Có nên quy định tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… trong Hiến pháp?

Có nên quy định tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… trong Hiến pháp?

bởi

trong

Sáng 21.5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (sau đây gọi tắt là dự thảo).

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Phạm Minh Tuấn cho biết dự thảo có quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội (điều 9).

Trong đó, dự thảo khẳng định MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định khái quát về các tổ chức chính trị – xã hội theo hướng khẳng định vị trí của các tổ chức này trực thuộc MTTQ Việt Nam.

Quy định “trực thuộc” sẽ phủ nhận tính liên hiệp tự nguyện

Góp ý tại hội nghị, bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ – pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho rằng cần chỉnh lý nội dung điều 9.

Có nên quy định tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… trong Hiến pháp?

Bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

ẢNH: P.T.N

Theo bà Hương, việc quy định các tổ chức Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh “trực thuộc” MTTQ là chưa phù hợp, vì các tổ chức này có điều lệ, tư cách pháp lý và hoạt động độc lập tương đối.

Thuật ngữ phù hợp hơn là “thành viên”, phản ánh đúng tính chất liên hiệp tự nguyện và sự độc lập tương đối về tổ chức, điều lệ và hoạt động của các tổ chức này, đồng thời, tránh nhầm lẫn với cơ quan hành chính hay phòng ban trực thuộc của MTTQ.

Tương tự, bà Võ Thị Dung, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cũng bày tỏ băn khoăn khi quy định các tổ chức thành viên “trực thuộc” MTTQ Việt Nam.

Bà cho rằng MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội là những lực lượng phối hợp ngang hàng, cùng thống nhất hành động trong Mặt trận, chứ không phải quan hệ cấp trên – cấp dưới. Nếu gọi là “trực thuộc” thì vô hình trung xem các tổ chức này như đơn vị cấp dưới.

Có nên quy định các tổ chức chính trị - xã hội trong Hiến pháp? - Ảnh 2.

Bà Võ Thị Dung

ẢNH: P.T.N

Vì vậy, tại khoản 2, điều 9, dự thảo nên chỉnh lại thành “thành viên nòng cốt của MTTQ Việt Nam” để thể hiện đúng vai trò và vị trí chính trị – pháp lý của các tổ chức này.

Ngoài ra, bà Dung cũng đề nghị cụ thể hóa khái niệm “hệ thống chính trị” để đảm bảo sự rõ ràng và thống nhất trong các quy định của Hiến pháp.

Ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP.HCM, cũng cho rằng quy định “trực thuộc” không phù hợp bản chất của MTTQ là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện.

Ông Năng cũng đặt vấn đề về việc nếu vì sợ chồng chéo trong hoạt động mà siết lại bằng quan hệ hành chính, thì sẽ làm mất đi tính đa dạng, sáng tạo vốn có của các phong trào quần chúng.

Không nên liệt kê các tổ chức chính trị – xã hội trong Hiến pháp

Trong khi đó, luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM, cho rằng việc quy định các tổ chức chính trị – xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… là “trực thuộc” MTTQ Việt Nam nhằm thể hiện sự thống nhất hành động và tinh gọn tổ chức trong hệ thống Mặt trận.

Tuy nhiên, bà Hòa cho rằng việc liệt kê cụ thể tên các tổ chức như Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… vào Hiến pháp nên được cân nhắc lại, bởi Hiến pháp cần giữ tính khái quát, tránh mô tả chi tiết để không bị lạc hậu khi có thay đổi tổ chức.

Có nên quy định các tổ chức chính trị - xã hội trong Hiến pháp? - Ảnh 3.

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội nghị

ẢNH: P.T.N

Luật sư Hòa đề nghị giữ định hướng tăng cường vai trò trung tâm của Mặt trận, nhưng đề xuất diễn đạt lại như sau: “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị rộng rãi, là nơi hội tụ và điều phối hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội có cùng mục tiêu phụng sự lợi ích chung của nhân dân”.

Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho hay việc quy định các tổ chức chính trị – xã hội lớn “trực thuộc” và hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam là thay đổi căn bản, phù hợp chủ trương tinh gọn bộ máy, khắc phục chồng chéo và khẳng định vai trò trung tâm của Mặt trận.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng để đảm bảo tính chủ động, đặc thù của từng tổ chức thành viên, cần cụ thể hóa cơ chế “chủ trì” và “thống nhất hành động”, đặc biệt là cần có cơ chế mạnh hơn, tránh hình thức, né tránh về giám sát, phản biện xã hội.

Cần có cơ chế pháp lý hiệu quả đối với vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng đề nghị luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) và các văn bản liên quan cần quy định rõ quy chế phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên, phân định rõ trách nhiệm trong từng lĩnh vực, có cơ chế ra quyết định chung bảo đảm nguyên tắc hiệp thương dân chủ.

Đồng thời, theo luật sư Hậu, cần thiết lập cơ chế pháp lý hiệu quả để các kiến nghị sau giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam được các cơ quan nhà nước tiếp thu nghiêm túc; xem xét bổ sung quy định trách nhiệm giải trình, theo dõi và xử lý vào điều 9 của Hiến pháp hoặc các luật chuyên ngành.

Nhà nước cũng cần bảo đảm cung cấp thông tin và nguồn lực cho hoạt động của MTTQ Việt Nam.