Những năm qua, PV Báo Thanh Niên đã dành nhiều thời gian tìm kiếm những cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh bị trôi dạt trên biển, nghe họ thuật lại hành trình sinh tử, quyết tâm giành giữ sự sống và cuộc sống hiện tại của mỗi người.

Thiếu tá Vũ Văn Hà
ẢNH: NVCC
Sau 3 năm tìm kiếm, tôi xin gặp mặt, nhưng ông bảo “chuyện lâu rồi”. Gần 1 năm sau, ông mới kể lại chuyện và chắc nịch: “Có chết tôi cũng phải đưa bộ đội về”. Ông là thiếu tá Vũ Văn Hà, nguyên Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh, Trường Sa (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân), hiện đang sống tại Kiêu Kỵ, Gia Lâm, TP.Hà Nội.
Sinh năm 1949, cuối tháng 3.1967 khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai Vũ Văn Hà và 1.500 thanh niên Hà Nội (được tuyển chọn rất kỹ lưỡng) nhập ngũ vào Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209 (còn gọi là “trung đoàn mũ sắt”), thuộc Sư đoàn 312.
Sau 7 năm chiến đấu ở Tây nguyên, tháng 4.1975, trung đội trưởng Vũ Văn Hà cùng Trung đoàn Pháo binh 675 (nay là Lữ đoàn 675, Binh chủng Pháo binh) tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và giải phóng căn cứ Đồng Dù, sáng 29.4.1975.
Đầu tháng 5.1975, trước khi diễn ra lễ duyệt binh 15.5.1975 tại Sài Gòn, cấp trên cấp tốc rà soát cấp bậc hàm để phát quân hàm đeo trong ngày lễ, lúc ấy, Vũ Văn Hà mới được chính thức nhận quân hàm chuẩn úy – trung đội trưởng.
Đảo trưởng Phan Vinh đầu tiên

7 cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh (Trường Sa) trôi dạt 8 ngày đêm trên biển, sau khi được tàu 641 tìm thấy và đưa về đảo
ẢNH: TƯ LIỆU QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN
Cuối năm 1975, chuẩn úy Vũ Văn Hà được nghỉ phép ra Bắc lấy vợ. Khi vào lại Bến Cát (Bình Dương) mới biết đơn vị mình đã chuyển ra Bắc và ông được chuyển sang Lữ đoàn Pháo phòng không 234 (nay thuộc Quân đoàn 34).
Tháng 2.1976, Vũ Văn Hà nhận quyết định chuyển ra Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 đóng ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Lữ đoàn trưởng Trần Trí Cường, sau khi đọc hồ sơ, gọi chuẩn úy Hà lên giao nhiệm vụ: “Cậu đã có gần 10 năm trực tiếp chiến đấu, phải ra đảo chỉ huy trung đội pháo phòng không 37 mm. Ngoài ấy chưa có pháo, chiến sĩ mới nhập ngũ. Tuần sau, đưa pháo và bộ đội xuống tàu ngay”…
Lúc ấy, chuẩn úy Vũ Văn Hà chưa nhìn thấy… biển, nên xuống tàu ông say sóng, nằm mê mệt. Tàu đến đảo Sinh Tồn, ông cố gắng bò dậy chỉ huy bộ đội tháo dỡ, cẩu pháo xuống xuồng và lại hì hục mấy ngày lắp ráp, sẵn sàng chiến đấu.
Thời điểm chuẩn úy Hà ở đảo Sinh Tồn, đảo trơ trụi, chỉ có căn nhà tôn do quân nhân VNCH để lại là… sang nhất. Hồi ấy chưa có nhà, bộ đội phải ở dưới hầm hào công sự. Ăn uống toàn gạo mục với mắm muối, nên ai cũng thèm rau và chất tươi.
Cuối năm 1977, chuẩn úy Vũ Văn Hà từ đảo Sinh Tồn vào bờ, ra quê Hà Nội nghỉ phép. Cứ tưởng khi vào sẽ ra lại Sinh Tồn, nhưng tướng Giáp Văn Cương (khi đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân) gọi ông Hà lên trao quân hàm thiếu úy và giao nhiệm vụ: “Chỉ huy phân đội đóng giữ Hòn Sập, làm chỉ huy trưởng đảo”.
Cuối tháng 3.1978, tàu HQ-680 của Hải đoàn 128 Hải quân từ Cam Ranh ra Hòn Sập. Sáng 30.3.1978, thiếu úy Vũ Xuân Hà chỉ huy lực lượng của Trung đoàn 146 (nay là Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân), đổ bộ lên chiếm giữ Hòn Sập. “Từ xa nhìn vào, thấy lố nhố đen sì, tưởng là địch, nên sẵn sàng nổ súng chiến đấu. Lại gần mới biết đó là chim biển”, ông Hà kể lại.

Hoạt động của bộ đội và đoàn công tác trước mốc chủ quyền trên đảo Phan Vinh, tháng 5.1988
ẢNH: NGUYỄN VIẾT THÁI
Những ngày đầu, bộ đội vác đá san hô lên kê thành bờ kè, tường công sự và sau đó, công binh ra trát xi măng gắn thành công sự chiến đấu. “Đảo này rất khác Sinh Tồn. Mình đi trên đảo, san hô cứ sụp xuống. Có lẽ vì thế mà người ta gọi là Hòn Sập. Tháng 5.1978, đoàn công tác của Quân chủng Hải quân do thiếu tướng Giáp Văn Cương (Tư lệnh) và thiếu tướng Hoàng Trà (Chính ủy) lần đầu tiên ra thăm và kiểm tra đảo. Đúng ngày 7.5.1978 – ngày thành lập Quân chủng Hải quân, tướng Cương đổi tên đảo Hòn Sập thành đảo mang tên người anh hùng của hải quân, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh (gọi tắt là đảo Phan Vinh)”, ông Hà nhớ lại.
Gặp nạn vì… cái giường
Năm 1978, đảo Phan Vinh rất nhiều chim biển và rệp chim cắn đốt bộ đội. Một số người không chịu nổi, phải mang giường xuống biển ngâm nước mặn.
Sáng 29.10.1978, chiến sĩ Nguyễn Văn Hợi (quê Hà Tây) xuống biển vớt chiếc giường cá nhân của mình, thì bị sóng cuốn trôi. Chiến sĩ Nguyễn Văn Hoa mang phao bơi ra cứu bạn, nhưng bất thành và cả 2 bị dòng nước đẩy ra xa.

PV Thanh Niên (phải) trao tặng phần quà của bạn đọc Báo Thanh Niên tới cựu chiến binh Lê Ngọc Củng (1 trong 7 cán bộ chiến sĩ trôi dạt), tại gia đình ở Thanh Hóa vào tháng 10.2024
ẢNH: NGUYỄN VĂN HẢI
Kẻng báo động gõ dồn dập. Trên đảo lúc này chỉ có 1 xuồng cao su bị thủng và xuồng nhôm chở vật liệu xây dựng, chèo tay. Chỉ huy đảo ra lệnh bơm vá xuồng cao su và cử 3 chiến sĩ bơi giỏi (Xây, Chữa và Quỳnh) lên xuồng ra cứu Hợi – Hoa.
1 người chèo, 1 người bơm hơi, 1 người bịt lỗ thủng. Sau gần 1 tiếng vật lộn với sóng, đã vớt được 2 người lên. Tuy nhiên, xuồng bị dòng nước cuốn xa khỏi đảo. Mái chèo gãy, lỗ thủng xì hơi, 5 người trên xuồng ra tín hiệu cấp cứu.
Sau đó, toàn đảo buộc dây vào xuồng nhôm, thả theo dòng nước, để tiếp cận xuồng cao su. Tổ cấp cứu trên xuồng nhôm, gồm thiếu úy – đảo trưởng Vũ Văn Hà và 7 chiến sĩ quen sông nước (Lê Văn Mồi, Nguyễn Quang Hợi, Phạm Ngọc Đông, Ngọ Văn Vượng, Nguyễn Bá Khôi, Lê Ngọc Củng và Nguyễn Văn Vinh).
Thả được khoảng 200 m, thì dây nối xuồng nhôm với đảo bị đứt và xuồng bị chìm ngang mặt nước, khiến 8 cán bộ chiến sĩ bị thương, đu bám xung quanh. Mãi buổi chiều, khi đã trôi xa đảo khoảng 2 km, cả nhóm xuồng nhôm mới hoàn tất việc tát nước cho xuồng nổi. Đảo trưởng Vũ Văn Hà cử chiến sĩ Phạm Ngọc Đông bơi vào bãi cạn phía tây đảo để cột một đầu dây vào bãi san hô, để kéo xuồng vào. Tuy nhiên, do nước chảy mạnh, 7 người trên xuồng nhôm không kéo nổi. Chiến sĩ Đông, sau khi đưa 5 người trên xuồng cao su vào bãi cạn, cũng kiệt sức, ở lại bãi.
Chiếc xuồng nhôm trôi xa đảo. Do trên xuồng không có nước uống, đồ ăn và bộ đội chỉ mặc quần đùi, nên phải ôm nhau cho đỡ lạnh, đói khát. Đêm xuống, nhìn về phía đông bắc, chỉ thấy pháo sáng từ đảo bắn lên trời, tuyệt vọng…
“Lúc ấy rất khó khăn. Tàu trực không có. Tàu tiếp tế thì cả năm mới ra đảo một lần. Trên xuồng nhôm không có bất cứ trang bị vũ khí, lương thực thực phẩm gì. Bộ đội thì toàn mới ra đảo, kinh nghiệm đi biển không có, co ro quần đùi áo lót, bị va đập xước xát, máu me đầy xuồng… Biển cả mênh mông, sóng to gió lớn, rất khó tìm kiếm. Nhưng tôi tự nhủ: Mình là chỉ huy, người lớn tuổi, lại đã trải qua sống chết chiến trường, dù có chết cũng phải đưa bộ đội về bờ an toàn”, thiếu tá Vũ Văn Hà, chỉ huy trưởng đầu tiên của đảo Phan Vinh, khẳng định như thế. (còn tiếp)