Chuyện tình của chàng trai ‘bò qua cuộc đời’

Chuyện tình của chàng trai ‘bò qua cuộc đời’

bởi

trong

Trung QuốcCận Tết 1991, ông Ding Jinshuan ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam đang chuẩn bị ra phố mua sắm thì nghe mọi người báo tin có đứa bé bị bỏ dưới sườn dốc.

Ông vội trượt xuống và thấy một đứa trẻ vài tháng tuổi đang khóc ngằn ngặt giữa trời đông lạnh giá. Ding Jinshuan ôm đứa bé về nhà.

Khi mẹ ông thay tã, phát hiện đứa trẻ có một chiếc “đuôi”. Làng xóm xì xào “bệnh này tốn kém, có lẽ vì thế cha mẹ nó mới ruồng bỏ”. Gia đình Ding càng thêm lo vì con trai đã ngoài 30, chưa lấy vợ, giờ lại rước thêm gánh nặng.

Nhưng Ding Jinshuan dứt khoát: “Dù có sống độc thân cả đời, con cũng sẽ nuôi đứa trẻ này”. Ông đặt tên cậu là Ding Zhuancheng – nghĩa là “chuyển vận thành công”, mong tương lai đứa trẻ sẽ tươi đẹp.





Chuyện tình của chàng trai ‘bò qua cuộc đời’

Ding Zhuancheng và cha nuôi Ding Jinshuan. Ảnh: 163

Kể từ đó hai cha con sống nương tựa trong căn nhà cũ kỹ. Zhuancheng mắc chứng gai đôi cột sống, chân teo nhỏ, không thể đi lại. Cha nuôi đi làm thuê, bán cả bò để chạy chữa cho con. Ca phẫu thuật giữ được tính mạng cho anh nhưng đôi chân bất động.

Không được đi học và bệnh tật đeo bám, nhưng bằng sự yêu thương vô điều kiện của cha nuôi, Zhuancheng lớn lên thành một người lạc quan và cứng cỏi. “Sống đứng là một ngày, bò cũng là một ngày, miễn tâm hồn vững là được”, Zhuancheng, hiện 35 tuổi, nói.

Anh tự học tiếng phổ thông qua TV, từ nhỏ đã vào thành phố bán hàng kiếm tiền phụ giúp cha. Năm 2017, cha nuôi phát bệnh Parkinson và tai biến mạch máu não, Zhuancheng quyết định trở về quê chăm cha và khởi nghiệp. Anh bắt đầu từ nuôi bò, dê, rồi chuyển sang gà. Tất cả vốn liếng đều do cha nuôi âm thầm tích góp, đưa hết cho con.

Người cha đẩy xe chở ngô, con trai bò theo cho gà ăn. Mấy năm đầu thất bại, đàn gà chết hàng loạt, tiền mất sạch. Nhưng cha không trách, con không nản. Zhuancheng lên mạng tự học kỹ thuật, cải tạo chuồng trại, nâng cao tỷ lệ sống của gà, tăng sản lượng trứng mỗi ngày.

Sống sâu trong núi, việc tiêu thụ gà rất khó khăn. Zhuancheng học cách quay video để tiếp thị. Một người tốt bụng tặng anh chiếc xe ba bánh, từ đó có phương tiện đi giao hàng.

Trang trại của cha con Ding dần đi vào ổn định. Với sự giúp đỡ của chính quyền và nhà hảo tâm, anh được cắt bỏ đôi chân hoại tử, chuyển sang ngồi xe lăn. Anh cũng thực hiện được mơ ước lớn nhất là xây cho cha nuôi một ngôi nhà mới khang trang, đặt tên là “Ngôi nhà tình yêu”.





Ding Zhuancheng nuôi trang trại gà trong đồi. Ảnh: 163

Ding Zhuancheng nuôi trang trại gà trong đồi. Ảnh: 163

Tháng 4/2019, Zhuancheng tham gia chương trình “Cảm ơn người đến” của Đài truyền hình Thâm Quyến. Anh cảm ơn cha và tổ chức sinh nhật đầu tiên trong đời cho ông ở tuổi 65.

Sự hiếu thảo của anh khiến hàng triệu khán giả xúc động, trong đó có Xiuxiu, cô gái sống ở Quảng Đông. Biết Zhuancheng chưa có bạn gái, Xiuxiu chủ động xin số điện thoại của anh qua chương trình. Tin đầu tiên để làm quen của cô là “Anh có muốn lấy vợ không?”

Một chuyện tình yêu mở ra. Chỉ vài tháng sau, Xiuxiu nghỉ việc, vượt hàng nghìn km đến Lạc Dương. Vài ngày sau, trong sự chứng kiến của cha nuôi và dân làng, họ chụp ảnh cưới, tổ chức hôn lễ giản dị. Từ đó, cặp vợ chồng cùng nhau nuôi gà, bán trứng, trồng rau với cha, đi viện chữa bệnh.

Do vấn đề sức khỏe không thể sinh con tự nhiên, tháng 6/2020, Xiuxiu và chồng quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên thủ tục yêu cầu cần phải đăng ký kết hôn. Gia đình cô lại ngăn cản nên mãi không thể thực hiện. Đợt đó, Xiuxiu quay về lấy sổ hộ khẩu và dùng tình yêu, tình người để thuyết phục cha mẹ. Trước thái độ của con gái, cha mẹ Xiuxiu đành phải “trời không chịu đất, đất phải chịu trời”.

Trong thời gian Xiuxiu mang bầu sống ở nhà bố mẹ đẻ, Zhuancheng chuyển đến sống cùng vợ. Bố mẹ cô gái cũng dần quý mến nghị lực, có hiếu. Đầu năm 2021, cậu bé Niudan – kết tinh tình yêu của họ – ra đời.

Tưởng rằng cuộc đời đã tạm yên bình, nhưng cơ thể Ding bắt đầu xuất hiện biến chứng mới, dẫn tới suy thận. Xiuxiu sẵn sàng hiến thận cho chồng, song bác sĩ lắc đầu, vì tình trạng của Ding đặc biệt, không thể ghép thận, chỉ có thể sống nhờ lọc máu định kỳ. Cứ cách một ngày, Ding lại đến bệnh viện “gia hạn sự sống”.





Ding Zhuancheng và vợ Xiuxiu. Ảnh: 163

Ding Zhuancheng và vợ Xiuxiu. Ảnh: 163

Suốt bao năm qua, ngoài cha nuôi, còn có nhiều người thân họ Ding luôn âm thầm giúp đỡ. Dân làng và hàng xóm cũng thay phiên chăm nom nhà Ding. Bệnh viện miễn giảm chi phí điều trị.

Vì từng được giúp đỡ, Ding và gia đình cũng trở thành người gieo yêu thương. Xiuxiu cùng cha chồng trồng rau, chia cho người thân và những ai từng giúp đỡ họ. Dù cả Ding và cha nuôi đều cần tiền chữa bệnh, hễ còn chút khả năng họ đều chủ động làm việc thiện. Gần đây, khi biết Quý Châu – Dung Giang gặp lũ lụt nghiêm trọng, Ding lập tức quyên góp 10.000 quả trứng gà và được người dùng mạng gọi là “người hảo tâm không biên giới”.

Hiện tại, dù bệnh của Ding không thể chữa khỏi, nhờ điều trị kịp thời, tình trạng đã ổn định. Trang trại phát triển, bên cạnh anh là gia đình đầy ắp tình thương.

Mỗi khi ai khen Xiuxiu là thiên thần cứu rỗi gia đình này, cô chỉ cười: “Anh ấy mang lại hạnh phúc cho em nhiều hơn. Gặp anh ấy là may mắn của đời em”.

Còn Ding Zhuancheng giữ trong lòng sự biết ơn cha và vợ. Anh và cha không cùng huyết thống, nhưng là hơi ấm của nhau. Anh và vợ không giàu sang, nhưng tình nghĩa vợ chồng luôn đậm sâu.

“Số phận có thể trêu ngươi, nhưng tôi vẫn muốn sống một đời rực rỡ như bao người”, Ding Zhuancheng nói.

Bảo Nhiên (Theo 163)