Chứng rối loạn giấc ngủ ở y bác sĩ cấp cứu

Chứng rối loạn giấc ngủ ở y bác sĩ cấp cứu

bởi

trong

Sau một đêm trắng chạy đua cứu người, bác sĩ Nhân quay lại bệnh viện với ánh mắt trũng sâu, da tái nhợt, cảm giác bất lực vì chứng kiến “ba người tử vong ngoại viện”.

Bác sĩ Phùng Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, nói ca trực ngoại viện đêm 13/5 “thất bại đáng buồn”. Ca đầu tiên, một người đàn ông ngoài 60 tuổi, mắc bệnh nền nặng, được gia đình gọi cấp cứu. Đội phản ứng nhanh lên đường chỉ sau ba phút, nhưng khi đến nơi, tim ông đã ngừng đập. Hơn nửa tiếng ép tim, bóp bóng không cải thiện được tình hình, cuối cùng bệnh nhân không qua khỏi. Chạy xe về viện chưa kịp nghỉ ngơi, bác sĩ Nhân lại nhận cuộc gọi mới. Lần này là một bệnh nhân 36 tuổi với tình trạng tương tự. Sau đó một tiếng, thêm ca nam giới trung niên ngừng tim không rõ nguyên nhân.

Hơn 10 tiếng ngoài đường, nhưng không có sự sống nào hồi sinh, bác sĩ Nhân và kíp vừa kiệt quệ tinh thần, vừa mệt mỏi thể xác nhưng không thể chợp mắt. Chưa đầy một tiếng sau, xe cấp cứu lại lăn bánh, khi điện thoại báo có bệnh nhân cần hỗ trợ.

“Hầu hết y bác sĩ cấp cứu đều bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, thậm chí nhiều đêm không ngủ, không nghỉ để ứng cứu kịp thời”, bác sĩ chia sẻ.





Chứng rối loạn giấc ngủ ở y bác sĩ cấp cứu

Bác sĩ Nhân và kíp liên tục cấp cứu cho người bệnh. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Y sĩ Nguyễn Tiến Long, Trạm Đống Đa, Trung tâm Cấp cứu 115 (Hà Nội), từng bị ám ảnh bởi tiếng chuông, tiếng còi cấp cứu đến mức không thể ngủ. Có lần, anh được huy động cấp cứu thảm họa cháy, trên xe chở hai túi thi thể, mùi khét bao trùm ám vào người. Lần khác, anh ép tim cho bệnh nhân ngừng tim trong gần một tiếng, khi về nhà vẫn không thể chợp mắt vì cả người đau nhức. Lúc cao điểm, kíp không có thời gian nghỉ, đi 13-14 ca trong 24 giờ, gần như không còn thời gian nghỉ ngơi.

“Mệt quá thì uống nước lọc để lấy sức”, Long nói, thêm rằng giấc ngủ là điều xa xỉ với nhân viên cấp cứu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê từ 30 đến 45% dân số toàn cầu gặp vấn đề về giấc ngủ. Ở nhóm y bác sĩ, tỷ lệ này còn cao hơn do áp lực công việc và lịch trực bất thường.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Critical Care Medicine, 70% điều dưỡng ICU làm ca đêm báo cáo các triệu chứng như mất ngủ và chất lượng giấc ngủ kém. Tiến sĩ Juliann Geiger-Brown, tác giả chính của nghiên cứu, đã phát biểu: “Điều dưỡng làm việc trong các ca dài thường không thể hồi phục giữa các ngày làm việc, dẫn đến tình trạng kiệt sức tích lũy theo thời gian”.

Tương tự, một bài báo năm 2020 trên Journal of Intensive Care Medicine cho thấy hơn một nửa số bác sĩ ICU bị rối loạn giấc ngủ ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Tiến sĩ Maria Meira giải thích: “Thiếu ngủ mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế, có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của bệnh nhân”.

Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những thách thức này. Một cuộc khảo sát toàn cầu được công bố trên Frontiers in Psychiatry tiết lộ khoảng 66% nhân viên y tế tuyến đầu phát triển các vấn đề về giấc ngủ mới trong thời kỳ đại dịch. “Nhiều người mô tả đó như việc sống trong trạng thái cảnh giác liên tục”, nhóm khảo sát lưu ý.

Tại Việt Nam, một nghiên cứu gần đây cho thấy 30% người trưởng thành bị rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là mất ngủ mạn tính. Hiện chưa có số liệu y bác sĩ mắc rối loạn giấc ngủ song trên thực tế, các bệnh viện ghi nhận tình trạng này ngày càng gia tăng.

Theo bác sĩ Nhân, việc liên tục phải làm việc theo ca luân phiên giữa ngày và đêm, thường xuyên đổi giờ làm, thậm chí có những ca kéo dài vượt quá mức bình thường, làm xáo trộn hoàn toàn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Khi đáng lẽ cơ thể cần nghỉ ngơi thì họ vẫn phải duy trì trạng thái tỉnh táo tối đa để đáp ứng các tình huống khẩn cấp.

Áp lực công việc cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Công việc hồi sức cấp cứu luôn đặt các bác sĩ, điều dưỡng trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Họ phải đối diện với những ca bệnh nguy kịch, thậm chí là các thảm kịch bất ngờ khiến tâm trí liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài.

“Cảm xúc lo âu, day dứt về các quyết định chuyên môn, thậm chí là những ám ảnh sau mỗi ca trực nặng nề đều khiến chúng tôi khó lòng tìm được cảm giác thư thái cần thiết trước khi ngủ”, y sĩ Long cho hay.

Bên cạnh đó, thời gian nghỉ giữa các ca trực rất ngắn, không đều đặn. Ngay cả khi có cơ hội chợp mắt, giấc ngủ của y bác sĩ cũng thường bị chia cắt, nhiều khi chưa kịp đi vào giấc ngủ sâu đã phải bật dậy vì chuông báo động hoặc bệnh nhân mới nhập viện. Trạng thái này kéo dài khiến giấc ngủ không những không đủ về lượng mà còn quá thiếu về chất, làm cơ thể ngày càng mệt mỏi, sa sút tinh thần.

Các chuyên gia đánh giá khi y bác sĩ hồi sức cấp cứu rơi vào rối loạn giấc ngủ, hệ lụy không chỉ dừng lại ở sức khỏe cá nhân mà còn kéo dài đến hiệu quả và chất lượng của toàn hệ thống chăm sóc y tế. Họ có thể suy giảm khả năng tập trung, phản xạ kém hơn và dễ mắc sai sót trong quá trình đưa ra quyết định.

Những người thiếu ngủ lâu ngày còn đối mặt nguy cơ mắc phải các bệnh lý mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, trầm cảm, và hội chứng kiệt sức nghề nghiệp (burnout). Tâm trạng dễ cáu gắt, thiếu kiên nhẫn, mất động lực làm việc cũng vô tình ảnh hưởng đến tinh thần đồng đội, tạo ra môi trường làm việc căng thẳng.





Xe cấp cứu chở người bệnh và người nhà từ viện Việt Đức tới Thanh Nhàn cách ly giai đoạn Covi. Ảnh: Giang Huy

Xe cấp cứu chở người bệnh và người nhà từ viện Việt Đức tới Thanh Nhàn cách ly giai đoạn Covid. Ảnh: Giang Huy

Để ngăn ngừa tình trạng này, một số bệnh viện đã sắp xếp lại lịch trực luân phiên hợp lý hơn, thiết lập khu vực nghỉ ngơi yên tĩnh để nhân viên ngủ ngắn giữa ca. Nhiều cơ sở có biện pháp để hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế, can thiệp tâm lý – tâm thần.

Như tại TP HCM, từ cuối năm 2023, Sở Y tế nhân rộng cho nhân viên y tế, hỗ trợ tâm thần khẩn cấp, tư vấn từ xa giúp giải quyết nhu cầu tâm lý qua hệ thống kênh tổng đài và đường dây nóng. Các bệnh viện còn thiết lập phòng nghỉ nhằm cung cấp không gian cho y bác sĩ giải tỏa căng thẳng.

Tuy nhiên, các biện pháp trên không được triển khai đồng đều trên cả nước. Tình trạng thiếu hụt nhân sự khiến y bác sĩ vẫn bị quá tải công việc.

Trong lúc đó, hầu hết bác sĩ đều tự động viên bản thân, đặt trách nhiệm cứu người lên hàng đầu. Với bác sĩ Nhân, giấc ngủ quan trọng nhưng “xứng đáng để đánh đổi khi người bệnh đang cần, đặc biệt là khi cấp cứu ngoại viện”. Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ hiếm khi thể hiện sự mệt mỏi bên ngoài.

Còn bác sĩ Mạch Thọ Thái, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 198 (Hà Nội), lấy sự bình phục của người bệnh để vượt qua áp lực. Khi mất ngủ, có người chọn uống trà đặc, cà phê, hoặc đi thăm bệnh để lấy lại tỉnh táo. Trường hợp tiếp nhận nhiều ca nặng, nguy cơ tử vong cao, các nhân viên y tế phải tự động viên và hỗ trợ nhau, không bỏ rơi người bệnh.

“Tôi nhớ mãi về bệnh nhi 11 tuổi nhập viện do ngừng tim, tỷ lệ sống chỉ 1% nhưng vẫn được chúng tôi cứu sống. Sự hồi sinh này cũng cứu vớt tinh thần của cả kíp, tin vào phép màu ngành y”, bác sĩ Thái nói.

Thùy An