Dịch tả lợn châu Phi đang gia tăng trên cả nước, trong đó gần nửa lợn bệnh mắc chủng virus tái tổ hợp genotype I-II – loại chưa có vaccine hiệu quả.
Tại hội nghị phòng chống dịch tả lợn châu Phi và kiểm soát hoạt động giết mổ do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 23/7, Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết từ đầu năm đến 22/7, cả nước xảy ra 636 ổ dịch tại 30/34 tỉnh thành với hơn 42.300 lợn mắc bệnh; buộc tiêu hủy hơn 43.300 con. Hiện còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh thành chưa qua 21 ngày.
So với cùng kỳ năm 2024, số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy giảm hơn 34%. Mặc dù số lượng giảm, ông Phan Quang Minh, Cục Chăn nuôi và Thú y, đánh giá dịch đang gia tăng ở quy mô cả nước. Đặc biệt tỷ lệ lợn mắc bệnh có chủng tái tổ hợp genotype I-II (xuất hiện lần đầu ở Việt Nam năm 2023) ngày càng cao.

Tiêu hủy lợn mắc dịch tả châu Phi ở Phú Thọ. Ảnh: Công an Phú Thọ
Kết quả giải trình tự gen cho thấy nếu như năm 2023, chủng virus gây bệnh là genotype II (chủng đã có vaccine bảo hộ hiệu quả) chiếm tới 84,6%, chủng tái tổ hợp genotype I-II chỉ chiếm 15,4% thì đến năm 2024 tỷ lệ đã lên 36% và hiện là 45%.
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine dịch tả lợn châu Phi do các đơn vị trong nước sản xuất được cấp phép lưu hành, 7,8 triệu liều đã cung ứng ra thị trường nhưng chưa có loại vaccine nào bảo hộ hiệu quả với chủng genotype I-II. Kết quả khảo sát lưu hành virus cho thấy tiêm các loại vaccine của Việt Nam sản xuất đối với chủng tái tổ hợp genotype I-II có miễn dịch rất thấp, lợn chết rất nhanh.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nói Bộ đã đặt mục tiêu với các nhà khoa học cắt gen chủng của genotype I-II để nghiên cứu vaccine phù hợp. “Việc này không thể 1-2 năm là xong, đối với chủng trước đã phải mất 10 năm. Tuy nhiên, chúng ta cần chủ động từ sớm để có vaccine trong thời gian sớm nhất”, ông nói.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Gia Chính
Nói về nguyên nhân dịch bùng phát trở lại, Thứ trưởng Tiến nhận định ngoài đặc điểm của dịch là lây lan nhanh, độc lực lớn, đường lây truyền phức tạp, hơn 50% chăn nuôi nhỏ lẻ thì sau đỉnh dịch 2019-2020 đã xuất hiện tâm lý chủ quan.
“Những tháng gần đây dịch tăng cũng là khi chúng ta sáp nhập các tỉnh, cơ cấu lại bộ máy, hệ thống thú y các địa phương chưa quan tâm đúng mức nên việc kiểm soát dịch bệnh, xử lý ổ dịch, kiểm soát giết mổ chưa được triển khai đồng bộ, quyết liệt, còn có sự buông lỏng”, ông Tiến nói.
Về lâu dài, Thứ trưởng Tiến cho rằng Việt Nam phải thay đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tập trung. Dẫn chứng mô hình nuôi lợn nhà tầng của Trung Quốc, ông nói với mô hình này thì mọi công đoạn như năng suất, an toàn sinh học, dịch bệnh sẽ được kiểm soát bằng công nghệ.
Dịch tả lợn châu Phi có nguồn gốc đầu tiên từ châu Phi, lây lan nhanh, tỷ lệ chết gần như 100% với lợn nhiễm bệnh. Virus gây bệnh có trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm, có sức đề kháng cao, khả năng chịu được nhiệt độ thấp, chỉ chết ở 70 độ C. Bệnh dịch lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật nhiễm virus. Bệnh không lây sang người tuy nhiên người là một tác nhân phát tán bệnh.
Gia Chính