Chuẩn bị gì cho hồ sơ thạc sĩ vào đại học quốc gia Singapore

Chuẩn bị gì cho hồ sơ thạc sĩ vào đại học quốc gia Singapore

bởi

trong

Bảng điểm đẹp cùng chứng nhận kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, người giới thiệu phù hợp sẽ giúp tăng tỷ lệ đậu chương trình thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

NUS hiện là đại học đứng thứ 8 thế giới và đứng đầu châu Á, theo xếp hạng của QS World University Rankings năm 2025. Trường có 16 khoa và trường, ba cơ sở, 174 chương trình sau đại học và 16.000 sinh viên sau đại học. NUS còn có 22 môn học được xếp hạng top 10 và 36 môn top 20 toàn cầu trong bảng xếp hạng QS theo môn học (QS World University Rankings by Subject 2025).

Tại NUS, các ngành tuyển sinh thạc sĩ tập trung vào 4 lĩnh vực kinh tế tương lai: chăm sóc sức khỏe, kinh tế xanh, công nghiệp 4.0 và kỹ thuật số. Học viên cần đạt yêu cầu GPA tối thiểu 3.0 trên 5.0 để tốt nghiệp. Tổng học phí mỗi chương trình dao động khoảng 35.000-65.000 SGD (700 triệu đến 1,3 tỷ đồng).

Chương trình tuyển chọn thạc sĩ của NUS có những điều kiện khắt khe ngay từ vòng xét duyệt hồ sơ. Trường là một trong 6 đại học công lập và có lịch sử lâu đời nhất Singapore, vì vậy quy trình tuyển sinh tại đây cũng có nhiều điểm khác biệt so với các tổ chức tư nhân. Dưới đây là những cách xây dựng hồ sơ “mạnh”, tạo ấn tượng với phòng tiếp nhận, được tư vấn bởi ông Benjamin Tey – Trưởng phòng tuyển sinh quốc tế và phát triển kinh doanh của NUS, trong hội thảo tư vấn du học thạc sĩ giảng dạy (Master Coursework) tại TP HCM đầu tháng 5.





Chuẩn bị gì cho hồ sơ thạc sĩ vào đại học quốc gia Singapore

Ông Benjamin Tey – Trưởng phòng tuyển sinh quốc tế và phát triển kinh doanh của NUS, giới thiệu về trường trong hội thảo tư vấn du học thạc sĩ giảng dạy tại TP HCM. Ảnh: NUS

Tối ưu bảng điểm

Khóa học cấp bằng thạc sĩ tại NUS hiện có hai lựa chọn chính cho tuyển sinh sau đại học là thạc sĩ giảng dạy và thạc sĩ nghiên cứu. Chương trình thạc sĩ giảng dạy (coursework) thường kéo dài một năm hoặc hai học kỳ, nội dung chủ yếu theo hướng định hướng ngành và ứng dụng thực tiễn nhiều hơn.

Hồ sơ ứng tuyển cơ bản theo yêu cầu của NUS gồm 6 loại giấy tờ (bắt buộc và không bắt buộc): bằng cấp chính thức và bảng điểm; chứng nhận trình độ ngôn ngữ và các bài kiểm tra năng khiếu học thuật (IELTS/TOEFL, GMAT/GRE); báo cáo của người giới thiệu (học thuật hoặc chuyên môn); sơ yếu lý lịch (nếu có); sao kê ngân hàng hoặc thư bảo lãnh; bất kỳ tài liệu nào có liên quan để hỗ trợ cho đơn đăng ký.

Ứng viên có thể bổ sung thêm một số tài liệu bổ trợ khác để tăng khả năng đậu tuyển sinh toàn diện. Đại diện NUS cũng khuyến khích nên “làm đẹp” bảng điểm, hồ sơ bằng cách nâng cao ngoại ngữ và bổ sung kinh nghiệm liên quan chuyên ngành.

Sinh viên quốc tế có tiếng mẹ đẻ hoặc kinh nghiệm giảng dạy bậc đại học bằng tiếng Anh sẽ được miễn yêu cầu về trình độ ngoại ngữ này. Song cũng tùy trường hợp bởi các chương trình học khác nhau sẽ có yêu cầu khác biệt.





Ông Tey khuyên ứng viên nên chú trọng cả những giấy tờ không bắt buộc vì đó là điểm cộng giúp làm đẹp hồ sơ. Ảnh: NUS

Ông Tey khuyên ứng viên nên chú trọng cả những giấy tờ không bắt buộc vì đó là điểm cộng giúp “làm đẹp” hồ sơ. Ảnh: NUS

Ngoài nhóm trên, những ứng viên khác cần chứng minh trình độ ngôn ngữ quốc tế bằng kết quả thi IELTS và TOEFL. Điểm tối thiểu bắt buộc đối với IELT là 6.0 hoặc ít nhất là 85 đối với TOEFL iBT.

Dù hầu hết chương trình không yêu cầu bài kiểm tra năng khiếu nhưng một số ngành nhất định sẽ yêu cầu ứng viên làm bài kiểm tra. Cụ thể với GRE tối thiểu là 320 (nói và định lượng) và 3,5 trong bài viết phân tích hoặc GMAT với điểm tối thiểu từ 650.

“NUS xét tuyển dựa trên quá trình đánh giá toàn diện. Để hồ sơ thêm mạnh, ứng viên nên tối ưu điểm số kỹ năng, tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển sinh”, ông Benjamin Tey nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trường không có yêu cầu GPA cố định cho bằng cử nhân. Việc đánh giá sẽ dựa trên kết quả toàn bộ quá trình học, kinh nghiệm chuyên môn và hoạt động ngoại khóa (nếu có).

Lợi thế kinh nghiệm làm việc

Theo ông Tey, ứng viên Việt Nam thường mắc các lỗi hồ sơ như không đính kèm CV, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thiếu sâu sát trong quá trình xét duyệt, bổ sung giấy tờ, tài liệu cần có…

Đại diện NUS cho biết kinh nghiệm làm việc, ứng dụng thực tiễn là điểm cộng lớn dù đây không phải giấy tờ bắt buộc. Kinh nghiệm ở đây bao gồm thời gian làm việc thực tế trong môi trường doanh nghiệp, thực tập, tham gia đào tạo hoặc nghiên cứu tại trường đại học hoặc trung tâm. Ông khuyên ứng viên nên đính kèm đơn xin việc, CV, báo cáo của người giới thiệu hoặc những giấy tờ, hình ảnh, sản phẩm… chứng minh từng tham gia nghiên cứu, triển khai các dự án ở lĩnh vực liên quan.





Các chuyên gia từ NUS giải đáp thắc mắc liên quan khóa học thạc sĩ giảng dạy cho khán giả. Ảnh: NUS

Các chuyên gia từ NUS giải đáp thắc mắc liên quan khóa học thạc sĩ giảng dạy cho khán giả. Ảnh: NUS

Đối với một số ngành nhất định, trong quá trình xét duyệt hồ sơ, NUS sẽ yêu cầu phỏng vấn. Đây cũng là một trong những thử thách khiến nhiều ứng viên mắc sai lầm dù hồ sơ khá mạnh. Đơn cử như chuyên ngành thạc sĩ truyền thông (Master of Communication), ứng viên sẽ tham gia một buổi tranh luận trực tiếp với một hoặc nhiều ứng viên khác.

“Người phỏng vấn sẽ đưa ra chủ đề ngẫu nhiên, quan sát cách bạn thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến, đưa ra dẫn chứng để bảo vệ luận điểm của mình. Nếu không có đủ kinh nghiệm và sự chuẩn bị, bạn sẽ khó tạo được ấn tượng, thậm chí bị lấn át bởi các đối thủ khác”, ông Benjamin Tey nêu.

Theo sát tiến độ hồ sơ

Khác với hầu hết đại học tại Singapore và trên thế giới, NUS không yêu cầu thư giới thiệu trực tiếp của người tham chiếu (Referee). Thay vào đó, ứng viên cần cung cấp email của họ. Đại diện trường sẽ trực tiếp gửi một email đính kèm đường link với mẫu đơn báo cáo giới thiệu và một số thông tin đính kèm, liên quan đến quá trình học hoặc làm việc của ứng viên. Người tham chiếu sẽ có tối đa 14 ngày làm việc để phản hồi các thông tin trên trước khi đường link đó hết hạn.

Ông Benjamin Tey cho biết hầu hết người tham chiếu được chọn là giáo sư, giảng viên, cấp trên hoặc lãnh đạo doanh nghiệp. Đây đều là những người khá bận rộn, họ thường không có nhiều thời gian kiểm tra các email không liên quan đến công việc chính nên dễ bỏ qua link xác nhận của trường.

Nếu không có người phản hồi liên kết tham chiếu này sau 14 ngày làm việc, hồ sơ sẽ rơi vào diện không hợp lệ. Đại diện NUS đề xuất ứng viên nên theo sát tiến độ của hồ sơ, thường xuyên kiểm tra với chuyên viên tư vấn của trường để không bị loại vì lý do đáng tiếc.

Thêm vào đó, thời gian nộp hồ sơ cũng rất quan trọng. Hầu hết ngành học tại NUS sẽ có một kỳ tuyển sinh thạc sĩ chính thức, một số ngành mở đợt hai tùy tình hình chỉ tiêu. Các mốc thời gian tiếp nhận và đóng cổng có thể sớm hoặc muộn hơn so với dự tính. Thông báo chính thức sẽ được công bố và cập nhật liên tục trên website chính thức của NUS.

“Các bạn nên thường xuyên kiểm tra trên website trường về thời gian tiếp nhận hồ sơ và nhập học để sắp xếp, chuẩn bị hồ sơ và không lỡ mất ‘thời điểm vàng’. Bởi nếu lỡ, ứng viên có thể phải đợi đến năm sau, ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch học tập, nghiên cứu và thời gian tốt nghiệp, nhận chứng chỉ”, ông Benjamin Tey nói thêm.





Ông Tey tư vấn trực tiếp 1-1 về chương trình học thạc sĩ giảng dạy cho khách tham dự tại sự kiện. Ảnh: NUS

Ông Tey tư vấn trực tiếp 1-1 về chương trình học thạc sĩ giảng dạy cho khách tham dự tại sự kiện. Ảnh: NUS

Ngoài thời lượng đào tạo được rút ngắn (thường là một năm cho chương trình toàn thời gian), NUS còn cam kết về cơ hội làm việc hoặc nghiên cứu chuyên sâu sau khi tốt nghiệp. Trước khi tốt nghiệp, sinh viên có thể xin cấp thị thực thăm thân dài hạn một năm tại Singapore để tìm kiếm việc làm nếu có bằng thạc sĩ của trường.

Sinh viên tốt nghiệp NUS đều có tỷ lệ tuyển dụng cao với mức lương trung bình hơn 5.000 SGD (khoảng 100 triệu đồng) một tháng, theo Khảo sát việc làm của các trường đại học tự chủ chung năm 2024 tại Singapore. Ngoài ra, cứ 10 người tốt nghiệp thì có đến 9 người nhận lời mời làm việc trong vòng 6 tháng tại các công ty lớn.

Nhiều cựu sinh viên là chủ doanh nghiệp startup hoặc giữ chức vụ cao tại Google, Apple, IBM, Huawei… Sinh viên tốt nghiệp NUS còn có thể sử dụng bằng cấp của mình để nộp đơn xin thị thực làm việc tại Anh.

Thy An