Chiều 28.4, tiếp tục phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào 5.5 tới đây.

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo dự kiến chương trình kỳ họp 9, rút luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi)
ẢNH: GIA HÂN
Báo cáo dự kiến nội dung kỳ họp 9, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, so với dự kiến chương trình đã gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội cùng công văn triệu tập kỳ họp, chương trình mới dự kiến bổ sung 13 nội dung, cùng đó rút 4 nội dung.
Một trong 4 nội dung rút, ông Tùng cho biết, là dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Thứ hai là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Dự kiến thể hiện nội dung này trong nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP.
Thứ ba là việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vấn đề này Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định sau khi đã hoàn thành việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính.
Thứ tư là chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo ông Tùng, UBTVQH đã xem xét và nhận thấy nội dung này không thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cho biết dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) có tiếp tục trình không để có kế hoạch, vì đây là dự án luật mà ủy ban này thẩm tra.
Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự án này được rút khỏi chương trình kỳ họp 9. Đây là vấn đề đã được thống nhất.
Dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) đã được trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến đưa vào cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp 9 và cũng đã được đưa vào chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này.
Một trong những đề xuất lớn tại dự thảo luật là không tổ chức cơ quan điều tra thuộc Viện KSND tối cao. Hệ thống cơ quan điều tra sẽ chỉ còn cơ quan điều tra của Công an nhân dân và cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.
Viện KSND tối cao không đồng ý đề xuất này, đề nghị giữ nguyên cơ quan điều tra thuộc Viện KSND tối cao. Tại cuộc họp thẩm định dự án luật của Bộ Tư pháp, nhiều ý kiến bộ ngành khác cũng cho rằng cần giữ nguyên thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện KSND tối cao như hiện hành.
Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4, Chính phủ thống nhất với việc không tổ chức cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao theo đề xuất của Bộ Công an để trình dự thảo luật sang Quốc hội cho ý kiến.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 25.4, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong cơ quan thẩm tra vẫn có 2 luồng ý kiến về vấn đề này và đây là vấn đề đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc rút dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) đã được thống nhất
ẢNH: GIA HÂN
Bổ sung 13 nội dung vào chương trình kỳ họp 9
Về 13 nội dung được bổ sung vào chương trình kỳ họp, ông Lê Quang Tùng cho hay, 10 nội dung đã có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, kết luận của UBTVQH khi xem xét, cho ý kiến về từng nội dung hoặc Chính phủ đã gửi hồ sơ, đã được bố trí trong chương trình để UBTVQH cho ý kiến.
Cụ thể, các nội dung được bổ sung gồm bộ luật Hình sự (sửa đổi); luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quốc tịch Việt Nam.
Các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; rút ngắn kỳ họp Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, ngày bầu cử Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2021…
Ngoài ra, chương trình kỳ họp 9 dự kiến bổ sung tình hình và giải pháp ứng phó với quyết định áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Cùng đó là bổ sung báo cáo của Chính phủ về tình hình phân bổ, giao dự toán chi đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết thể hiện trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025.
Bổ sung báo cáo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng (theo đề xuất của Ban Chỉ đạo 751, trước đây là Ban Chỉ đạo 1568) theo đề nghị của Chính phủ.