Ông Trần Bá Phúc là người gốc Sài Gòn, nơi ông được sinh ra và lớn lên. Ông từng là sinh viên của Đại học Luật khoa Sài Gòn những năm trước 1975.
Rời quê hương…
Đến năm 1979 thì ông rời VN để di cư sang Úc. Đến Úc, một mình ông Phúc phải sống nơi đất khách quê người, cho nên việc gặp lại người thân ở VN với ông xa vời vợi.
“Bởi lúc bấy giờ, việc liên lạc vô cùng khó khăn, muốn gửi gắm chút tin tức đến người thân ở quê cũng phải chờ vào những lá thư. Mòn mỏi đợi chờ, có khi cả 1 – 2 tháng trời mới nhận được hồi âm. Đến khi người thân nhận được tin thư thì đã quá muộn. Chẳng hạn khi ba tôi qua đời nhưng phải hơn một tháng sau tôi mới nhận được thư của gia đình”, ông Phúc nhắc lại mỗi khi hồi tưởng về quê nhà.

Ông Phúc cùng đại diện Bộ ngoại giao VN trao đổi với một số cơ quan ở Úc
ẢNH: NVCC
Những ngày đầu sống ở xứ sở chuột túi, ông Phúc vừa miệt mài đèn sách, vừa tranh thủ làm thêm đủ nghề để có thêm chút tiền gửi về san sẻ cùng người thân nơi quê nhà. Để có tiền đến trường, ông không ngại tìm đến các nông trại, xin làm việc vào những ngày cuối tuần. May mắn mỉm cười khi ông tìm được một công việc bán thời gian ổn định hơn.
Cùng với việc học, trái tim thanh niên luôn thôi thúc ông phải tham gia vào các phong trào sinh viên tại Úc. Trong sâu thẳm, ông luôn tâm niệm phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời góp một phần nhỏ bé xây dựng và phát triển cộng đồng sinh viên Việt nơi đất khách.
Bắt đầu “nối những nhịp cầu”
Thấu hiểu nỗi nhớ quê da diết của những người con xa xứ, ông Phúc luôn trăn trở và hăng hái tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để kết nối cộng đồng. Tiêu biểu là việc ông khởi xướng các buổi quảng bá văn hóa và bản sắc dân tộc VN tại các phiên chợ, lễ hội truyền thống ở Úc, và mở những lớp học tiếng Việt cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại đây.
Khi đất nước mở cửa, cơ hội giao lưu rộng rãi với Đại sứ quán VN tại Úc đã khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tình cảm sâu nặng với quê hương của ông. Từ đó, ông càng thêm quyết tâm thực hiện những công việc có ý nghĩa, tích cực tham gia vào các vận động chính quyền sở tại để tăng cường hợp tác kinh tế và mở rộng giáo dục, đào tạo cho cộng đồng người Việt tại Úc.

Ông Trần Bá Phúc, người nối “nhịp cầu” Việt – Úc trong hàng chục năm qua
ẢNH: NVCC
Năm 1992 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước VN đến thăm Úc, mang theo mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng kiều bào. Trong sự kiện đó, ông Phúc vinh dự được chọn tham dự, trở thành một trong 10 kiều bào tiêu biểu có cơ hội gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười.
“Biết được Đảng và Nhà nước VN quyết tâm phát triển kinh tế đất nước, với chủ trương mở cửa để kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, lòng tôi trào dâng niềm vui khó tả. Tôi tin rằng đó là một quyết định sáng suốt, bởi đất nước không thể đứng ngoài xu thế phát triển chung của thế giới. Từ đó, tôi tích cực tham gia vào các hoạt động vận động nhiều doanh nhân kiều bào và các nhà đầu tư tại Úc ủng hộ và đầu tư về VN”, ông kể lại.
Ông Phúc nói rằng ông cũng là một trong những người kêu gọi, lấy ý kiến ủng hộ của cộng đồng người Úc gốc Việt, gửi thư kiến nghị đến chính phủ Úc viện trợ xây dựng cho VN chiếc cầu Mỹ Thuận. Đó cũng chính là “nhịp cầu” đầu tiên mà ông chung sức “bắc” cho quê hương.
Chính vì vậy, sau 20 năm xa xứ, lần đầu tiên ông về quê hương trong ngày cầu Mỹ Thuận thông xe. Ông là kiều bào được Đại sứ quán Úc tại VN và Chính phủ VN mời tham dự ngày lễ khánh thành cây cầu lịch sử này.
“Thừa thắng xông lên”, ông Phúc tích cực vận động bà con doanh nhân Việt kiều, các nhà đầu tư tiềm năng tại Úc đầu tư kinh doanh về VN. Điển hình là có một số Việt kiều đầu tư rất thành công trong những năm đầu đất nước mở cửa đến nay. Còn ở VN, năm 2009, ông Phúc vinh dự được bầu làm Ủy viên Ủy ban MTTQ VN, đến nay là nhiệm kỳ thứ 4.
Để phát triển mạnh mẽ hơn trong việc kết nối doanh nghiệp giữa 2 nước, năm 2010, ông Phúc đã thành lập Hội Doanh nhân VN tại Úc với khoảng 50 hội viên. Đến nay, đã có trên 500 hội viên và trong đó có khoảng 120 hội viên là các doanh nghiệp trong nước sang Úc đầu tư.
Với vai trò chủ tịch, ông Phúc làm cầu nối, tạo môi trường cho các doanh nghiệp trong nước đến với thị trường Úc và ngược lại. Đồng thời, hội đã tổ chức thành công nhiều cuộc triển lãm thương mại, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến hỗ trợ đưa hàng VN vào thị trường Úc; tổ chức rất thành công nhiều hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp tại Úc đầu tư vào VN; phát triển kim ngạch xuất khẩu 2 chiều.

Ông Phúc (giữa) tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và trưng bày hàng VN tại Úc (ITPC)
ẢNH: NVCC
Kết nối địa phương, đưa nông sản đến Úc
Đến hiện tại, những đóng góp thầm lặng mà ông Phúc dành cho quê hương rất nhiều. Dấu ấn đậm nét gần nhất có lẽ là vào năm 2019, khi ông thành lập Trung tâm Xúc tiến thương mại và trưng bày hàng VN tại Úc (ITPC). Đây là một bước tiến quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc xuất khẩu hàng hóa VN sang thị trường tiềm năng này.
“Chúng tôi đã kết nối với một số trung tâm phân phối tại Úc và đã đưa trên 200 mặt hàng VN sang bán tại các siêu thị ở thành phố Melbourne. Ngoài ra, chúng tôi thường tổ chức quảng bá hàng nông sản Việt như: hạt điều, cà phê, tiêu… Đồng thời, liên kết với Tham tán thương mại VN tổ chức quảng bá hỗ trợ nông dân xuất khẩu thành công trái cây như: vải thiều, nhãn, thanh long… sang các thị trường có tiêu chuẩn cao”, ông Phúc cho hay.
Chưa kể, trung tâm cũng tích cực tham gia đề án của Thủ tướng về: “Huy động người VN ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt ở nước ngoài”.
Để đạt được những điều trên, ông Phúc nói rằng cần phải vận động hành lang rất nhiều, từ những kiến nghị thư, từ cơ quan chức năng Úc. Chưa kể, ông đưa những chuyên viên người Úc đến tận các vùng trồng nông sản tại các địa phương để tận mắt chứng kiến việc trồng trọt đúng quy trình của bà con nông dân.
Quay lại tiếp chủ đề ở Úc, là người Việt, thành đạt ở nước ngoài, ông Phúc cũng luôn quan sát và hỗ trợ thế hệ kế cận. Đặc biệt là du học sinh Việt, bởi đây là nguồn lực lớn cho sự phát triển chung của 2 quốc gia. Ông đã đứng ra kết nối với các doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nước để du học sinh trở về có cơ hội làm việc như công dân toàn cầu. Tức sống ở VN nhưng làm việc theo Úc. Ông nói rằng sẽ luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp chân thành, để mong sao, những nhân tài trẻ người Việt trở về đóng góp nhiều hơn cho quê hương.
Từ những nỗ lực đó, trong hàng chục năm qua, ông Phúc đã nhận được nhiều bằng khen, kỷ niệm chương từ các lãnh đạo, bộ ngành VN như Thủ tướng, T.Ư Đoàn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục – Đào tạo. Ngoài ra, ở Úc, ông Phúc còn được Toàn quyền với Thủ hiến bang Victoria trao giải thưởng xuất sắc đa văn hóa và Huân chương thế kỷ.
Ông chia sẻ: “Lúc nào tôi cũng thấy vui và đồng hành với sự phát triển của quê nhà. Tôi hãnh diện với vị thế của quê hương ngày nay. Là người Việt, trong tim tôi luôn tự hào nói rằng dù xa quê hương nhưng trong tim không bao giờ xa Tổ quốc”.