
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm chính thức vận hành khai thác thương mại, tuyến metro Cát Linh – Hà Đông xuất hiện nhiều điều đáng nói. Đó là hình ảnh nước điều hòa chảy tong tỏng xuống toa tàu khiến hành khách phải che ô; là mái nhà ga Yên Nghĩa bị thủng đã 8 tháng nhưng không được sửa chữa khiến nước xối thẳng vào đoàn tàu, chảy lênh láng khắp sàn nhà ga; nhiều máy bán vé tự động tại các nhà ga hư hỏng nặng nề, không thể sử dụng…
Điều gì khiến tuyến metro Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng, một công trình giao thông trọng điểm quốc gia, lâm vào cảnh “hư hỏng vặt” kéo dài?
Nói về một hạng mục nhỏ là nhà ga Yên Nghĩa bị thủng đã 8 tháng vẫn không được khắc phục, một lãnh đạo Hanoi metro cho biết do chủ sở hữu tài sản là Sở Xây dựng TP.Hà Nội, phía Hanoi Metro chỉ có thể kiến nghị sửa chữa. Như thế, Hanoi Metro đã biết tuyến metro Cát Linh – Hà Đông xuất hiện nhiều hư hỏng vặt, muốn được duy tu, sửa chữa nhưng “nằm ngoài khả năng”.
Chuyện đẩy lên, khi lập tức Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP.Hà Nội (Sở Xây dựng TP.Hà Nội) “phản pháo” lại bằng biên bản bàn giao về hạ tầng, quyết định có nội dung thể hiện Hanoi Metro là đơn vị nhận đặt hàng cung cấp dịch vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông. Với “bằng chứng rành rành”, Hanoi Metro sau đó đã thừa nhận có sự chậm trễ, chưa tích cực phối hợp với các bên để sửa chữa, khắc phục hư hỏng trên tuyến tàu điện.
Câu chuyện chỉ ra một thực tế rằng, chính đơn vị có trách nhiệm dường như còn mơ hồ về nhiệm vụ của mình, khiến công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng tuyến metro nhiều năm bị “treo”, dù các hư hỏng là nhìn thấy. Theo các chuyên gia giao thông, điều này còn để lại bài học về duy trì chất lượng dịch vụ, xa hơn nữa là duy trì độ an toàn, tuổi thọ cho các tuyến metro nói riêng, cho các công trình công sản nói chung.
Đã, đang có rất nhiều công trình, dự án trọng điểm được khánh thành, mang ý nghĩa lớn lao cả về kinh tế, chính trị, xã hội và chiến lược phát triển quốc gia. Vấn đề là để duy trì được ý nghĩa đó thì mỗi công trình, dự án phải được quan tâm bảo trì, bảo dưỡng suốt giai đoạn hậu đầu tư. Một công trình dù hiện đại đến đâu cũng không thể sống thọ nếu bị bỏ mặc, và việc bảo dưỡng là một phần thiết yếu của vòng đời công trình.
Từ metro Cát Linh – Hà Đông, rất cần có sự thay đổi trong tư duy quản lý, sử dụng các công trình, dự án hạ tầng; phải coi duy tu là chi phí cần thiết, có kế hoạch và có cơ chế tài chính để thực hiện. Đồng thời, phải có cơ chế giám sát, phân cấp rõ ràng, gắn trách nhiệm cao hơn nữa cho cá nhân, tổ chức vận hành. Thay đổi này là thật sự cần thiết, bởi nếu chủ quan, coi nhẹ nó, chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự tụt hậu và lãng phí.