Chiều 6.5, tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đây là dự án luật sửa đổi luật Khoa học, công nghệ 2013 nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị (về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo) và dự kiến thông qua ngay trong kỳ họp lần này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 6.5 về dự án luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
ẢNH: GIA HÂN
Tiến tới xây dựng luật phát triển kinh tế tư nhân
Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dự thảo luật phải cập nhật được các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 57, Nghị quyết 66 (về đổi mới xây dựng và thi hành pháp luật) và mới đây nhất là Nghị quyết 68 ngày 4.5 về phát triển kinh tế tư nhân.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tới đây, Chính phủ trình Quốc hội có nghị quyết để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho kinh tế tư nhân phát triển. “Tiến tới cũng phải xây dựng luật về phát triển kinh tế tư nhân, tiến một bước xa hơn nữa”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, vài ngày trước, Quốc hội Trung Quốc cũng đã ban hành luật về phát triển kinh tế tư nhân. “Chúng ta phải tạo cơ chế làm sao đảm bảo cho phát triển. Tháo gỡ khó khăn thì đất nước mình mới phát triển được”, Chủ tịch Quốc hội nói, và nhấn mạnh, tại kỳ họp lần này không chỉ thông qua luật về khoa học, công nghệ mà còn thông qua 34 luật khác, nhằm tháo gỡ các vướng mắc thể chế để đất nước phát triển.
Góp ý cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo luật cần tăng cường hơn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ. Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp bất thường thứ 9 hồi tháng 2, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 193 về một số cơ chế đặc biệt phát triển khoa học, công nghệ, ông đã đề nghị phải bỏ quy định nhà khoa học phải thanh toán hóa đơn, chứng từ theo quy định.
“Nếu yêu cầu thanh toán hóa đơn chứng từ theo quy định thì nhà khoa học chỉ lo đối phó với hóa đơn, chứng từ thôi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, và đề nghị, dự thảo phải có quy định cơ chế đột phá về ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong trường đại học.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần khắc phục tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu nhưng ứng dụng chưa bao nhiêu
ẢNH: GIA HÂN
Tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và thị trường
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển tại Việt Nam chỉ chiếm 0,44% GDP, còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải có cơ chế tài chính linh hoạt như quỹ đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ vốn ban đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa thành quả nghiên cứu, giảm rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ.
Chủ tịch Quốc hội cũng góp ý cần hoàn thiện các quy định việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
“Các đồng chí đi sang thành phố Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) có thành phố khoa học, thành phố đại học, rộng mênh mông. Đi vào thì thấy thành phố khoa học cho các nhà khoa học ở đó, nghiên cứu làm ra sản phẩm khoa học, công nghệ, không phải như chúng ta, quy hoạch đầu tư chưa bài bản cho khoa học, công nghệ, giáo dục – đào tạo”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bổ sung chính sách ưu đãi miễn giảm thuế, thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu cơ bản, chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu…
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và thị trường, nhất là trong bối cảnh nhiều nghiên cứu khoa học chưa ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
“Các đồng chí kiểm tra lại thực tế đất nước mình vừa qua, nhiều đề tài khoa học nghiên cứu nghiệm thu nhưng ứng dụng chưa được bao nhiêu. Vấn đề này vừa qua lãng phí rất lớn, phải khắc phục”, Chủ tịch Quốc hội nêu, và đề nghị, sắp tới cần có cơ chế khuyến khích đặt hàng nghiên cứu doanh nghiệp nhằm đảm bảo đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu thị trường…