
Những lần chào hỏi ban đầu, khi giới thiệu bản thân tôi vẫn thường nói, tôi là người Trảng Bàng, Tây Ninh.
Nhưng nếu ai đó quan tâm hơn một chút, tôi sẽ có dịp nói rõ hơn mình đã đến ở TP.HCM từ năm 17 tuổi, đã vươn ra những chiếc lá thanh xuân, đã rụng đi vài chiếc úa vàng, đã cắm những chiếc rễ đớn đau và khao khát.
Tôi đã ở quê nhà 17 năm và tôi cũng đã ở thành phố này 33 năm rồi. Con số nhắc tôi nhớ rõ, tôi nào phải là một người Sài Gòn trọn vẹn, nhưng tôi đã sống và yêu Sài Gòn bằng trọn vẹn trái tim mình.
17 tuổi hồng môi hồng tim
17 tuổi, vào đại học, vào ký túc xá, ba lần xách ba lô về thăm nhà là đủ ba lần tôi gom hết hành trang lên xe. Lần nào cũng ủ mưu về luôn, không học hành gì hết trọi, nhõng nhẽo: “Mẹ cho con ở nhà thêm một năm nữa đi, con mới 17 tuổi, khi nào 18 tuổi con sẽ bay đi như một cánh chim đủ lớn”.
Ba mẹ tôi chỉ cười, bà nội gắp bỏ vào chén tôi miếng thịt, biểu ăn thêm miếng cơm rồi đi ngủ trưa, chiều tối hoặc sáng mai nhà mình nói chuyện tiếp. Vậy mà, không có cuộc nói chuyện tiếp tục nào hết.
Khuya sáng hôm sau, mẹ lay tôi nhè nhẹ: “Dậy, Bồ Câu ơi, ba đưa con đi cho kịp giờ học”. Tôi ngái ngủ và không xin xỏ gì nữa, ngoan ngoãn ngồi sau lưng ba trên chiếc xe Cub 81 mà ngủ tiếp. Quê hương cứ mờ sương ở sau lưng những lần ba đưa tôi đi Thủ Đức.
Có lần thậm chí, ba tôi đã dùng một sợi dây cột eo hai cha con lại với nhau, vì sợ tôi ngủ rồi té. Viết ra đây tôi lại thấy thương ba vô hạn, khi thả tôi tại trường, quãng đường về ba đi chỉ một mình thôi. Hẳn là ba cũng buồn và nhớ, nhớ nhiều hơn cái đứa con gái mau quên.
Trên chiếc xe một mình đó, ba đã cột eo mình vào đâu để không lo bị té. Đứa con gái Bồ Câu của ba đang rất nhanh chóng làm quen bạn mới, hòa nhập cuộc sống tập thể và mở ra những cuộc vui tưng bừng tuổi trẻ đời mình. Thành phố này đã chứng kiến hết, và tiếp tục nuôi dưỡng tôi theo cách của riêng mình.
Năm thứ 2 tôi rời cơ sở Thủ Đức, về học ở cơ sở Đinh Tiên Hoàng của Đại học Tổng hợp. Đô thị nô nức lúc này mới thực sự mới mẻ trong tôi. Một chiều gió giông nọ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, khi hai chị em tôi cong lưng đạp xe từ ký túc xá Trần Hưng Đạo về ký túc xá Nguyễn Chí Thanh, những cơn mưa hoa dầu rơi xuống đẹp như phim.
Ngẩn người dừng xe một lúc, Tú nói: “Loài cỏ cây có cách phát tán riêng của nó, con người chắc cũng giông giống vậy thôi Bồ Câu ha. Một nửa là ý chí bản thân, một nửa chắc phải nhờ gió như những cánh hoa dầu này”…
Tú là người chị thân thương nhất của tôi, đã cắm rễ ở lại Sài Gòn được mười năm, rồi một cơn gió khác mạnh hơn gọi là số phận, bứng Tú đi nước ngoài sinh sống. Tôi vẫn còn ở đây, những chiều gió thổi hoa dầu bay là nhớ Tú tha thiết. Hạt giống này ngồi nhớ hạt giống kia.
Vì sinh ra sau 13 ngày đất nước hòa bình, cái tên Bồ Câu cũng từ lý do đó mà ra. Tôi hay nói vui với Tú, em không cần giỏi toán cộng trừ để nhớ tuổi mình, gần tới sinh nhật, ắt sẽ có băng rôn và báo đài nhắc nhở.
Tôi nhớ mình khi mình lên mười, dù ở tỉnh xa nhưng vẫn cứ líu lo bài hát Thành phố mười mùa hoa. Khi tôi 25, dù biết mình chỉ là một kẻ nợ trần gian trăm mối, nhưng nhất thiết phải nghêu ngao Sài Gòn cô tiên năm 2000…
Theo một cách thật bình thường, tôi thành gia lập thất, làm một tế bào nhỏ xíu của Sài Gòn theo công thức đi học đại học rồi yêu đương cưới hỏi, rồi sinh con cái. Một lần nữa, tôi lại không phải làm toán khi sinh con trai vào năm 2000. Cứ hai ngàn bao nhiêu là con trai tôi bấy nhiêu tuổi. Quả thực là một cột mốc đặc biệt.
Đi qua thanh xuân cùng Sài Gòn
Vì có một hạt giống mới xuất hiện nên trường cảm xúc mãi mãi tuổi 17 trong tôi lần hồi biến chuyển. Lần này, TP.HCM trưởng thành hơn nên lo toan nhiều hơn.
Thành phố không còn chỉ là Nhà văn hóa Thanh niên với những đêm thơ, không phải là ngày ngày chạy xe thư thả ngang qua lõi thành phố từ Đinh Tiên Hoàng về ký túc xá Trần Hưng Đạo hay những buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Nắng Sân Trường nữa.
Vì đã sinh con nên thành phố với tôi lúc này còn là Thảo cầm viên, là Bệnh viện Nhi đồng, là trạm xá của phường 18 mang con đến chích ngừa, là những trường mẫu giáo, cấp I-II-III mỗi ngày con lớn khôn.
Thành phố là công ăn việc làm, là những ngày kẹt đường, mẹ nóng ruột từng vòng bánh xe lăn, con mỏi chân mỏi mắt chờ. Sống và sống như vậy, giống như bao người sớm tối đi về.
Nhiều khi cũng nghêu ngao: Thành phố bé thế thôi/ Mà tìm hoài chẳng được/ Tìm hoài sao chẳng thấy nhau giữa chốn đông người…
Đó là cảm thức cô đơn dễ thấy khi ta đi giữa dòng đời chật chội. Thật ra, tôi luôn cảm thấy mình may mắn, nhất là mỗi khi con trai vẫy tay chào mẹ đi học. Gương mặt sáng rực của con là một ẩn dụ của Sài Gòn trong trái tim người mẹ.
Thế rồi ngày nọ, trong không khí tưng bừng mừng 40 năm thống nhất đất nước, tôi biết mình bị ung thư. Bạn hãy hỏi tôi có sống sót sau trận bệnh ấy không đi, để tôi được dịp trả lời rằng mình đang sống, mình còn sống và sẽ sống trên mảnh đất này.
Tôi lại đang cùng thành phố tưng bừng đón mừng sinh nhật tuổi 50 đây. Đó là một cảm xúc lạ lùng. Mười năm lạ lùng của tôi đã đi qua. Tôi cuộn lòng lại để thương mình, mang ơn người và tiếp tục sống với con trai. Thành phố đã cuộn tôi vào lòng trong những chiều gió thổi. Sau trận bệnh, tôi buông tay với công việc đang làm, tôi ly hôn và ngơ ngác.
Mười năm như một cơn mơ. Thành phố một lần nữa dạy tôi nẻo quay về, dạy tôi chăm chỉ và thì thầm: “Bồ Câu ơi đừng hoảng sợ!”. Nó hệt như là trong một cơn đau, con trai tôi đã từng lau mặt cho mẹ và nói: “Không sao đâu, con lúc nào cũng ngồi ngay đây với mẹ nha!”.
Mười năm trước, trước khi bước vào phòng mổ, tôi không dặn dò con trai gì hết, vì tôi biết mình sẽ trở ra, và được thành phố nuôi nấng trong muôn vẻ ân tình. Mười năm sau, một ngày bình thường khỏe khoắn, tôi đã dặn dò con tất cả những gì con cần biết nếu bất ngờ mẹ không còn nữa.
Dĩ nhiên là tôi đã rất dài dòng, nhưng trong đó, có một điều tôi nhắc con nhất thiết ghi tâm: “Hãy tin người và tin vào mồ hôi”, với hai điều đó con sẽ có một cuộc đời tốt đẹp khi sống tiếp ở đất này.
Tuyệt vọng hoặc hồi tỉnh, bình an và ghềnh thác, Sài Gòn đã thông qua người thân, bạn bè an ủi vỗ về tôi, đã mách nhau biết vài ngôi chùa cổ để đôi chân quen dần lui tới. Thành phố hóa ra còn vang vọng cả tiếng chuông chùa.