Chung cư cũ TP HCM tăng giá nhưng khó giao dịch

Chung cư cũ TP HCM tăng giá nhưng khó giao dịch

bởi

trong

Nhiều dự án chung cư thứ cấp tại TP HCM có giá tăng 20-30% trong một năm nhưng khó kiếm khách sang tay.

Đầu năm nay, anh Hồng Sơn (41 tuổi, ngụ tại quận 3) rao bán căn hộ chung cư đã qua sử dụng, diện tích 67 m2 tại quận Bình Thạnh với giá 7,3 tỷ đồng. Sau hơn 4 tháng tìm khách, anh vẫn chưa chốt được giao dịch.

Anh cho biết đầu năm 2023 đã bỏ ra 6,4 tỷ đồng mua lại căn hộ này từ một nhà đầu tư “cắt lỗ”. Đến tháng 8 năm ngoái, chung cư TP HCM bước vào đợt sốt nóng, giá trị căn hộ của anh tăng lên 7,2 -7,5 tỷ đồng. Thấy giá tốt, anh Sơn rao bán 7,3 tỷ đồng để thu hồi vốn nhưng bị khách chê đắt, yêu cầu giảm xuống dưới 7 tỷ đồng. Do không đi đến được thỏa thuận chung, đến nay anh vẫn chưa bán được tài sản.

“Tôi đang tính giảm 100 triệu đồng lấy lộc, còn nhiều hơn thì không thể”, anh Sơn chia sẻ.

Tương tự, anh Quốc Anh (41 tuổi, TP Thủ Đức) đang tìm đầu ra cho căn hộ tại quận 9 (cũ), mua từ năm 2022. Đầu năm nay, chủ đầu tư dự án này vừa mở bán phân khu mới, giá hơn 85 triệu đồng mỗi m2, khiến giá trị căn hộ của anh về lý thuyết tăng thêm khoảng 1,3 tỷ đồng. Ban đầu, anh kỳ vọng có thể bán chênh 800 triệu đồng nhưng không có khách mua. Gần đây, anh đã hạ lợi nhuận kỳ vọng xuống còn 500 triệu đồng nhưng giao dịch vẫn chưa thành công.

Ghi nhận từ VnExpress cho thấy thế giằng co về giá đang khiến giao dịch căn hộ trên thị trường thứ cấp (người mua rao bán lại) gặp khó khăn. Theo chia sẻ từ nhiều môi giới, việc chốt “deal” ngày càng khó, do khoảng cách giữa kỳ vọng lợi nhuận của người bán và khả năng chi trả thực tế của người mua ngày càng lớn.

Anh Đức Trí, một môi giới bất động sản tại Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, cho biết đang tìm khách sang nhượng căn hộ 74 m2 với giá 8,2 tỷ đồng. Hai tháng qua, anh đã dẫn 6-7 lượt khách xem nhà nhưng chưa chốt được giao dịch. “Khách xem nhà đều hài lòng về vị trí và thiết kế, tuy nhiên khi nghe giá thì lắc đầu vì quá cao, đề nghị tìm căn rẻ hơn”, anh Trí nói.

Theo anh, căn hộ được chủ nhà mua lại năm 2021 với giá 70 triệu đồng mỗi m2. Từ quý III năm ngoái, giá chung cư tại Thủ Thiêm tăng mạnh lên 95-110 triệu đồng/m2, kéo giá trị căn hộ từ 5,6 tỷ đồng lên hơn 8 tỷ đồng. Với mức tăng này, chủ nhà có thể giảm 400-500 triệu đồng so với mức kỳ vọng, vẫn có lãi cao. Tuy nhiên, họ không muốn giảm vì chưa thật sự cần bán gấp.

Chị Ngọc Anh, môi giới tại TP Thủ Đức, cũng cho rằng thị trường căn hộ thứ cấp hiện giao dịch khá chậm. Các sản phẩm có giá từ 6-10 tỷ đồng rất khó thanh khoản, do người mua ngày càng thận trọng.





Chung cư cũ TP HCM tăng giá nhưng khó giao dịch

Bất động sản khu đông TP HCM (TP Thủ Đức) với các dự án chung cư. Ảnh Quỳnh Trần

Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy thanh khoản căn hộ TP HCM giảm sâu. Theo Cushman & Wakefield, lượng hấp thụ căn hộ trong quý I giảm 58% so với cuối năm 2024. Knight Frank và DKRA Group cũng xác nhận thanh khoản chung cư ba tháng đầu năm giảm từ 47-60% so với cuối năm ngoái. Nguyên nhân được các bên nhận xét là do giá bán tăng quá cao, vượt mức hấp thụ chung của thị trường.

Dữ liệu từ chuyên trang Batdongsan cho biết giá thứ cấp căn hộ TP HCM ghi nhận trong tháng 4 tăng 15-30% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở những dự án cao cấp. Một số dự án điển hình như Feliz En Vista (tăng 24%), Masteri Thảo Điền (tăng 27%), Diamond Island (tăng 11%), The Opera Residence (tăng 42%), Lumiere Riverside (tăng 28%), The River Thủ Thiêm (tăng 28%)… Ở phân khúc trung cấp (giá dưới 5 tỷ đồng), một số dự án như Citi Home, D’Lusso, Q7 Saigon Riverside, The Era Town… tăng 20-21%.

Nhận định về “thế giằng co” giữa giá và thanh khoản trên thị trường căn hộ TP HCM, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, nhìn nhận sự khan hiếm nguồn cung sơ cấp khiến nhu cầu tìm mua nhà tại các dự án thứ cấp gia tăng. Điều này ít nhiều thúc đẩy giá nhà thứ cấp leo thang thời gian qua. Ngoài ra, đà tăng này còn do xu hướng ăn theo đà tăng của các dự án mới. Nhiều yếu tố cùng góp sức đã thổi giá chung cư cũ TP HCM tăng chóng mặt một năm qua.

Ông Phúc cho rằng tác động từ việc giá nhà tăng quá nhanh là sức mua của thị trường không theo kịp. Trong khi nhóm mua căn hộ thứ cấp phần lớn là người mua để ở thực, tài chính có hạn, giá bán quá cao khiến họ mất khả năng tiếp cận. Về phía người bán, việc neo giá ở mức cao dẫn đến thực tế chỉ “lời trên lý thuyết”, tài sản tăng giá trị nhưng khó chốt lời vì kiếm người mua không dễ.

Ông Phúc nhìn nhận trong bối cảnh thanh khoản còn đang phục hồi chậm, sức mua thấp và tâm lý nhà đầu tư ngày càng thận trọng với các tài sản có giá trị cao, sự giằng co này có thể kéo dài. “Cung – cầu không cân xứng khiến nhiều giao dịch rơi vào thế bế tắc, ngay cả khi sản phẩm vẫn còn dư địa lợi nhuận”, ông Phúc cho hay.

Đồng tình, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan, cho rằng giá nhà đang tăng quá nhanh trong thời gian ngắn, dễ dẫn đến người mua có tâm lý lo ngại thị trường đang “ngáo giá”, đợi giá giảm mới xuống tiền. Về phía người đang nắm giữ tài sản, kỳ vọng vào sóng tăng mới và niềm tin về tiềm năng thị trường khiến nhiều nhà đầu tư quyết bám trụ thay vì giảm lợi nhuận.

Dù vậy theo chuyên gia, thị trường vẫn phải trở về với quy luật cung – cầu. Dự án vị trí đẹp, pháp lý hoàn chỉnh, nếu tăng giá, người mua nhà vẫn chấp nhận. Riêng các dự án ăn theo, cơ hội chỉ trong ngắn hạn và khi sóng nhiệt qua đi, sức mua thực sẽ phản ánh đúng giá trị của sản phẩm. Ngoài ra, đà tăng giá liên tục của thị trường bất động sản TP HCM đang thúc đẩy làn sóng dịch chuyển của nhóm khách hàng có nhu cầu ở thực về các thị trường bất động sản vùng ven, nơi có giá chung cư ở mức hợp lý hơn.

Phương Uyên