm ở đâu?

Tôi cho rằng, một phần là ở tính cách, nhưng phần lớn xuất phát từ nền tảng gia đình, thứ âm thầm định hình thói quen tài chính của mỗi người. Ba mẹ tôi sống tiết kiệm, làm gì cũng có kế hoạch.

Từ nhỏ, anh em tôi đã quen với việc ghi chép chi tiêu, suy nghĩ kỹ trước khi mua một món đồ. Ba mẹ tôi chưa bao giờ bắt buộc chúng tôi phải kiếm nhiều tiền, nhưng luôn dạy: “Có ít thì xài ít, nhưng phải có kế hoạch”.

Ngược lại, nhà chồng tôi lại quen kiểu sống “miệng ăn núi lở”. Ba mẹ chồng tôi thường sĩ diện, tiêu tiền theo cảm xúc hơn là nhu cầu. Có những lần trong nhà chẳng còn bao nhiêu nhưng vẫn mượn nợ để tổ chức tiệc linh đình, hoặc mua những món đồ đắt đỏ chỉ để không thua ai.

Họ vô tình biến con trai thành chiếc máy ATM cho cả nhà. Không chỉ phụng dưỡng cha mẹ, điều hiển nhiên và nên làm trong khả năng, chồng tôi còn thường xuyên phải lo cho các em, gánh cả những chi phí phát sinh mà đôi khi chính anh cũng không rõ lý do.

Có lúc, vì không đủ tiền, anh còn lấy cả phần lương của tôi để chuyển về nhà nội. Nhiều lần như vậy, tôi cảm thấy kiệt sức và bất an về tương lai của gia đình nhỏ của chính mình.

Tôi không chọn cách nổi nóng hay chỉ trích, mà âm thầm thay đổi. Tôi nhảy việc, thông báo với chồng mức lương thấp hơn thực tế. Phần dư tôi gửi mẹ ruột giữ giúp.

Tiền làm thêm tôi hoàn toàn giữ riêng. Đó là tài sản tôi tự tay gây dựng, không hoàn toàn nhờ vào nhà ngoại, nhưng tôi biết ơn vì có ba mẹ làm điểm tựa về tinh thần lẫn niềm tin. Đến giờ, tôi vẫn cảm thấy nhẹ lòng vì đã có sự chuẩn bị.

Tôi không kể câu chuyện này để phân định ai đúng ai sai trong mối quan hệ vợ chồng, càng không phải để so đo giữa bên nội và bên ngoại. Mỗi người lớn lên trong một môi trường khác nhau, cách ứng xử với tiền bạc cũng khác.

Nhưng tôi tin rằng, tiết kiệm là một phẩm chất cần thiết và đáng quý, dù ở bất cứ độ tuổi nào, giới tính nào. Tiết kiệm không đồng nghĩa với keo kiệt, mà là biết rõ mình cần gì, có gì, và dự tính cho điều gì.

Đó là cách để một người trưởng thành sống có trách nhiệm với chính mình và với những người thân yêu.

Thu Huyền