Việt Nam muốn có 200 sân golf vào năm 2030, tăng gấp đôi hiện tại, tạo điều kiển để phát triển phong trào, thu hút đầu tư, du lịch.
Theo báo cáo “Golf around the world” của R&A, công bố năm 2021, thế giới có 38.081 sân golf trải rộng tại 206 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn (80%) các sân golf tập trung tại 10 quốc gia hàng đầu về môn thể thao này, bao gồm: Mỹ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Canada, Pháp, Thụy Điển, Đức, Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhật Bản có nhiều sân golf nhất châu Á, đứng thứ hai thế giới. Thái Lan có nhiều sân golf nhất khu vực Đông Nam Á với 317 sân vào năm 2023.
Nếu xét tỷ lệ diện tích trên số lượng sân golf và tỷ lệ người trên sân golf, Việt Nam đang nằm ở nửa cuối của khu vực Đông Nam Á, đứng sau các quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Philippines. Điều này cho thấy dư địa phát triển của các sân golf ở Việt Nam còn nhiều.
Theo Ben Styles, chuyên gia PGA Australia và Giám đốc điều hành của 54 – tập đoàn thể thao và giải trí toàn cầu, việc lựa chọn đúng vị trí là yếu tố then chốt để phát triển một sân golf thành công. Những địa điểm lý tưởng thường sở hữu địa hình đa dạng, các yếu tố tự nhiên như hồ nước, sông suối và tầm nhìn khoáng đạt, góp phần tạo nên giá trị thẩm mỹ. Những vùng ven biển và khu vực đồi núi tại Việt Nam mở ra tiềm năng lớn để xây dựng các sân đẳng cấp quốc tế.

Ông Ben Styles, chuyên gia PGA Australia và Giám đốc điều hành của 54. Ảnh: Tập đoàn 54
Tuy nhiên, việc tuân thủ pháp lý, đảm bảo yếu tố bền vững môi trường và tích hợp các giá trị văn hóa bản địa vào thiết kế là những yếu tố cần lưu tâm. Theo Ben Styles, với nền văn hóa phong phú, Việt Nam sở hữu cơ hội “độc nhất vô nhị” để đưa những câu chuyện văn hóa vào không gian sân golf.
Việt Nam đã ghi dấu ấn trên bản đồ golf quốc tế, khi được vinh danh là “Điểm đến golf hàng đầu châu Á” và “Điểm đến golf hàng đầu thế giới” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) các năm 2019 và 2021. Những sân golf như The Bluffs Grand Hồ Tràm và Hoiana Shores, do Greg Norman và Robert Trent Jones Jr. thiết kế, góp phần quan trọng vào thành công này. Dưới sự dẫn dắt của Ben Styles, các sân này vào top 100 sân golf hàng đầu thế giới theo bình chọn của hội đồng chuyên gia từ USA Golf Digest.

Sân golf Hoiana Shores. Ảnh: Hoiana Shores
Theo Ben Styles, đầu tư trong nước và các ưu đãi từ chính phủ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các sân mới, biến môn thể thao thành một phần trong chiến lược phát triển du lịch tổng thể. Sự hợp tác của các nhà đầu tư trong nước với các công ty quản lý quốc tế sẽ nâng cao chất lượng vận hành và tiêu chuẩn dịch vụ của sân.
Lượng khách quốc tế tới chơi golf ở Việt Nam cũng được nhận định là động lực để các nhà phát triển xây dựng thêm sân. Hiện nay, nguồn khách du lịch golf tại Việt Nam chủ yếu đến từ Hàn Quốc, chiếm khoảng 30% tổng số golfer, tiếp theo là Nhật Bản, Malaysia, Singapore và các quốc gia Đông Nam Á khác. Ngoài ra, số lượng golfer đến từ Trung Quốc, Australia, Anh và Mỹ có xu hướng gia tăng Ben dự đoán nguồn khách tiếp tục tăng trưởng ổn định trong những năm tới khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn ở khu vực.
“Tổng cục Du lịch Việt Nam đang tích cực quảng bá đất nước như một điểm đến du lịch hàng đầu, qua đó góp phần thu hút lượng khách quốc tế”, Ben Styles nói và cho rằng lượng khách tăng trưởng mạnh sẽ tạo cơ hội cho các nhà phát triển, bởi du khách quốc tế thường có mức chi tiêu cao.
Golf đang trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam với số lượng người chơi trong nước không ngừng gia tăng. Nhu cầu về các loại sân đa dạng hơn. Các nhà phát triển nhận thấy tiềm năng đang mở rộng bằng cách xây dựng các sân 18 hố truyền thống và cảc sân ngắn hơn, sân công cộng…
“Chúng tôi mong muốn mang lại trải nghiệm phong phú hơn và khuyến khích các nhà phát triển sáng tạo xây dựng những sân độc đáo để thu hút nhiều phân khúc golfer hơn”, Ben Styles nói
Chuyên gia cũng cho rằng mấu chốt để xây dựng sân golf thành công là thiết kế nâng cao trải nghiệm chơi, chẳng hạn như bố cục phù hợp với nhiều trình độ, chất lượng cao của fairway và green. Ông gợi ý mỗi sân golf có thể theo đuổi một chủ đề riêng để tạo bản sắc và cần kết hợp hài hòa văn hóa địa phương với tiêu chuẩn quốc tế. “Một chủ đề được tích hợp tốt sẽ tạo ra một không gian ấn tượng và đáng nhớ cho khách chơi. Ngoài ra, tiện ích và dịch vụ nhằm nâng cao trải nghiệm tổng thể cũng cần được chú trọng”, ông nhận định.
Công nghệ cũng tham gia vào quá trình phát triển. Công nghệ drone, hệ thống cân bằng laser và những máy móc tiên tiến góp phần thay đổi quá trình xây dựng và bảo dưỡng sân.
Thách thức trong quá trình xây dựng và vận hành là tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tính chất công việc ngoài trời và sự cạnh tranh. Trong tương lai, các thiết bị tự động có thể đảm nhiệm một số công việc như cắt cỏ ở khu vực ít ảnh hưởng đến trận đấu, giúp giảm sai sót của con người.
“Điều quan trọng là phải duy trì tính nguyên bản của thiết kế sân golf trong khi chọn lọc những giải pháp sáng tạo giúp tối ưu hóa hiệu suất và bảo vệ môi trường”, ông nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng cho rằng việc gắn kết cộng đồng địa phương và ưu tiên bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tạo ra môi trường sống cho động vật hoang dã, bảo tồn các đặc điểm tự nhiên sẵn có, kiểm soát phân bón và hóa chất. Quá trình tham vấn và hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan ngay từ khâu quy hoạch và phát triển sẽ giúp nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận từ cộng đồng.
“Bằng cách nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và sự kết nối với cộng đồng xung quanh, chúng ta có thể nâng cao tính bền vững và tạo ra sự chấp nhận rộng rãi hơn cho các dự án”, ông kết luận.
Bên cạnh vai trò lãnh đạo 54, Ben Styles còn trở thành thành viên hội đồng đánh giá sân golf của Golf Digest, giữ vai trò quan trọng trong việc xếp hạng các sân trên thế giới.
Hoài Phương