Người trẻ mua thuốc kháng sinh… phòng Covid-19, không chịu test nhanh dù có dấu hiệu điển hình
Sốt nhẹ, đau đầu, đau họng và mất khứu giác – từng là tổ hợp triệu chứng khiến nhiều người hoang mang trong đại dịch. Nhưng với Mai Thảo (29 tuổi, sống tại TPHCM), đó chỉ là một tuần “khó ở nhẹ”.
Khoảng một tuần trước, cô bắt đầu cảm nhận được những điểm bất thường đầu tiên của sức khỏe.
“Sáng tôi vẫn đi làm bình thường, nhưng tầm 3-4 giờ chiều là cơ thể bắt đầu nóng đầu, sốt nhẹ”, Thảo kể.
Triệu chứng kéo dài 2 ngày, sau đó chuyển sang đau họng, nhức đầu và mệt mỏi dai dẳng. Sau một cơn mê man vào ngày thứ 3, Thảo tỉnh dậy và bất ngờ nhận ra mình mất khứu giác.
“Tôi không ngửi được bất kỳ mùi gì, từ cà phê, đồ ăn hay nước hoa trong suốt 4 ngày sau đó. Từ dấu hiệu này, tôi đoán chắc mình lại ‘dính’ Covid-19 dù không cần test nhanh. Nhưng vì đã tiêm 4 mũi vaccine trước đây, tôi cũng bình tĩnh ít nhiều”, Thảo kể.
Những ngày đầu có bệnh, Thảo hạn chế tiếp xúc tối đa với con trai mới lên 2 tuổi. Đến khi phát hiện mình bị mất khứu giác, vợ chồng cô quyết định gửi con sang nhà nội và tự chăm sóc nhau đến khi hết bệnh.
Những ngày sau đó, bà mẹ trẻ vẫn đi làm đều đặn, chỉ khác là có uống thêm vitamin C và paracetamol những khi quá đau đầu. Sau 10 ngày, sức khỏe của cô trở lại bình thường.

Hai loại thuốc Thảo sử dụng trong gần 10 ngày nghi mắc Covid-19 (Ảnh: NVCC).
Chia sẻ thêm, Thảo cho hay, 4 đồng nghiệp cùng nhóm của cô cũng gặp tình trạng tương tự, chỉ khác là không có hiện tượng mất khứu giác. Tất cả đều xử lý theo cách giống nhau: xem đó là cơn cảm cúm, bổ sung nước cam, uống thuốc khi cần rồi tiếp tục công việc.
“Tất cả chúng tôi ban đầu đều không test nhanh, duy chỉ có một người mắc tim bẩm sinh có mua kit test nhanh và cho kết quả dương tính ở ngày thứ ba mắc bệnh. Tuy nhiên, vì không có triệu chứng tăng nặng, bạn này chỉ xin làm việc từ xa và tự theo dõi sức khỏe tại nhà”, Thảo kể.
Trong khi nhiều người trẻ tại Việt Nam như Mai Thảo đã bắt đầu “sống chung” với Covid-19 một cách nhẹ nhàng, tại Trung Quốc, Nam Thương (25 tuổi, du học sinh Việt Nam tại Thượng Hải) lại có những lo lắng theo hướng hoàn toàn khác.
Sau khi nghe tin đợt bùng dịch mới xuất hiện tại nhiều quốc gia, Thương hoang mang, định nhờ người thân mua thuốc kháng sinh gửi sang phòng hờ. Ý định tưởng như “cẩn thận” ấy của cô nhanh chóng vấp phải phản ứng gay gắt từ người bạn thân đang làm điều dưỡng tại TPHCM.
“Bạn tôi mắng thẳng: ‘Covid-19 là virus, uống kháng sinh chẳng có tác dụng gì mà còn làm hại cơ thể, nhờn thuốc, phá gan thận’. Nghe vậy mới giật mình”, Thương thừa nhận, lúc đó cô chỉ nghĩ đơn giản uống kháng sinh để khỏi viêm họng nếu bị nhiễm bệnh.
Câu chuyện của Nam Thương là một lời nhắc nhở về việc nỗi sợ đôi khi khiến chúng ta hành động sai cách. Trong lúc này, hiểu đúng về bệnh là liều “vaccine nhận thức” quan trọng không kém gì thuốc men.
Có nên test nhanh, uống kháng sinh khi nghi ngờ mắc Covid-19?
Chia sẻ với Dân trí, PGS.TS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, nhận định, biến chủng Covid-19 hiện hành là Omicron XEC, lây lan nhanh nhưng có độc lực thấp nên không gây nguy hiểm đến cộng đồng.
“Tại Việt Nam, Covid-19 từ lâu đã được hạ cấp là bệnh truyền nhiễm nhóm B, ngang tầm cảm cúm, miễn dịch cộng đồng đã tương đối tốt. Người dân do đó nên xem Covid-19 là một bệnh theo mùa thông thường, tránh hoang mang không cần thiết”, chuyên gia này cho hay.
Theo PGS Ngọc, trong bối cảnh hiện nay, mọi người không nên đổ xô đi mua kit test nhanh Covid-19 về sử dụng. Việc test tùy thuộc vào điều kiện cá nhân và không phải khuyến cáo bắt buộc.
“Đối với người trẻ, có sức khỏe tốt, triệu chứng bệnh không nặng, chỉ thoáng qua trong vài ngày, việc test nhanh lúc này không thực sự quá cần thiết”, ông giải thích.
Tuy nhiên, test nhanh lại rất quan trọng khi bạn sống chung cũng nhóm nguy cơ như trẻ em nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch. Lúc này, việc test Covid-19 giúp nhanh chóng xác định tình trạng nhiễm bệnh, từ đó hạn chế tiếp xúc với nhóm này để tránh lây lan virus cho họ.

Trong bối cảnh hiện nay, việc test nhanh Covid-19 khi nghi ngờ mắc bệnh là không quá quan trọng. (Ảnh: Hải Long).
Theo PGS Ngọc, người lớn tuổi khi bị cảm cúm trong thời điểm này cũng nên đi khám ở đơn vị y tế để xác định sớm được chẩn đoán và có phương án điều trị bệnh kịp thời.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hay corticosteroid (corticoid) để điều trị Covid-19.
“Thuốc kháng sinh hoàn toàn không giúp ích cho việc điều trị Covid-19, đôi khi còn gây thêm tác dụng phụ cho cơ thể và góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh”, PGS Ngọc nhấn mạnh.
Thuốc kháng sinh chỉ cần được sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ khi có tình trạng bội nhiễm hay đồng nhiễm vi khuẩn.
Ngoài ra, thuốc corticosteroid cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu lạm dụng. Thuốc có công dụng giúp giảm viêm nhưng khi tự ý sử dụng sẽ ảnh hưởng và gây hại cho sức khỏe
Thay vào đó, mọi người chỉ nên sử dụng thuốc điều trị các triệu chứng thông thường như hạ sốt, đau họng, sổ mũi…
Để hạn chế khả năng mắc bệnh, vị chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người đang có dấu hiệu cảm cúm.
Người có bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… cần kiểm soát tốt bệnh để tránh trường hợp gặp phải biến chứng khi không may nhiễm phải virus.
Ngoài ra, mọi người nên tăng cường sức đề kháng và sức khỏe tổng thể bằng cách ăn uống đầy đủ, đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung vitamin C và tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
Trong trường hợp nghi mắc Covid-19, PGS Ngọc khuyến cáo các trường hợp nhẹ (người trẻ, sức khỏe tốt, không bệnh nền, triệu chứng không nặng) nên chăm sóc như mắc cảm cúm thông thường.
Theo đó, chỉ nên điều trị giảm triệu chứng, tăng cường bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin C, để tăng cường sức đề kháng, có thể nghỉ vài ngày tại nhà.
Người lớn tuổi hoặc có bệnh nền, nhóm nguy cơ khi có dấu hiệu mắc bệnh (như cảm cúm), nên đi khám bác sĩ sớm để xác định nguyên nhân mắc bệnh và có phương án điều trị kịp thời.
Tại cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức ngày 22/5, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho hay, tính đến hết ngày 18/5, toàn thành phố đã ghi nhận tổng cộng 79 ca mắc Covid-19.
Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, song số ca nhiễm đang có xu hướng tăng trong vài tuần gần đây.
Bên cạnh đó, chủng Omicron XEC không phải là biến chủng mới xuất hiện. Biến chủng này đã được phát hiện trên thế giới từ tháng 6/2024. Hiện chủng này đã có mặt khắp nơi trên thế giới, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm nguy cơ thấp, biến chủng cần được theo dõi.
Ngành y tế TPHCM cũng đã lên kế hoạch phối hợp theo dõi và phòng chống dịch Covid-19 sát sao, đảm bảo ứng phó nhanh nhất.