Chung cư dưới 2 tỷ đồng chỉ chiếm dưới 7%

Chung cư dưới 2 tỷ đồng chỉ chiếm dưới 7%

bởi

trong

Cơ cấu nguồn cung chung cư tại Hà Nội, TP HCM tiếp tục mất cân đối khi số lượng căn hộ giá bình dân ngày càng ít, chỉ chiếm tỷ trọng 4-7%, theo Viện Kinh tế xây dựng.

Trong báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết số lượng chung cư thương mại giá bình dân ở Hà Nội và TP HCM vẫn rất hạn chế do các chủ đầu tư chủ yếu phát triển nhà cao cấp.

So với năm ngoái, nguồn cung căn hộ tiếp tục tăng với phần lớn dự án giá trên 80 triệu đồng mỗi m2. Thậm chí số dự án giá hơn 100 triệu đồng một m2 có xu hướng mở rộng ra cả khu vực vùng ven.

Viện này cho biết giá chung cư tăng cao khiến số lượng căn hộ giá rẻ trên thị trường ngày càng ít, chủ yếu đến từ các dự án đã bàn giao lâu năm, xa trung tâm. Tại Hà Nội, tỷ trọng căn hộ chuyển nhượng dưới 2 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 3,9%, trong khi phân khúc trên 5 tỷ lên tới 55%.

Tại TP HCM, căn hộ trên 5 tỷ đồng cũng chiếm tỷ trọng lớn, hơn 47%. Khoảng 28% thị phần thuộc về phân khúc 3-5 tỷ đồng. Còn chung cư dưới 2 tỷ đồng chiếm khoảng 7% và cũng đang có xu hướng biến mất.

Diễn biến trên cũng được nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường ghi nhận. Hãng tư vấn bất động sản CBRE cho biết 6 tháng đầu năm, tổng nguồn cung căn hộ mở bán mới ở Hà Nội đạt hơn 10.760 căn, cao thứ hai trong 5 năm trở lại đây. Giá bán các dự án mới đều được chủ đầu tư để ở ngưỡng cao, trung bình 79 triệu đồng một m2 (chưa gồm VAT, phí bảo trì và chiết khấu), tăng 33% so cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, tại trung tâm TP HCM (trước sáp nhập), giá căn hộ đạt trung bình 82 triệu đồng mỗi m2, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án mở bán mới ghi nhận mức tăng bình quân 10-13% so với giai đoạn trước.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội, cho biết chủ đầu tư “kém mặn mà” làm chung cư bình dân bởi họ phải cân bằng bài toán lợi nhuận. Hiện các chủ đầu tư đối mặt với chi phí liên quan đất đai tăng đáng kể sau khi áp dụng bảng giá đất mới cộng với giá vật liệu xây dựng và thủ tục pháp lý kéo dài, làm tăng chi phí đầu vào.

“Điều này dẫn đến giỏ hàng sơ cấp dưới 3 tỷ đồng ngày càng hiếm tại hai đô thị lớn, kéo theo chung cư cũ dưới 2 tỷ đồng cũng dần biến mất”, bà An cho hay.





Chung cư dưới 2 tỷ đồng chỉ chiếm dưới 7%

Một chung cư cao tầng ở trung tâm Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Giá bán liên tục tăng tạo áp lực đến khả năng hấp thụ của thị trường. Viện Kinh tế Xây dựng cho biết tỷ lệ hấp thụ nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP HCM đều sụt giảm, lần lượt 13% và 7% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường chuyển nhượng, lượng giao dịch chung cư tại Thủ đô cũng hạ gần 8%.

Tương tự, CBRE cho biết tổng lượng giao dịch chung cư tại Hà Nội trong quý II đạt gần 5.200 căn, giảm 27% so cùng kỳ. Tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới đạt trung bình 60% trong khi cùng kỳ năm ngoái, nhiều dự án do đơn vị này tham gia kinh doanh có mức thanh khoản hơn 90% sau mở bán.

Theo một khảo sát mới đây của VnExpress với hơn 7.400 độc giả, hơn một nửa người tham gia chia sẻ rằng họ không muốn mua chung cư trong nửa cuối năm vì giá quá cao. Trong khi 65% người tham gia chỉ đủ khả năng mua căn hộ dưới 3 tỷ đồng.

Về lâu dài, câu chuyện tăng giá bất động sản nếu không được can thiệp sớm, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho thị trường và xã hội. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng giá nhà liên tục tăng khiến người thu nhập trung bình và thấp ngày càng khó tiếp cận giấc mơ an cư.

“Nếu không kiểm soát kịp thời, nguy cơ bong bóng bất động sản có thể xảy ra khiến thị trường đối mặt rủi ro đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến nền kinh tế”, ông Đính nói.

Ngọc Diễm