
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) – Ảnh: Q.P.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nêu vấn đề tại phiên thảo luận tổ về các dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Bồi thường để người dân có động lực tố giác hàng giả
Nữ đại biểu dành sự quan tâm tới Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Bà Lan cho hay hiện nay hầu hết thực phẩm đều tự công bố, chỉ những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe mới làm thủ tục công bố.
Tuy nhiên cả sản phẩm công bố hay tự công bố đều trên giấy tờ, nếu không hậu kiểm tương xứng sẽ giống “xua gà ra đuổi”, không thể đảm bảo chất lượng các sản phẩm sẽ đạt yêu cầu.
Do đó luật phải quy định rõ về việc tiền kiểm, hậu kiểm, trong đó quy định rõ tần suất, tỉ lệ sản phẩm, quy trình, thời gian kiểm tra…
Bên cạnh quy định rõ như trên, bà Lan kiến nghị có quy định bên cạnh cơ quan chức năng, có thể quy định cơ chế xã hội hóa để các cơ quan có năng lực kiểm định độc lập cùng tham gia kiểm tra…
Kể cả trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bà Lan cho hay hàng hóa ở các nước chỉ đi về hệ thống duy nhất là siêu thị. Một con heo từ lò mổ có mã vạch, nhãn chỉ đi qua siêu thị đến người dùng nên dễ truy xuất nguồn gốc.
Còn ở Việt Nam, không chỉ chợ truyền thống, còn những chợ tự phát, nên con heo xả đi rồi có biết có cùng nguồn gốc hay không, việc truy xuất do vậy rất nhiều khó khăn.
“TP.HCM hiện có 300.000 sản phẩm hàng hóa, nếu muốn kiểm tra hết làm bao nhiệm kỳ cho vừa. Trong khi hiện nay tinh gọn bộ máy, chúng ta cũng không thể đặt ra việc tăng cường lực lượng để hậu kiểm cho đủ”, bà Lan ví dụ.
Đặc biệt, nữ đại biểu đề nghị nghiên cứu, quy định rõ ràng về bồi thường thiệt hại nếu người dân tiêu thụ phải sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng.
“Chúng ta có luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, có nghĩa nếu ai vi phạm luật sẽ bị phạt. Vậy những người bị thiệt thì sao?, Nếu sản phẩm này Nhà nước đứng ra đảm bảo an toàn, cuối cùng nó vẫn là đồ giả, đồ kém chất lượng thì người dân phải được bồi thường.
Có như vậy người dân đỡ thiệt thòi hơn và người ta có động lực để tố giác, còn hiện nay toàn ngậm đắng nuốt cay”, bà Lan chia sẻ.
Phải có hàng rào phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng giảm chất lượng

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) – Ảnh: Q.P.
Cũng nêu ý kiến về luật này, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) băn khoăn hiện có đến hơn 10 luật có quy định chồng chéo với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát tất cả các luật để quy định thống nhất.
Ông Đức cũng băn khoăn khi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 có nêu khái niệm hàng hóa, sản phẩm kém chất lượng nhưng dự luật lần này không có quy định ranh giới để phân biệt hàng hóa, sản phẩm kém chất lượng.
Thay vào đó, dự luật áp dụng thông lệ quốc tế, chia thành ba nhóm: rủi ro, không rủi ro và nhóm khác.
Theo ông Đức, nghị định 98 năm 2020 (về xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm) có nói hàng giả là hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản, hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký.
Trong khi quy định mới sẽ tính chất lượng sản phẩm theo vòng đời từ khi sản xuất, ra thị trường, trong đó có ảnh hưởng của quy trình bảo quản, thời tiết có thể ảnh hưởng làm chất lượng giảm đi, hoặc làm cho hợp chất nào đó trong sản phẩm bị tác động hóa học, chuyển qua chất khác kém đi. Ranh giới này rất dễ để các doanh nghiệp “lách luật”.
“Ví dụ vừa qua vụ việc rúng động khi cơ quan công an phát hiện 573 loại sữa giả. Cơ quan chức năng khẳng định sữa giả, nhưng cũng có ý nói đây là hàng kém chất lượng vì cũng được dán nhãn mác đầy đủ, được vào các sàn thương mại, siêu thị.
Thiệt hại hiện nay ước tính 500 tỉ đồng, nhưng quan trọng nhất là hệ lụy, hậu quả người sử dụng trẻ em, phụ nữ mang thai, người già sau này không tính toán được.
Từ vụ việc này cho thấy phải tính toán quy định hàng rào phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng giảm chất lượng do quá trình vận chuyển, ảnh hưởng tác động thời tiết”, ông Đức nêu.