Có nên khen điều tử tế ‘bình thường’?

Có nên khen điều tử tế ‘bình thường’?

bởi

trong
Có nên khen điều tử tế ‘bình thường’?

Đại diện lãnh đạo, ban công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM trao bằng khen của giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho 6 sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Ảnh: LÝ NGUYÊN

Mới đây, sáu sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM được giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM trao bằng khen vì đã nhường chỗ cho cựu chiến binh trong dịp lễ 30-4.

Một cử chỉ nhỏ, giản dị, gần như là phép lịch sự tối thiểu trong văn hóa ứng xử, bỗng trở thành tâm điểm của dư luận.

Có người cảm động, nhưng cũng không ít người buông tiếng thở dài: “Đến việc nhường chỗ cũng cần tuyên dương sao?”. 

Tôi không nghĩ như vậy. Không phải ai cũng làm điều tử tế để được khen.

Đến việc nhường chỗ cũng cần tuyên dương sao?

Khi sự tử tế được nhắc đến và lan truyền, càng trở thành lời gợi nhắc ấm áp. 

Giữa dòng đời nhiều toan tính, điều tử tế nhỏ bé vẫn đủ sức giữ con người lại gần nhau, bằng sự chân thành, bằng lòng tốt không cần điều kiện. 

Và nếu phải gọi tên nó để nhiều người khác còn nhớ, còn làm theo, thì điều đó càng nên làm.

Chuẩn mực từng là mặc định, nay trở thành lựa chọn. Có lẽ vì thế, chúng ta thấy sự thay đổi rõ rệt, điều từng là lẽ thường, nay lại trở thành đặc biệt.

Thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta lớn lên trong bối cảnh khác, các giá trị như “kính trên nhường dưới”, “sống biết điều, biết ơn” là bài học vỡ lòng, được dạy từ trong nhà, trường học đến ngoài xã hội.

Trong cộng đồng gắn bó, mỗi lời ăn tiếng nói đều có sức nặng, sống tử tế không phải là lựa chọn, mà là điều hiển nhiên và được tôn trọng.

Còn hôm nay, giữa cuộc sống đầy áp lực và cạnh tranh, các chuẩn mực cũ không còn mặc định, mà dần trở thành lựa chọn cá nhân. 

Chính vì vậy, khi một hành động nhỏ như nhường chỗ được tuyên dương, tôi không thấy đó thổi phồng, mà là lời nhắc nhớ về sự tử tế luôn có giá trị, vẫn được trân trọng và giữ gìn.

Ghi nhận, nhắc nhớ và lan tỏa

Tôi nhớ lần đi xe buýt vào năm cuối đại học. Xe đông nghẹt, tôi đứng dậy nhường ghế cho một cụ già. Cụ ngồi và nói: “Cảm ơn con, tốt lắm!”. 

Thật tình tôi thấy hành động của mình bình thường và nhỏ bé, nhưng lời khen của ông cụ đã nuôi lớn cảm xúc trong tôi về việc theo đuổi những điều tử tế, dù những tưởng là rất bình thường.

Vậy nên tôi nghĩ rằng việc tuyên dương sáu bạn sinh viên không phải để gán cho hành động nhỏ thêm lớp hào quang lớn lao, mà bởi chính việc làm điều tốt một cách tự nhiên của các em đã gieo thêm cảm xúc ấm áp cho cuộc đời.

Và đâu chỉ có hành động nhường chỗ, còn nhiều nghĩa cử khác đã được cộng đồng ghi nhớ và lan tỏa trong đợt diễu binh mừng đại lễ 30-4 vừa qua. 

Từ việc tặng hình dán lá cờ Tổ quốc cho các cựu chiến binh, tặng áo và khăn, đến việc lặng lẽ nhặt rác sau sự kiện đông người… 

Những điều nhỏ ấy khi được gọi tên sẽ trở thành dấu chấm lặng đầy ấm áp giữa đời sống vội vã, nhắc về sự ứng xử văn minh ở từng cử chỉ biết nghĩ cho người khác.

Khi điều đúng được lưu dấu, việc ghi nhận nó là cần thiết, mang tới sự lan tỏa, chứ không phải tô vẽ hay tâng bốc.

Thực tế những sinh viên được tuyên dương không xem hành động của mình là điều gì lớn lao. Các bạn chia sẻ đó chỉ là phản xạ tự nhiên khi thấy các cựu chiến binh lớn tuổi đang đứng giữa sự kiện đông người. Chính sự tự nhiên ấy mới là điều quý giá nhất.

Và tuyên dương một hành động nhỏ cũng nhắc nhớ một điều lớn.

Dù xã hội có đổi khác ra sao vẫn luôn có chỗ cho điều tốt đẹp, miễn là chúng ta không ngừng gọi tên nó, gìn giữ nó, và khích lệ như một phần quan trọng của đời sống. Cũng như xã hội luôn trân trọng điều thiện lành, dù nhỏ bé đến đâu.