Ngày 9/7, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp và tình hình phát triển kinh tế tại xã biên giới Ia Dom.
Tại đây, ông Phạm Anh Tuấn khảo sát về quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp; hỏi thăm việc bố trí công việc, chỗ ăn ở và đi lại của cán bộ. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến đời sống, kinh tế nhân dân vùng biên.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đối thoại với người dân xã biên giới Ia Dom (Ảnh: Phạm Hoàng).
Ông Lê Trọng Phúc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, cho biết xã có hơn 16km đường biên giới với Campuchia. Thuận lợi của xã là diện tích đất sản xuất rộng nhưng đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống kinh tế còn khó khăn. Cây chủ lực chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều.
Theo ông Phúc, về việc vận hành tổ chức bộ máy, phân công, bố trí cán bộ, công chức đến nay đã ổn định. Từ 1/7 đến 7/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Ia Dom đã tiếp nhận và giải quyết gần 120 bộ hồ sơ với các lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, chứng thực và đất đai.
“Do mới tiếp nhận trụ sở của xã vùng khó nên cơ sở vật chất chưa đảm bảo, trang thiết bị phục vụ cho công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. Xã đã nỗ lực tập huấn về trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ, nhằm giúp việc giải quyết hồ sơ cho người dân nhanh, gọn, hiệu quả”, ông Phúc nói.

Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai kiểm tra việc vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Ia Dom (Ảnh: Phạm Hoàng).
Tâm tư khi nhận nhiệm vụ mới, anh Lê Văn Mạnh, Trưởng phòng kinh tế xã Ia Dom bày tỏ: “Xã Ia Dom chạy dọc khoảng 20km theo quốc lộ 19 và có cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nên tiềm năng về thông thương hàng hóa là rất lớn. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế còn chưa xứng tầm với những nội lực sẵn có.
Theo anh Mạnh, nhiều cán bộ được huy động về xã hy vọng là một “đòn bẩy” để giúp xã vùng biên phát triển kinh tế. Từ khi nhận nhiệm vụ, phòng kinh tế xã đã xây dựng kế hoạch nhằm đưa thương hiệu nông sản của bà con đến các chuỗi nhà máy lớn; hướng dẫn bà con nhiều mô hình hay, hiệu quả.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, quán triệt với cán bộ địa phương việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp mới, phục vụ người dân và phát triển kinh tế là nhiệm vụ xuyên suốt.
Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Xã cần tận dụng cơ sở vật chất hiện có để phục vụ người dân một cách nhanh, hiệu quả. Đặc biệt là đảm bảo đường truyền tốt, không đứt đoạn, nhất là vùng khó khăn như xã biên giới Ia Dom. Về hướng lâu dài, tỉnh sẽ nghiên cứu để nâng cấp các trụ sở”.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cùng đoàn công tác trao quà cho 130 hộ gia đình chính sách, gia đình khó khăn tại xã Ia Dom (Ảnh: Phạm Hoàng).
Theo ông Phạm Anh Tuấn, qua báo cáo của địa phương thì diện tích đất nông nghiệp lớn, trù phú nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chính quyền địa phương cần tính toán kỹ tiềm năng tăng trưởng và tập trung nâng hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, liên kết chuỗi. Từ đó mới có thể tận dụng nội lực sẵn có để phát triển kinh tế. Khi nội lực đã mạnh, xã mới mời gọi, thu hút được nhiều nguồn đầu tư từ bên ngoài.
“Trách nhiệm của bộ máy xã rất lớn. Các lãnh đạo, cán bộ phải xác định tinh thần, hết việc thì mới hết giờ. Đặc biệt, xã có cửa khẩu chính là mặt tiền của tỉnh nên cần phải nỗ lực phát triển kinh tế, đi đôi với nâng cao đời sống của người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.