
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hiện nắm giữ tới 4 chức vụ ở Nhà Trắng – Ảnh: REUTERS
Việc cựu thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio kiêm nhiệm đồng thời bốn chức vụ cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đang làm dấy lên nhiều lo ngại về hiệu quả điều hành và nguy cơ xung đột lợi ích, theo báo New York Times ngày 1-5.
Kể từ khi được Thượng viện phê chuẩn giữ chức vụ ngoại trưởng Mỹ vào ngày 20-1, ông Rubio đã lần lượt đảm nhiệm thêm ba vị trí khác chỉ trong vòng vài tháng: quyền giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), quyền thủ thư lưu trữ quốc gia, và mới nhất là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tạm quyền.
Thông báo về chức vụ mới nhất được Tổng thống Trump đưa ra đột ngột qua mạng xã hội hôm 1-5, trong một đợt cải tổ nhân sự cấp cao tại Nhà Trắng.
Hai quan chức tiền nhiệm – cố vấn an ninh Nhà Trắng Michael Waltz và cấp phó Alex Wong – cùng bị cách chức; riêng ông Waltz được đề cử làm đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.
Việc bổ nhiệm ông Rubio thay thế ông Waltz được giữ kín đến mức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce chỉ biết tin khi một phóng viên đọc to dòng trạng thái của ông Trump trong cuộc họp báo trực tiếp.
“Thật là một khoảnh khắc thú vị, nhờ phép màu của công nghệ hiện đại và mạng xã hội”, bà Bruce nói, đồng thời khẳng định ông Rubio có mối quan hệ làm việc gần gũi và thường xuyên với Tổng thống Trump.

Ông Rubio được cho là có mối quan hệ làm việc thân thiết với Tổng thống Trump và thường xuyên xuất hiện tại Nhà Trắng – Ảnh: REUTERS
Dù sự tin tưởng từ ông Trump là điều không thể phủ nhận, nhiều chuyên gia cho rằng việc một cá nhân nắm giữ nhiều chức vụ cùng lúc là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại của chính quyền Mỹ – và đây sẽ là dấu hiệu cảnh báo.
Tổ chức giám sát đạo đức chính phủ Citizens for Responsibility and Ethics in Washington (CREW) nhận định: “Kiêm nhiệm hai, hay trong trường hợp của ông Rubio là ba, bốn chức vụ cùng lúc, không bao giờ là lý tưởng. Việc điều hành một cơ quan đã đòi hỏi sự chú ý và tập trung cao độ, chưa kể lập trường hiện tại của ông Rubio cũng đặc biệt đáng lo ngại”.
Cụ thể vai trò thủ thư lưu trữ đòi hỏi phải giám sát hoạt động lưu giữ hồ sơ của chính các cơ quan mà ông Rubio đang lãnh đạo – bao gồm Bộ Ngoại giao và USAID.
Tình hình càng trở nên đáng chú ý khi ngoại trưởng Mỹ cũng đóng vai trò then chốt trong việc tái cơ cấu USAID, khi ông Rubio là người đứng đằng sau các quyết định khiến USAID gần như bị “rút ruột”.
Tuần trước, ông đã công bố sơ đồ tái cơ cấu Bộ Ngoại giao, trong đó sáp nhập phần còn lại của USAID vào Bộ Ngoại giao, đồng thời vẫn giữ chức quyền giám đốc ở cơ quan này.
Sự thăng tiến chóng mặt của ông Rubio được so sánh với trường hợp của ông Henry Kissinger – người từng kiêm nhiệm ngoại trưởng Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia trong thập niên 1970 – một mô hình sau đó bị xem là không hiệu quả.
Thậm chí một số nhà quan sát còn ví von rằng ông Rubio hiện nắm giữ nhiều chức vụ hơn cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang nắm giữ ba chức vụ hàng đầu ở Bắc Kinh (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương).
Cho đến nay, Bộ Ngoại giao vẫn từ chối trả lời câu hỏi liệu ông Rubio có nhận nhiều mức lương tương ứng với các vị trí kiêm nhiệm hay không.