Sáng 8.5, lễ bế mạc đại lễ Vesak 2025 được cử hành trọng thể ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Đại lễ có sự tham gia của trên 2.700 đại biểu; trong đó có hơn 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng vạn tăng ni, phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi.
Đại lễ diễn ra vào thời điểm khi Việt Nam vừa long trọng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đang tích cực chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, hạnh phúc của dân tộc.
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá, đại lễ Vesak đã được tổ chức hết sức trọng thể, tôn nghiêm, là sự kiện tôn giáo – văn hóa quốc tế có quy mô và tầm vóc đã thành công rất tốt đẹp.

Không gian diễn ra lễ bế mạc đại lễ Vesak 2025
ẢNH: NHẬT THỊNH
Phật giáo là cầu nối các nền văn hóa
Trong bài chia sẻ nhân bế mạc đại lễ Vesak 2025 từ xa, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đánh giá, đại lễ Vesak mang ý nghĩa đặc biệt với hàng triệu người khắp thế giới như: Thái Lan, Sri Lanka, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào…
Đại lễ Vesak 2025 là dịp để mỗi chúng ta chiêm nghiệm, suy ngẫm và cùng nhau ôn lại những lời dạy cao quý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc giác ngộ, biểu tượng của hòa bình, từ bi và sự khoan dung. Những giá trị ấy trở nên đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh thế giới hôm nay, khi nhân loại đang đối diện với khủng hoảng, xung đột và sự lan tràn của những phát ngôn thù hận.

Các đại biểu dự bế mạc đại lễ Vesak 2025 ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM
ẢNH: NHẬT THỊNH
“Vesak 2025 không chỉ là một nghi lễ Phật giáo, mà là lời nhắc nhở về vai trò thiết yếu của cộng đồng Phật giáo xuyên suốt nhiều thế kỷ, như một cầu nối các nền văn hóa, một tiếng nói của sự lắng nghe, của đối thoại và hòa hợp. Thông điệp về hòa bình, đối thoại và tự do tư tưởng đã ăn sâu trong lịch sử phát triển của Phật giáo. Trên hành trình lan tỏa chân lý, cộng đồng Phật giáo đã không ngừng chào đón các tín đồ, các bậc học giả và những người tìm cầu tri thức từ khắp nơi trên thế giới”, Tổng giám đốc UNESCO chia sẻ.
Theo bà Audrey Azoulay, UNESCO thông qua chương trình “con đường tơ lụa” trong hơn 40 năm qua, đã tiếp nối và phát huy di sản đó bằng nhiều hoạt động trao đổi học thuật, kiến tạo nền tảng tri thức và kết nối văn hóa giữa các dân tộc. Di sản chung của nhân loại trong đó có di sản Phật giáo, sẽ được giới thiệu tại trụ sở chính của UNESCO qua một triển lãm đặc biệt do Sri Lanka phối hợp tổ chức. Những nỗ lực này, từ tổ chức quốc tế đến cộng đồng Phật giáo, đang gieo những hạt giống bền vững của hòa bình.
Phật giáo toàn cầu cam kết xây dựng thế giới hòa bình
Phát biểu bế bạc, hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) cũng đánh giá, sau ba ngày làm việc khẩn trương, trang nghiêm và đầy cảm hứng, Đại lễ Vesak 2025 tại TP.HCM đã khép lại thành công tốt đẹp.
Ba ngày tổ chức đại lễ, các đại biểu tham dự đã cùng nhau bàn thảo những vấn đề chung, cùng khẳng định lại chủ đề của đại lễ: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”. Đại lễ có những diễn đàn học thuật sôi nổi, với sự hiện diện và tham luận sâu sắc từ chư tôn đức, các học giả, đại diện các chính phủ và tổ chức quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV)
ẢNH: NHẬT THỊNH
“Những thách thức của thời đại như xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng hay khủng hoảng đạo đức… đã được đặt lên bàn thảo với tinh thần trách nhiệm, từ đó khẳng định vai trò thiết yếu của đạo đức, đối thoại liên văn hóa và sự đồng hành của các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, trong việc xây dựng hòa bình cho thế giới hôm nay và mai sau”, hòa thượng Phra Brahmapundit chia sẻ.
Theo Chủ tịch ICDV, sự hiện diện của các đại biểu từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ tại TP.HCM – một thành phố năng động, giàu truyền thống lịch sử và lòng mến khách, là minh chứng cho cam kết chung của cộng đồng Phật giáo toàn cầu trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, nhân ái và bền vững.
Đại lễ Vesak 2025 đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng Phật giáo thế giới. Qua sự kiện này, hình ảnh hoa sen, quốc hoa của Việt Nam và cũng là biểu tượng thanh tịnh của Phật giáo, đã được lan tỏa khắp nơi.

Đại lễ Vesak 2025 đã thành công tốt đẹp
ẢNH: NHẬT THỊNH
Sau cùng, hòa thượng Phra Brahmapundit đúc kết: “Với ánh sáng của chánh pháp, với tinh thần từ bi và trí tuệ, chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai nơi con người có thể sống hài hòa với nhau và với thiên nhiên, không phân biệt màu da, tín ngưỡng, quốc gia hay dân tộc”.