Hơn 9 giờ sáng, người đến nhận cơm đã xếp thành hàng dài trước Tổ từ thiện trong Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (P.Tân An, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Buổi cơm trưa thứ sáu có cá điêu hồng kho, canh mướp nóng hổi. Cơm không chia phần sẵn do đa số bà con mang theo khay, tô, hộp… nên hơn 10 tình nguyện viên cùng lúc hỗ trợ mới kịp, trong đó người lớn tuổi nhất là ông Hồng (tên thân thuộc là Út Bột).
Ông Hồng cho biết, sáng sớm tổ từ thiện phát cháo trắng. Mỗi tuần có 1 bữa cháo thịt bằm, những ngày còn lại là cháo trắng ăn kèm muối tiêu. Để kịp phục vụ, mọi người phải thức từ lúc 4 giờ sáng vo gạo nấu cháo, cắt gọt rau củ, sơ chế thịt cá. Sau cữ cháo sáng, bếp có 2 bữa cơm chính trưa và chiều dành cho bà con lúc 9 giờ 30 và 15 giờ 30. Trung bình mỗi ngày có 500 suất cơm, riêng thứ tư đến thứ sáu khoảng 1.000 phần mới đủ.

Ông Hồng đã có 18 năm tham gia nấu ăn từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ
ẢNH: THANH DUY
Việc nấu hàng trăm suất cơm không dễ, nhất là khi điều kiện nấu ăn còn hạn chế. Diện tích căn bếp nhỏ nhưng có đến 4 chiếc lò nổi lửa cùng lúc. Nếu tinh thần hướng thiện không cao, khó có thể bám trụ lâu dài trong căn bếp.
Dẫu vậy, ông Hồng đã gắn bó với tổ từ thiện này 18 năm, kể từ ngày Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động (2007). Động lực để ông dấn thân vào việc tử tế này bắt nguồn từ sự đồng cảm và biết ơn. “Trước đây, cha tôi bị ung thư gan, từ Vĩnh Long đi TP.HCM điều trị nhiều năm nên tốn kém lắm. Thỉnh thoảng, tôi nhận được sự giúp đỡ của mọi người, trong đó có cơm từ thiện. Bình thường, có thể thấy một phần cơm không đáng kể gì, nhưng khi lâm vào bệnh tật, túng thiếu thì nó rất ý nghĩa”, ông Hồng tâm sự.
Sau khi cha mất, ông Hồng mong muốn trả ơn những ân tình đã nhận. Từ đó, ông đi góp sức hơn 10 năm cho bếp ăn từ thiện tại một bệnh viện ở TP.HCM. Đến khi biết Cần Thơ có bệnh viện ung bướu nhưng chưa có cơm cháo từ thiện, ông về xin thành lập tổ từ thiện. Một là gần quê nhà, hai là tiếp sức cho bà con miền Tây còn nhiều khó khăn.

Ông Hồng tặng cơm cho những bệnh nhân ung bướu và thân nhân nuôi bệnh
ẢNH: THANH DUY
Nhận vai trò trưởng tổ từ thiện từ những ngày đầu, công việc của ông Hồng nặng nề hơn hẳn so với khi ở TP.HCM. Bởi không chỉ góp sức, ông còn vận động nhà hảo tâm để duy trì bếp ăn. Ông kết nối được nhiều tiểu thương trong chợ Tân An đóng góp gạo, rau củ, thịt cá. “Những bệnh nhân ung bướu và thân nhân nuôi bệnh cần bữa cơm đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi ngày, tổ từ thiện đều lưu mẫu theo yêu cầu của bệnh viện. Vì vậy, tôi luôn đồng hành, quản lý chặt mọi công đoạn trong bếp ăn”, ông Hồng bộc bạch.
Cẩn thận trong công việc, nhiều người nhận xét ông Hồng hòa đồng, vui vẻ dù đôi khi có phần hơi… khó tính. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (52 tuổi, tình nguyện phụ bếp), chính sự khó tính lại khiến mọi người trân trọng, yêu quý ông Hồng hơn. Nhiều người đã gắn bó với ông cả chục năm, cũng nhờ đó, bếp ăn từ thiện này đã nhiều lần được tuyên dương, nhận bằng khen của UBND TP.Cần Thơ vì những cống hiến thiết thực cho cộng đồng.